0236.3650403 (221)

Experiential Marketing


Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 kết thúc, hành vi và xu hướng tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Trước bối cảnh đó, hình thức tiếp thị trải nghiệm (Experiential Marketing) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược quảng cáo của các thương hiệu. Theo thống kê của Forbes, có đến 77% marketer xem đây là một phần không thể thiếu trong hoạt động quảng bá thương hiệu. Vậy Experiential Marketing là gì? Và điều gì khiến mô hình này trở nên hiệu quả đến vậy?

Experiential Marketing tập trung vào việc tạo ra những trải nghiệm trực tiếp và đáng nhớ giữa khách hàng và thương hiệu. Hiểu nôm na, đây là kiểu tiếp thị mời khách hàng tương tác với một thương hiệu trong “thế giới thực” và để lại cảm giác kết nối lâu dài.

Trong thời đại công nghệ số, tiếp thị trải nghiệm tạo nên sự khác biệt nhờ vào các hoạt động trực tiếp, mang tính thực tế. Mặc dù vẫn kết hợp một số yếu tố kỹ thuật số, nhưng trọng tâm của hình thức tiếp thị này là tương tác trực tiếp với người tiêu dùng. 

Một trong những thách thức lớn của quảng cáo truyền thống là người tiêu dùng thường không thích xem quảng cáo. Tiếp thị trải nghiệm giải quyết vấn đề này bằng cách tạo ra những trải nghiệm thú vị, thúc đẩy sự tham gia và tương tác của khách hàng. Khi được triển khai đúng cách, nó không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn giúp thương hiệu tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng. 

Điều làm nên sức hút của tiếp thị trải nghiệm chính là sự cá nhân hóa. Mỗi chiến dịch đều mang đến những trải nghiệm đặc biệt và đáng nhớ. Chính vì vậy, khách hàng không chỉ cảm thấy hứng thú mà còn có xu hướng chia sẻ trải nghiệm của họ với người khác, đặc biệt là qua mạng xã hội.  

Không dừng lại ở việc thu hút khách hàng, những chiến dịch tiếp thị trải nghiệm thành công còn gây được sự chú ý của báo chí, đài truyền hình và các phương tiện truyền thông. Đây chính là yếu tố giúp thương hiệu mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ.

Mô hình tiếp thị trải nghiệm không chỉ phổ biến tại Việt Nam mà còn được áp dụng rộng rãi trên thế giới, giúp các thương hiệu tạo dấu ấn riêng qua những trải nghiệm độc đáo. Sau đây là một chiến dịch điển hình: Chiến dịch của  Warner Bros Pictures: Barbie Selfie

Warner Bros Pictures đã tạo ra một chiến dịch tiếp thị trải nghiệm vô cùng sáng tạo và hấp dẫn cho bộ phim Barbie sắp ra mắt, thu hút sự chú ý của khán giả ở mọi lứa tuổi và xuất thân. Điểm nhấn của chiến dịch là một công cụ AI độc đáo cho phép người dùng tạo ra phiên bản Barbie của chính mình.

Khi truy cập trang web BarbieSelfie.ai, người dùng được chào đón bằng thông điệp: "Chào mừng đến với Barbie Land, nơi bạn có thể trở thành Barbie (hoặc Ken). Nhấp vào bên dưới để trở thành biểu tượng ngay lập tức! #BarbieTheMovie". Công cụ này cho phép người dùng tùy chỉnh Barbie của riêng mình, phản ánh đa dạng các phiên bản đồ chơi của Mattel mà bộ phim dựa trên.

Chiến dịch này là một ví dụ điển hình về tiếp thị trải nghiệm vì nó tạo cơ hội cho người xem cảm nhận được sự đại diện của mình trong bộ phim sắp ra mắt. Nó khiến họ cảm thấy như một phần của thế giới Barbie, tương tự như trải nghiệm mà trẻ em (và cả người lớn) có khi chơi với búp bê Barbie.

Đồng thời, chiến dịch này cũng đóng vai trò quảng bá phim hiệu quả. Mỗi hình ảnh được tạo ra đều có gắn ngày công chiếu 21/07/2023, giúp lan truyền thông tin về ngày ra mắt phim khi người dùng chia sẻ ảnh với bạn bè, gia đình và người theo dõi trên mạng xã hội. Tính mới lạ và khả năng tạo hình ảnh độc đáo của AI giúp thu hút sự chú ý của công chúng một cách hiệu quả.

Một bài học quan trọng khác từ chiến dịch này là tầm quan trọng của sự hòa nhập. Thay vì chỉ nhắm đến đối tượng phụ nữ trẻ - đối tượng truyền thống của Barbie, đội ngũ tiếp thị đã mở rộng phạm vi tiếp cận đến mọi lứa tuổi và danh tính. Điều này không chỉ tạo ra hiệu ứng tích cực đáng kể cho bộ phim mà còn phản ánh thông điệp về sự đa dạng và hòa nhập mà bộ phim muốn truyền tải.

Chiến dịch tiếp thị trải nghiệm của Warner Bros Pictures cho bộ phim Barbie là một ví dụ tiêu biểu về cách kết hợp công nghệ mới, sự tương tác của người dùng và thông điệp hòa nhập để tạo ra một chiến dịch quảng bá hiệu quả và đáng nhớ.

Có thể thấy, trong suốt quá trình phát triển, tiếp thị trải nghiệm đã được ứng dụng vào nhiều dự án và chiến lược khác nhau. Tuy nhiên, có thể phân loại hình thức này thành bốn nhóm chính.

Thứ nhất là tiếp thị sự kiện. Tiếp thị sự kiện và tiếp thị trải nghiệm thường đi đôi với nhau, nhưng không phải mọi chiến dịch tiếp thị trải nghiệm đều là sự kiện.

Thứ hai là các hoạt động kích hoạt thương hiệu. Đây là những chiến dịch được triển khai khi ra mắt sản phẩm hoặc dịch vụ mới, giúp khách hàng nhận biết và hình thành nhu cầu đối với sản phẩm. Một trong những phương thức hiệu quả nhất trong tiếp thị trải nghiệm chính là cho khách hàng dùng thử, từ đó tạo ấn tượng và thúc đẩy quyết định mua hàng. 

Thứ ba là tiếp thị du kích. Tương tự tiếp thị sự kiện, tiếp thị du kích cũng dựa vào yếu tố bất ngờ để thu hút sự chú ý. Những trải nghiệm hoặc màn trình diễn độc đáo, không thể đoán trước sẽ kích thích sự tò mò và tạo ra hiệu ứng lan truyền mạnh mẽ. Chẳng hạn, một phòng tập gym từng gây chú ý khi để người mẫu hóa thân thành Mai An Tiêm bán dưa hấu trên đường phố, biến một hoạt động đời thường thành điểm nhấn tiếp thị ấn tượng. 

Và cuối cùng là tiếp thị tại điểm bán. Các hoạt động tiếp thị tại cửa hàng nhằm thu hút khách hàng đến trải nghiệm trực tiếp, từ đó kéo dài thời gian mua sắm và tăng tỷ lệ mua hàng.

Về lý thuyết, mọi thương hiệu đều có thể áp dụng tiếp thị trải nghiệm. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, hình thức này đòi hỏi sự đầu tư lớn, nên hiện nay chủ yếu được các thương hiệu lớn triển khai.

                                                                                                                                         Theo advertisingvietnam