XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2022
ĐỖ VĂN TÍNH
Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi đáng kể nhiều loại hình công việc trong suốt 2 năm bùng dịch. Theo các chuyên gia và các tổ chức nghiên cứu thị trường lao động, dưới tác động của đại dịch, dự báo các xu hướng công việc trong năm 2022 tiếp tục có những thay đổi đáng kể.
Theo Viện nghiên cứu đời sống xã hội: doanh nghiệp đang có xu hướng hoặc đầu tư máy móc tự động hóa để dần thay thế con người hoặc tuyển dụng và trả lương người lao động theo sản phẩm, không nhất thiết phải theo mô hình ký giao kết hợp đồng lao động.
Xu hướng này được mở rộng và là tất yếu trong thời gian tới vì doanh nghiệp ngày càng muốn tối ưu hóa hoạt động sản xuất dịch vụ, trong khi đó, bối cảnh dịch Covid-19 là một "chất xúc tác" khiến xu hướng này đi nhanh hơn. Hơn nữa người lao động có tay nghề ngày càng có xu hướng làm việc từ xa, làm nhiều việc khác nhau chứ không nhất thiết phải làm một công việc duy nhất.
·Lao động giản đơn sẽ yếu thế
Xu hướng trả lương mới quy trách nhiệm cho người lao động, đồng thời, có khả năng biến thành "cuộc đua tranh" về sản phẩm, rất dễ đào thải những lao động lớn tuổi, lao động giản đơn.
Lao động giản đơn (lao động không đòi hỏi phải đào tạo về chuyên môn) không có nhiều lựa chọn và có thể bị ép vào cuộc chơi này, làm nhiều hơn để có tiền sống.
Về quan hệ lao động, thời gian ban đầu, có thể sẽ diễn ra nhiều xung đột giữa người lao động và doanh nghiệp, dễ thấy gần đây nhất là những vụ công nhân ngừng việc tập thể liên quan thay đổi hình thức trả lương.
·Xu hướng "phi chính thức" gia tăng
Những đô thị lớn như TP HCM sẽ chứng kiến việc số lượng lao động phi chính thức (tức làm việc không có giao kết hợp đồng lao động) gia tăng. Nguyên do tương tự nêu trên, xuất phát từ hai phía doanh nghiệp và người lao động. Doanh nghiệp sẽ có nhiều lợi nhuận hơn, còn người lao động ngày càng thích tự chủ, linh hoạt (có thể làm nhiều việc), ít áp lực...
·Lao động trên các nền tảng công nghệ có thể trở nên chính thức
Tuy nhiên, hướng ngược lại, lao động trên nền tảng công nghệ số như tài xế xe công nghệ, người làm việc thông qua các ứng dụng công nghệ kết nối rất có thể chuyển sang hướng chính thức. Bởi lẽ, rất nhiều tài xế coi đây là một ngành nghề chính thức, nên trong tương lai, có thể có nhiều thay đổi, bổ sung liên quan đến "danh phận" của nhóm này trong vận động chính sách.
·Chuyển dịch nghề nghiệp gắn với kỹ năng mềm
Với xu hướng làm việc từ xa, một số ngành nghề thu hẹp và được máy móc thay thế, nhất là đối với khối văn phòng, hành chính, kế toán... Đồng thời, với khối văn phòng, đòi hỏi nhân viên đều phải sử dụng nền tảng số để xử lý công việc.
Xu hướng này, cùng với việc con người ngày càng tương tác trên không gian mạng nhiều hơn, cũng là cơ hội, kích thích ngành nghề sáng tạo, kỹ năng gắn với công nghệ, tư duy sáng tạo, các kỹ năng mềm về "visual" (trực quan) như thiết kế, marketing... Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi mức độ, thời gian làm việc chính xác và trách nhiệm cao hơn...
Một số lĩnh vực hiện hữu như xuất bản sẽ có xu hướng "độc đáo" hóa, làm ra các sản phẩm xa xỉ, hàng chất lượng, "handmade" nhiều hơn.
Trong khối ngành nông nghiệp, có thể thấy nhiều hơn mô hình nông nghiệp gắn liền với nghỉ dưỡng, có cung cấp dịch vụ thụ hưởng cho những người khác.
·Hệ thống an sinh xã hội cho lao động phi chính thức
Việc xây dựng một hệ thống quỹ an sinh xã hội dành cho lao động phi chính thức là giải pháp được thực hiện trong thời gian tới, để họ có thể tham gia vào, giảm rủi ro như thiên tai, dịch bệnh... Tuy nhiên, mô hình này còn gặp nhiều thách thức, bởi người lao động chân tay, thu nhập rất ít nên họ có xu hướng không muốn chi những khoản tiền này, mà thay vào đó sẽ phụ thuộc vào an sinh xã hội tự nhiên như trong gia đình, con cái sẽ lo cho bố mẹ...
Bước tiến làm việc từ xa khi công việc phân tán nhiều hơn về mặt địa lý, người quản lý ít có cái nhìn rõ hơn về những gì nhân viên đang làm. Điều này dẫn đến việc xếp hạng hiệu suất không chính xác và có khả năng thiên vị dựa theo nơi nhân viên làm việc hơn là hiệu suất của họ.
Cuộc khảo sát của Gartner HR mới đây với gần 3.000 quản lý cho thấy 64% quản lý và giám đốc điều hành tin rằng nhân viên làm việc tại văn phòng đạt hiệu suất cao hơn nhân viên làm việc từ xa. 76% tin rằng nhân viên làm việc tại văn phòng có khả năng được thăng chức cao hơn.
Trong tương lai, các công cụ tương tự mà nhân viên đang dùng để làm việc sẽ được sử dụng trong việc đánh giá những đóng góp của nhân viên. Ví dụ, trong các cuộc họp trực tuyến, công nghệ mới có thể nhắc quản lý quan tâm tới những người không tích cực trong cuộc họp như những người khác. Chúng sẽ khiến người tham gia điều chỉnh lại
các loại tương tác cần thiết.
So sánh thất nghiệp ở Việt Nam với một số nước trong khu vực
- Tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thuộc nhóm thấp hơn nhiều so với những nước khác. Lý giải nguyên nhân tại sao tỷ lệ thất nghiệp ở Việt Nam thấp, Chuyên gia kinh tế lao động, ILO tại châu Á-Thái Bình Dương phân tích, ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác, đơn giản là nhiều người không thể tồn tại nổi nếu bị “thất nghiệp”.“Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp trong nền kinh tế phi chính thức hoặc chấp nhận những thỏa thuận làm việc một cách không chính thức,”.
So sánh tỉ lệ thất nghiệp của Việt Nam và một số nước trong khu vực giai đoạn 1991- 2021 |
||||
Việt Nam |
Hồng Kông |
Trung Quốc |
Thái Lan |
Nhật Bản |
2.17% |
5.32% |
4.82% |
1.42%
|
2.8% |
- Ngược lại, ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp và dành thời gian đi tìm những công việc mà họ mong muốn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam” [Trực tuyến]. Available: https://www.sbv.gov.vn/.
2.“Tổng cục Thống kê” [Trực tuyến]. Available: https://www.gso.gov.vn/
3. “Tạp chí điện tử-VNEconomy” [Trực tuyến]. Available: https://vneconomy.vn/
4. “Tạp chí Con số sự kiện”[Trực tuyến]. Available: https://consosukien.vn/