0236.3650403 (221)

BIẾN ĐỘNG CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (KỲ 2)


ĐỖ VĂN TÍNH

 

XU HƯỚNG BIẾN ĐỘNG CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2024 VÀ SO SÁNH SỰ BIẾN ĐỘNG CHỈ SỐ GIÁ TIÊU DÙNG (CPI) TP ĐÀ NẴNG VỚI MỘT SỐ TỈNH, THÀNH KHÁC TRONG NƯỚC.

 

Xu hướng biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tp. Đà Nẵng năm 2024

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1 năm 2024

CPI bình quân quý I năm 2024 tăng 2,33% so với cùng kỳ năm 2023:

       - Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 209,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng cao nhất 337%, vận tải hành khách đường sắt tăng 21,1%, vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 15,89%.

       - Nhóm lương thực tăng 16,84%, so với cùng kỳ năm trước.

  • Dịch vụ du lịch trọn gói tăng 10%, trong đó du lịch trong nước và ngoài nước lần lượt tăng 14,04% và 5,14%…
  • So với cùng kỳ năm trước, giá điện quý I/2024 tăng 9,24%.
  • Nhóm dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 8,53% so với cùng kỳ.
  • Dịch vụ hiếu hỉ quý này tăng 8,17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, dịch vụ về hỉ tăng 5,72% và dịch vụ về hiếu tăng 8,87%...
  • Nhóm dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 5,84%; Giá dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình tăng 3,34%.
  • Dịch vụ giáo dục tăng 4,99%, tăng ở các cấp học tại các trường trên địa bàn thành phố do tăng mức giá học phí vào đầu năm học 2023-2024, riêng các trường phổ thông công lập vẫn được miễn giảm học phí ở năm học này.
  • Giá đồ dùng cá nhân tăng 4,88%, giá vàng tư nhân tăng cũng làm cho đồ trang sức tăng 18,97% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2024:

  • Giá dầu hỏa, dầu diezel quý I/2024 giảm theo biến động của giá nhiên liệu thế giới, trong đó dầu hỏa giảm 3,11%, dầu diezel giảm 3,22%.
  • Một số loại thiết bị trong gia đình như các loại mặt hàng điện tử, điện lạnh giảm giá: máy giặt giảm 10,27%; thiết bị điện thoại giảm 8,18%; máy điều hòa nhiệt độ giảm 5,71%; thiết bị dùng trong gia đình giảm 5,23%...
  • Một số thực phẩm giảm giá, trong đó thịt lợn giảm 1,42%, trứng các loại giảm 0,67%, dầu mỡ ăn chất béo giảm 7,06%...so với cùng kỳ năm trước cũng ảnh hưởng làm giảm CPI trong quý này.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 2 và 6 tháng đầu  năm 2024

Giá dịch vụ y tế tăng (do Hội đồng nhân dân Thành phố Đà Nẵng vừa thông qua Nghị quyết số 22 ngày 24/5/2024 quy định mới giá khám chữa bệnh với đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán BHYT), giá điện tăng do nhu cầu sử dụng điện tăng vào mùa hè nắng nóng, giá dịch vụ du lịch tăng do tại Đà Nẵng đang diễn ra hội thi bắn pháo hoa quốc tế, một số loại thực phẩm tăng giá… là những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn Đà Nẵng tháng 6/2024 tăng 0,63% so tháng trước, tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,70% so với tháng 12 năm 2023.  CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,86% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý II năm 2024 tăng 3,4% so với bình quân quý II năm 2023, trong đó chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng cao nhất trong 11 nhóm hàng, với mức tăng là 7,38%.

CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 2,86% so với bình quân cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 6,74% của cùng kỳ năm 2023. Trong đó: 

Có 4/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng cao hơn mức tăng chung so với cùng kỳ gồm: hàng hóa và dịch vụ khác (+7,27%); Giáo dục (+5,08%); Giao thông (+3,89%); Nhà ở và vật liệu xây dựng (+2,98%).

- 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có mức tăng thấp hơn mức tăng chung bao gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống (+2,81%); Đồ uống và thuốc lá (+2,78%); Thuốc và dịch vụ y tế (+2,63%); May mặc, mũ nón và giày dép (+1,9%); Văn hóa, giải trí và du lịch (+2,1); Thiết bị và đồ dùng gia đình (+1,08%)..

- Ở chiều ngược lại, có một nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm là nhóm bưu chính viễn thông (-2,71%) so cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng năm 2024

CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 3,04% so với cùng kỳ năm 2027. Trong đó, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giảm so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng có mức tăng bình quân cao là: hàng hóa và dịch vụ khác (+7,35%); giáo dục (+5,08%); giao thông (+4,09%); thuốc và dịch vụ y tế (+3,87%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,32%). So với bình quân cùng kỳ năm trước, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giảm (-2,86%).

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2024

CPI bình quân 8 tháng năm 2024 tăng 3,06% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 01 nhóm hàng có chỉ số giảm so với bình quân cùng kỳ năm trước. Nhóm hàng có mức tăng bình quân cao là: hàng hóa và dịch vụ khác (+7,41%); giáo dục (+5,08%); thuốc và dịch vụ y tế (+4,80%); nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng (+3,50%) giao thông (+3,27%). So với bình quân cùng kỳ năm trước, chỉ có nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giảm (-2,27%).

Bảng 1 - TTng hợp tình hình biến động CPI 8 tháng đầu năm 2024

Năm

Bình quân quý 1

Bình quân 6 tháng

Bình quân 7 tháng

Bình quân 8 tháng

% biến động so với năm trước

2,33%

2,86%

3,04%

3,06%

So sánh sự biến động chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Tp. Đà Nẵng với một số tỉnh, thành khác trong nước.

Chỉ số CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2024 của Hà Nội

Theo Cục Thống kê Hà Nội, CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 5,36% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 10/11 nhóm hàng có chỉ số CPI tăng so với cùng kỳ năm trước. Một số mặt hàng tăng mạnh như nhóm giáo dục tăng 30,58% do 3 tháng đầu năm các trường công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng mức thu học phí theo Nghị quyết số 03/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND thành phố; đồng thời một số trường dân lập, tư thục cũng áp dụng mức tăng thu học phí trong năm học 2023-2024. Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 6,19%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,28%. Thuốc và dịch vụ y tế tăng 4,15%. Một số hàng hóa tiêu dùng như mũ nón, giày dép, may mặc tăng 1,9%....Riêng đối với nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giảm 1,38%

Việc bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, tăng cường kết nối cung cầu hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của người dân được thành phố Hà Nội quan tâm, chỉ đạo. Tính chung 7 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 475,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 301,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 63,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 62,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 13% và tăng 10,5%. Doanh thu du lịch lữ hành đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,3% và tăng 46,8%. Doanh thu dịch vụ khác đạt 95,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 20,2% và tăng 6,5%

Hoạt động du lịch tiếp tục sôi động, là nguồn thu lớn cho nhiều ngành dịch vụ và ngân sách thành phố. Tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội tháng Bảy ước đạt 468 nghìn lượt người, tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 3,494 triệu lượt người, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khách quốc tế tăng 43,4%; khách du lịch nội địa tăng 14,7%

Chỉ số CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2024 của TP Hồ Chí Minh

 Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 năm 2024 tăng 0,22% so với tháng trước và tăng 3,44% so với cùng kỳ .CPI bình quân 7 tháng năm 2024 tăng 3,29%.

Chỉ số CPI bình quân 7 tháng đầu năm 2024 của Bình Định

Theo Cục thống kê tỉnh Bình Định , 7 tháng đầu năm 2024, CPI tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ.

Bảy tháng đầu năm 2024 tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí. Tuy nhiên, việc tăng mức lương tối thiểu sẽ chỉ thực sự có ý nghĩa khi giá cả hàng hóa được kiểm soát chặt chẽ, tăng lương không tạo ra lạm phát kỳ vọng. Thực tế từ nhiều lần tăng lương cơ sở trước đây cho thấy, lương chưa tăng giá cả đã chạy trước, “lương đuổi theo giá”, nên việc tăng lương không mang nhiều ý nghĩa, chủ yếu là để bù đắp phần chi phí giá cả tăng lên

Cụ thể, 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tỉnh bình Định trong tháng 7/2024 có 7 nhóm tăng so với tháng 6/2024 như: Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,54%; nhóm giao thông tăng 1,47%; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%; nhóm văn hóa, giải trí du lịch tăng 0,54%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,06% và nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%.

4 nhóm còn lại bao gồm: Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép; nhóm thuốc và dịch vụ y tế; nhóm bưu chính viễn thông và nhóm giáo dục vẫn giữ chỉ số ở mức ổn định.

Bên cạnh đó, một số nhóm hàng ghi nhận sự tăng nhẹ như Chỉ số giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,38%, Chỉ số nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và VLXD tăng 0,71%.

Đặc biệt, Chỉ số nhóm hàng hóa và dịch vụ khác của tỉnh Bình Định cũng tăng 4,54% do từ ngày 01/7/2024, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng đã làm tăng mức đóng bảo hiểm y tế tăng 30% so tháng trước tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Giá trứng các loại tăng 4,38%, do thời tiết nắng nóng, sản lượng trứng bị giảm nên giá tăng cao trong khi chỉ số nhóm thịt gia súc tươi sống trên địa bàn giảm 0,06% sau ảnh hưởng của dịch tả Châu Phi trên cả nước khiến nguồn cung bị khan hiếm.

Được biết, 7 tháng đầu năm 2024 tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao; vui chơi giải trí. Điều này cũng có tác động không nhỏ giúp CPI 7 tháng đầu năm 2024 tại tỉnh Bình Định tăng 2,81% so với bình quân cùng kỳ.

Trong đó, có 10 nhóm chỉ số tăng; tăng cao nhất là nhóm giáo dục tăng 10,98%; kế tiếp là nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 4,79%; nhóm giao thông tăng 3,68%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,09%; nhóm may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 2,25%; nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 1,80%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,66%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,51%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,07%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,35%.

Bảng 2 - so sánh CPI các tỉnh thành 7 tháng đầu năm 2024

Năm

Bình Định

Đà Nẵng

TP Hồ

Chí Minh

Hà Nội

% biến động 7 tháng đầu năm 2024 so với năm trước

2,81%

3,04%

3,44%

 

5,36%

 

TỔNG HỢP CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC NHẰM KIỂM SOÁT GIÁ CẢ, ĐẢM BẢO ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Cục quản lý thị trường triển khai các biện pháp kiểm tra giám sát sự biến động của giá cả là một nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và liên tục. Đáng chú ý, trước khi mức lương tối thiểu được điều chỉnh, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về giá nhằm nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức cá nhân kinh doanh ở trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu tại các chợ, và trên thị trường có xu hướng tăng cao, Cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã thực hiện các biện pháp cụ thể để kiểm soát tình hình, đẩy mạnh giám sát diễn biến giá cả đối với nhóm hàng này. Các biện pháp nghiệp vụ sẽ được triển khai để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến giá. Phối hợp chặt chẽ với ban quản lý chợ tại các khu vực trên địa bàn thành phố để kiểm tra giá cả hàng hóa. Đặc biệt, các sạp kinh doanh tại các chợ đã được yêu cầu ký cam kết thực hiện việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Điều này nhằm ngăn chặn việc găm hàng và tăng giá bất hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.

Sở Công Thương tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu..., trong những thời điểm thị trường có nhu cầu tăng cao để chủ động dự báo, có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng biện pháp đảm bảo cân đối cung cầu, ổn định thị trường, tháo gỡ khó khăn trong cung ứng hàng hoá; không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến. Đồng thời, tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực phân công. Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm việc chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thương nhân kinh doanh xăng dầu. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, chương trình hỗ trợ cho các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ trong hoạt động sản xuất, đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường Đà Nẵng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung kiểm tra các hoạt động kê khai, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ và bán theo giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ, các doanh nghiệp... để kịp thời phát hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý và thu lợi bất chính, tin đồn thất thiệt gây khan hiếm hàng hóa, dịch vụ, làm bất ổn thị trường.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục vận động, và hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hữu cơ sinh thái bền vững, chế biến phân hữu cơ từ các nguồn phụ phẩm nông nghiệp để giảm bớt chi phí mua phân bón. Hướng dẫn, vận động nông dân ứng dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM) đề hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất. Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát vật tư nông nghiệp trên địa bàn thành phố. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, nâng giá, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường, phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát các loại dịch bệnh động vật, đặc biệt trong giai đoạn thời tiết nắng nóng, oi bức, sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm, dịch bệnh động vật dễ phát sinh. Phối hợp với các địa phương tăng cường giám sát hoạt động chăn nuôi trên địa bàn, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn theo hướng bền vững, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh nhằm phát triển chăn nuôi bền vững.

Sở Tài chính có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, báo cáo tình hình giá cả thị trường trên địa bàn thành phố theo quy định. Kịp thời tham mưu biện pháp quản lý điều hành giá phù hợp nhằm bình ổn thị trường giá cả trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thẩm định kịp thời các phương án giá do nhà nước định giá; kịp thời thực hiện tham mưu điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện quản lý nhà nước về giá theo thẩm quyền. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá của các dơn vị thuộc danh mục kê khai giá do Sở quản lý. 

Sở Y tế tăng cường tổ chức giám sát việc thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; thường xuyên cập nhật khi có thay đổi về giá; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá. Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND các quận huyện chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực phục vụ công tác đảm bảo y tế; tăng cường hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, sốt xuất huyết, các dịch bệnh thường gặp.

Sở Xây dựng có trách nhiệm tiếp tục kiểm tra, theo dõi chặt chẽ giá cả vật liệu xây dựng và công bố giá vật liệu xây dựng theo định kỳ hàng tháng. Phối hợp các ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng đẩy giá tăng cao bất hợp lý làm ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình dự án trọng điểm.

Sở Giao thông vận tải theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu, tăng cường tổ chức hướng dẫn rà soát kê khai giá của các đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá dịch vụ vận tải đường bộ phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chí phí xăng dầu trong các yếu tố hình thành giá. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô thường xuyên rà soát các yếu tố hình thành giá để điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp với mức giảm giá nhiên liệu, đảm bảo lợi ích cho người dân và đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải theo quy định.

Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, bán giá vé cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.

Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tăng cường kiểm soát hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sán trên địa bàn thành phố. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ công tác quản lý khai thác đất và thực hiện các quy dịnh của pháp luật về kê khai thống kê quỹ đất công trên địa bàn thành phố. Tổ chức xác định giá đất cụ thể đưa vào triển khai kế hoạch đấu giá theo quy định.

Sở Giáo dục và Đào tạo GDĐT tiếp tục tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố chính sách hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ mầm non và học sinh phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn thành phố. Đồng thời, hướng dẫn các đơn vị thực hiện theo đúng quy định tại Nghị quyết số 98/2022/NQ-HDND ngày 15-12-2022 Quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, hạn chế việc tăng giá các khoản thu giá dịch vụ, không tự đặt ra các khoản thu khác ngoài các khoản thu quy định tại Nghị quyết số 98/2022/NQ-HĐND.

Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình Đà Nẵng, Công Thông tin điện tử thành phố và các cơ quan báo, đài trên địa bàn thành phố tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn cung, giá cả hàng hóa, thực phẩm, các chương trinh bình ổn thị trường phục vụ nhân dân. Tiếp tục phối hợp với với các cơ quan liên quan kiểm soát những thông tin sai trái, thất thiệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, gây hoang mang tâm lý người tiêu dùng. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền các hành vi phát tán thông tin sai lệch sự thật, gây hoang mang trong dư luận liên quan đến công tác điều hành giá.

Công an thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về giá. Xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Tiếp tục phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các ngành liên quan lập phương án, tổ chức lực lượng thực hiện các biện pháp điều phối nhằm tạo điều kiện cho hành khách và hàng hóa được lưu thông thông suốt.

UBND các quận, huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục chỉ đạo triển khai, theo dõi sát diễn biến cung cẩu, giá cả thị trường để có biện pháp điều hành phù hợp. Thực hiện đánh giá nhu cầu, khả năng đáp ứng của thị trường, chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng để có giải pháp điều tiết hàng hóa phù hợp, bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá thị trường. Tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo kịp thời theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá theo thẩm quyền. Xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Kịp thời xử lý các sai phạm, lợi dụng tình hình thị trường có biến động để tăng giá bất hợp lý, các trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường giá cả. Trong đó tập trung kiểm tra giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ sản xuất, tiêu dùng.

 

Mặt khác, tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thực hiện văn minh thương mại, kê khai giá, niêm yết giá, bán theo giá niêm yết, bán hàng đảm bảo chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không mua bán hàng lậu, hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Tăng cường đảm bảo an ninh, trật tự tại các chợ và tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng, lề đường xung quanh các chợ trên địa bàn.

Để kiểm soát tốt giá cả trong các tháng cuối năm 2024 cũng như trong thời gian tới, cần chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến tình hình kinh tế thế giới và căng thẳng địa chính trị, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời. Ngoài ra, cần thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như xung đột căng thẳng chính trị.

Bên cạnh đó, Chính quyền Thành phố Đà Nẵng cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, đặc biệt là theo Luật Gía 2023 vừa ban hành. Trong bối cảnh Đà Nẵng đang đẩy mạnh phát triển du lịch, giá dễ biến động theo nhu cầu của khách du lịch ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung.

Quan trọng hơn hết, cần thực hiện công tác truyền thông, thông tin rộng rãi tới công chúng trước khi điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý để tránh các thông tin không chính xác ảnh hưởng đến tâm lý người dân góp phần làm giá biến động mạnh.

Tóm lại, chỉ số giá tiêu dùng luôn được nhắc kèm theo lạm phát nhưng bản thân nó đã là một vấn đề hay và còn nhiều điều để bàn luận. Thông qua việc phân tích tình hình biến động chỉ số CPI ở Đà Nẵng trong các năm gần đây, bài viết đã tổng hợp các nguyên nhân và những tác động tiêu cực của biến động chỉ số giá tiêu dùng là một vấn đề mang tính vĩ mô, đặc biệt đối với một nền kinh tế mới bước vào ngưỡng cửa hội nhập kinh tế như nước ta. Trong thời gian tới, nền kinh tế của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng sẽ gặp những thách thức, khó khăn cần phải vượt qua, và vấn đề chỉ số giá tiêu dùng sẽ còn diễn biến phức tạp. Trên cơ sở tìm hiểu, phân tích về tình hình biến động giá cả thực tế ở Đà Nẵng, bài viết đã cũng đã tổng hợp một số giải pháp. Những giải pháp can thiệp mà bài viết tổng hợp được là những ý kiến mang tính xây dựng, cũng như là những gợi mở của những nhà nghiên cứu nhằm phần nào đóng góp cho chính sách của địa phương, đồng thời nâng cao kiến thức về một số vấn đề cơ bản về kinh tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. https://cucthongke.danang.gov.vn
  2. https://cucthongke.binhdinh.gov.vn
  3. https://cucthongkehanoi.gso.gov.vn
  4. https://thongkehochiminh.gso.gov.vn
  5. https://baophapluat.vn    ngày 25/7/2024
  6. https://tapchilaodongxahoi.vn  ngày 15/9/2024
  7. http://danangtv.vn ngày 12/1/2024