MỐI LIÊN HỆ GIỮA CÁC NHÂN TỐ TRONG MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM
Đỗ Văn Tính
Tiết kiệm và đầu tư
Theo Viện chiến lược và chính sách tài chính, Đầu tư công có vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên hiệu quả của đầu tư công vẫn đang là một vấn đề gây nhiều tranh cãi.
Về tác động tới tăng trưởng kinh tế. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả đầu tư công và đầu tư tư nhân đều có tác động tích cực tới GDP, và các tác động này đều có ý nghĩa về lý thuyết và thống kê. Điều này cũng phù hợp và nhất quán với nhiều nghiên cứu khác ở Việt Nam, theo đó, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào đầu tư, trong đó có cả đầu tư công và đầu tư tư nhân.
Về mối quan hệ của đầu tư công và đầu tư tư nhân. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng đầu tư công có tác động tích cực tới đầu tư tư nhân giai đoạn đầu, và phần lớn giai đoạn sau là có tác động lấn át tới đầu tư tư nhân. Điều này có thể lý giải việc tăng đầu tư công ban đầu có thể có tạo ra hiệu ứng tích cực do nhu cầu hàng hóa dịch vụ từ chính phủ làm cho cầu về sản phẩm của khu vực tư nhân gia tăng, khuyến khích khu vực này đầu tư nhiều hơn do kỳ vọng về doanh thu và lợi nhuận tốt hơn.
Cũng theo Viện chiến lược và chính sách tài chính, các yếu tố chỉ số hội nhập tài chính, chỉ số phát triển thị trường tài chính, chỉ số phát triển tổ chức tài chính và thu nhập bình quân đầu người đều có tác động dài hạn tới cân đối tiết kiệm - đầu tư của quốc gia. Cụ thể:
Chỉ số phát triển thị trường tài chính tăng gây tác động tăng lên tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm. Khi chỉ số phát triển thị trường tài chính tăng 0,1 điểm, tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm tăng 7,27% (không có ý nghĩa thống kê ở mức 10%).
Tác động của chỉ số phát triển tổ chức tài chính đối với tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm quốc gia, tư nhân và chính phủ là không đáng kể ở mức thống kê 10%. Khi chỉ số phát triển tổ chức tài chính tăng 0,1 điểm, tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm giảm 12,43% (không có ý nghĩa thống kê ở mức 10%). Thu nhập bình quân đầu người tăng làm tăng tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm. Khi thu nhập bình quân đầu người tăng 1% và các yếu tố khác không thay đổi, tỷ lệ đầu tư trên tiết kiệm tăng 10,20% (có ý nghĩa thống kê ở mức 5%).
Biểu thị tiết kiệm của Việt Nam vào 2022-2024 liên tục biến động, năm 2024 đã giảm xuống 24,6% GDP từ mức 30,7% GDP của năm 2022, và giảm thêm 5,5% so với năm 2023 (năm 2023 tỷ lệ tiết kiệm đạt 31,1% GDP). Trong khi đó, nhu cầu đầu tư chưa có biến động nhiều. Cụ thể, năm 2022 là 27,2% GDP, sang năm 2023 giảm chỉ còn đạt khoảng 26,8% GDP. Tuy nhiên, đến năm 2024, tỷ lệ đầu tư có dấu hiệu khởi sắc, tăng từ 26,8% GDP lên 27,1% GDP.
Có thể thấy, Sự chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư tạo ra sức ảnh hưởng đến cán cân thương mại ở Việt Nam. Khi tỷ lệ tiết kiệm là 31,1% GDP năm 2023 lớn hơn tỷ lệ đầu tư là 26,8% GDP thì cán cân thương mại của Việt Nam năm 2023 sẽ thặng dư 3,3% GDP; còn khi tỷ lệ tiết kiệm nhỏ hơn tỷ lệ đầu tư thì cán cân thương mại sẽ âm. Cụ thể, năm 2024, tỷ lệ tiết kiệm là 24,6% GDP, trong khi tỷ lệ đầu tư là 27,1% GDP thì cán cân thương mại thâm hụt -1,65% GDP.
Như vậy, một nền kinh tế đi lên hay đi xuống, cán cân thương mại nghiêng về đâu thì nguyên nhân chính nằm ở sự thay đổi trong tiết kiệm và đầu tư.
Dân số
Có thể nhận thấy tác động của dân số đến kinh tế trên cả hai tầm vĩ mô và vi mô. Dân số vừa là lực lượng sản xuất, vừa là lực lượng tiêu dùng. Bởi vậy quy mô, cơ cấu dân số có ảnh hưởng lớn tới sự tăng trưởng kinh tế thông qua tác động đến quy mô, cơ cấu sản xuất, tiêu dùng và tích lũy của xã hội. Nhìn chung, sự gia tăng dân số ảnh hưởng đến rất nhiều khía cạnh trong lĩnh vực kinh tế qua nhiều yếu tố khác nhau.
Yếu tố dân số tác động tới việc xác định cung về lao động bao gồm cả quy mô, cơ cấu và chất lượng từ đó tác động tới năng suất lao động, sản phẩm bình quân đầu người ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể:
Về quy mô, cơ cấu. dân số tác động thông qua “dân số trong độ tuổi lao động” và “tỷ lệ tham gia lực lượng lao động”. Dân số trong độ tuổi lao động thông thường là từ 15-59 tuổi. Dân số tăng lên, sau một thời gian nhất định, số người trong độ tuổi này cũng tăng lên, làm cho lực lượng lao động cũng vì thế mà lớn lên.
Về chất lượng. Khi dân số tăng nhanh, các điều kiện sống không được thoả mãn ở mức độ cao, hầu như các nhu cầu chỉ dừng lại ở mức tối thiểu, đảm bảo cho vừa đủ nhu cầu cơ bản của cuộc sống, ảnh hưởng đến sức khỏe và trình độ học vấn của người lao động. Điều này làm cho chất lượng vốn con người giảm xuống hoặc ở mức thấp đến rất thấp. Do đó, năng suất lao động không cao, khiến cho tổng sản phẩm quốc dân tăng chậm
Nếu như GDP Việt Nam năm 1990 chỉ đạt hơn 6 tỷ USD, thì đến năm 2020 đã đạt hơn 271 tỷ USD, tăng gấp 41 lần; thu nhập bình quân đầu người tính theo GNI từ 917 USD/người/năm 1990 đến năm 2020 đã đạt hơn 8646 USD/người tăng gấp 9,4 lần. Sự phát triển kinh tế của Việt Nam khi so sánh với cơ cấu dân số theo độ tuổi cho thấy, sự phát triển kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng bởi lực lượng lao động từ 15 đến 64 tuổi, đồng thời cũng tác động ngược lại làm lực lượng này có sự suy giảm nhẹ về tốc độ tăng trưởng.
Tiến trình tăng trưởng của GDP vẫn tiếp tục tăng, nhưng tiến trình tăng trưởng lao động giảm xuống do nguồn cung là nhóm dân số dân số dưới 14 tuổi giảm và nhóm dân số trên 65 tuổi tăng lên. Vấn đề này rõ ràng bị ràng buộc bởi thu nhập bình quân đầu người. Bài học từ các nền kinh tế phát triển, cho thấy khi thu nhập bình quân đầu người đạt ngưỡng nhất định, có thể đảm bảo cuộc sống tốt, dân số sẽ giảm xuống. Đặc biệt trong đó nhóm dân số dưới 14 tuổi giảm ảnh hưởng đến nhóm dân số trong độ tuổi lao động, đồng thời nhóm dân số trên 65 tuổi sẽ tăng, tạo gánh nặng cho sự phát triển xã hội. Chính sách của các quốc gia phát triển trong trường hợp này là thay đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế tri thức đi cùng với thuê lao động nước ngoài và dịch chuyển một bộ phận cơ cấu sản xuất ra thế giới, tới những quốc gia lao động dồi dào, giá rẻ. Mặc dù Việt Nam hiện chưa tới giai đoạn như các nước phát triển, tuy nhiên khi xem xét cơ cấu dân số theo độ tuổi với thu nhập bình quân đầu người, mối quan hệ tỷ lệ nghịch của dân số trong độ tuổi lao động, dân số dưới 14 tuổi với thu nhập bình quân đầu người bắt đầu xuất hiện.
Công nghệ
Theo xu thế thế giới, khoa học-công nghệ (KHCN) là yếu tố quan trọng trong các mô hình tăng trưởng (MHTT). Vai trò của KHCN ở Việt Nam trong phát triển kinh tế-xã hội đã được đề cập trong nhiều nghị quyết của Đảng và Chính phủ. Theo Báo cáo Việt Nam 2035, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2016-2035 nền kinh tế Việt Nam cần thực hiện nhiều thay đổi cho phép tạo ra và huy động nguồn lực mới đáp ứng yêu cầu phát triển. Chẳng hạn, một trong sáu đột phá lớn cần thực hiện là phát triển đổi mới sáng tạo (ĐMST) – yếu tố được xem là động lực mới và đóng góp quan trọng vào việc định hình MHTT của kinh tế Việt Nam hiện đại. Trong thực tế, sự phát triển KHCN và ĐMST ở Việt Nam chưa thực sự rõ ràng và đóng góp của chúng đối với tăng trưởng kinh tế (TTKT) chưa nhiều. Điều này dẫn đến nhiều câu hỏi vĩ mô lớn như khả năng KHCN và ĐMST của nền kinh tế có như kỳ vọng đặt ra; các chính sách phát triển KHCN và ĐMST hiện nay đang gặp những khó khăn, nút thắt nào; và liệu MHTT hiện đại áp dụng trong trường hợp Việt Nam có là lựa chọn tốt và khả thi không. Với vai trò quan trọng của KH&CN trong phát triển kinh tế, hoạch định cơ chế, chính sách, trong những năm qua, nhiều nhiệm vụ KH&CN ngành Tài chính đã cung cấp luận cứ quan trọng nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính. Đặc biệt trong các năm 2015 - 2019, việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học trong hoạch định chính sách được thể hiện ở 8 khía cạnh chính bao gồm: Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tài chính đến năm 2030; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý ngân sách; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực thuế; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực hải quan; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực chứng khoán; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng; hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực quản lý công sản, nợ công; hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực tài chính khác như kế toán, kiểm toán, dự trữ, hội nhập quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện chiến lược tài chính đến năm 2030. Bên cạnh việc đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện chiến lược tài chính giai đoạn 2011 - 2020, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học giai đoạn 2015 - 2019 đã tích cực rà soát, nghiên cứu nhằm xác định mục tiêu, quan điểm, định hướng tài chính cũng như xây dựng chiến lược của từng lĩnh vực cụ thể của ngành Tài chính đến năm 2030. Theo đó, đã có 10 nghiên cứu được triển khai và ứng dụng bao quát hết các lĩnh vực như kế toán, kiểm toán, kho bạc, dự trữ quốc gia, nợ công, thị trường chứng khoán, quản lý thuế, hải quan, thị trường bảo hiểm và chính sách hội nhập.
Ngoài ra, pháp luật và kinh tế là quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng
Trong mối quan hệ này, pháp luật có tính độc lập tương đối. Một mặt pháp luật phụ thuộc vào kinh tế; mặt khác pháp luật lại có sự tác động trở lại một cách mạnh mẽ đối với kinh tế. Sự phụ thuộc của pháp luật vào kinh tế thể hiện ở chỗ: Cơ cấu nền kinh tế, hệ thống kinh tế quyết định thành phần cơ cấu các ngành luật; Tính chất nội dung của các quan hệ kinh tế, của cơ chế kinh tế quyết định tính chất, nội dung của quan hệ pháp luật, phương pháp điều chỉnh của pháp luật; Chế độ kinh tế, thành phần kinh tế tác động quyết định tới sự hình thành, tồn tại các cơ quan, tổ chức và thể chế pháp lý, phương thức hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật và thủ tục pháp lý. Các quan hệ kinh tế là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự ra đời của pháp luật, quyết định nội dung, tính chất và cơ cấu của pháp luật. Do lực lượng sản xuất phát triển, sự xuất hiện của nền kinh tế sản xuất và trao đổi, của chế độ tư hữu và của sự phân hóa xã hội mà dẫn tới sự ra đời của nhà nước và pháp luật. Việc nảy sinh các quan hệ kinh tế mới cũng sẽ dẫn tới việc xuất hiện pháp luật mới tương ứng để điều chỉnh các quan hệ kinh tế đó. Kinh tế quyết định nội dung của pháp luật, các quy định của pháp luật được xây dựng trên nền tảng kinh tế của xã hội và chỉ mang tính khả thi khi có sự đảm bảo của điều kiện kinh tế ở mức độ nhất định. Cơ cấu pháp luật cũng phụ thuộc vào cơ cấu kinh tế. Ứng với mỗi thành phần kinh tế lại có một lĩnh vực pháp luật tương ứng điều chỉnh các mối quan hệ trong thành phần đó. Với vai trò quyết định, mọi sự biến động trong nền kinh tế sớm hay muộn cũng sẽ dẫn tới những thay đổi tương ứng trong pháp luật.
Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay, việc thể chế kinh tế thông qua pháp luật đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hướng dẫn, tạo khung khổ cho việc tổ chức và hoạt động của nền kinh tế. Nó góp phần đồng bộ hoá hệ thống thị trường, từng bước hoàn thiện và phát triển hệ thống thị trường của nền kinh tế thị trường nước ta. Không chỉ vậy, pháp luật còn tạo ra những tiền đề điều kiện hạn chế những khuyết tật của kinh tế thị trường. Bên cạnh những mặt tích cực là tạo ra cơ chế năng động, sáng tạo và hiệu quả thì cũng tồn tại những mặt tiêu cực như chạy theo lợi nhuận mà quên đi mục tiêu xã hội, phân hóa giàu nghèo… thông qua hệ thống pháp luật, hệ thống các chính sách mà nhà nước ta có thể điều chỉnh, hạn chế các mặt tiêu cực đó.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tổng cục thống kê Việt Nam. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội qua các năm.
- Viện Chiến lược và phát triển – Bộ Kế hoạch và đầu tư. (2024). Kinh tế Việt Nam giai đoạn 2020-2023
- https://vneconomy.vn
- https://www.mof.gov.vn