0236.3650403 (221)

XU HƯỚNG LẠM PHÁT 2023 - SO SÁNH LẠM PHÁT CỦA VIỆT NAM VỚI MỘT SỐ NƯỚC TRONG KHU VỰC


ĐỖ VĂN TÍNH

Xu hướng lạm phát năm 2023

Cùng với xu hướng của thế giới, lạm phát của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 đang theo xu hướng giảm dần: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2023 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng 4,31% và tháng 3 giảm xuống, còn tăng 3,35%. Bình quân quý I/2023, CPI của Việt Nam tăng 4,18%, tuy cao so với cùng kỳ năm trước nhưng cũng không thuộc nhóm các nước có mức lạm phát cao.

Lạm phát của Việt Nam đang có xu hướng giảm dần trong 3 tháng đầu năm 2023. Theo dõi biến động CPI so với cùng kỳ năm trước trong vòng 10 năm trở lại đây cho thấy, từ năm 2014, cứ 3 năm lặp lại chu kỳ CPI tăng cao trong những tháng đầu năm, sau đó theo xu hướng giảm dần cho đến hết năm. CPI bình quân cả năm của năm 2014, năm 2017 và năm 2020 đều thấp hơn CPI bình quân của 3 tháng đầu năm. Cụ thể, CPI quý I/2014 có mức tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước, sau đó theo xu hướng giảm dần và đạt mức tăng 4,09% bình quân cả năm. Tương tự, CPI quý I/2017 tăng 4,96% và bình quân cả năm tăng 3,53%, CPI quý I/2020 tăng 5,56%, bình quân cả năm tăng 3,23%. Do đó, nếu không có yếu tố bất thường xảy ra, theo quy luật trước đây thì có khả năng năm 2023 cũng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần trong những tháng tiếp theo.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, việc kiểm soát lạm phát năm 2023 theo mục tiêu Quốc hội đề ra có khá nhiều thách thức bởi sự tác động của một số yếu tố sau:

- Giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới hiện nay vẫn đang ở mức cao. Giá năng lượng và các vật tư chiến lược dự báo tiếp tục biến động phức tạp do sự ảnh hưởng của cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina; sự phân cực trong quan hệ giữa các nước lớn có xu hướng gia tăng trở lại; sự phục hồi của kinh tế Trung Quốc có khả năng ảnh hưởng tới giá cả trên thị trường thế giới. Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên giá nguyên nhiên vật liệu thế giới ở mức cao sẽ tạo áp lực lên giá hàng hóa sản xuất và tiêu dùng ở trong nước.

- Việc tăng lương, tăng giá điện sẽ kéo theo giá các hàng hóa khác tăng theo. Thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo lộ trình như dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động tới CPI trong năm 2023.

- Áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ, giải ngân đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.

- Giá thịt lợn hơi hiện nay đang xuống thấp có thể ảnh hưởng đến nguồn cung tái đàn, điều này sẽ đẩy giá thịt lợn tăng vào những tháng cuối năm vì nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào dịp Lễ Tết, qua đó tác động tới giá các mặt hàng thực phẩm và tác động tới CPI. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

- Dịch vụ du lịch cũng có thể sẽ tăng mạnh trong năm 2023, gây áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố có khả năng tạo áp lực lên lạm phát năm nay cũng có những yếu tố giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá như:

- Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đây là lợi thế của Việt Nam, giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

- Chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Chính phủ trong những năm qua sẽ giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát.

Lạm phát cơ bản bình quân tăng cao

Lạm phát cơ bản của Việt Nam bình quân quý I/2023 tăng 5,01% là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do: Trong quý I năm2022, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế nên tiêu dùng hàng hóa trong những tháng đầu năm nay tăng mạnh hơn so với cùng kỳ năm trước dẫn đến giá cả cao hơn. Một số chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã hết hiệu lực từ đầu năm 2023 khiến giá cả hàng hóa tăng trở lại. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao cũng đang được phản ánh vào giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Bên cạnh đó, hiện nay, chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam được tính bằng phương pháp loại bỏ trực tiếp giá 16 nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và giá do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục trong tổng số 86 nhóm hàng (cấp 3) của chỉ số giá tiêu dùng. Do đó, bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản, khiến cho lạm phát cơ bản tăng cao hơn CPI.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản của Việt Nam cũng đang theo xu hướng giảm dần. Lạm phát cơ bản tháng 1/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước, tháng 2 tăng 4,96% và tháng 3 tăng 4,88%.

So sánh lạm phát ở Việt Nam với một số nước trong khu vực

So sánh với Trung Quốc và một số quốc gia cùng khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang có tỷ lệ lạm phát tương đối thấp. Dữ liệu do Financial Times thu thập từ các nguồn thống kê chính thức và từ Refinitive cho thấy trong tháng 9 năm 2022 vừa qua, lạm phát ở Việt Nam là 4%, so với mức 2,8% ở Trung Quốc; 6% ở Indonesia; 6,4% ở Thái Lan và 7,5% ở Singapore.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD.

Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 12/2022 ước tính xuất siêu 0,5 tỷ USD. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD).

Theo đại diện TCTK, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2022 ước đạt 29,66 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng trước và giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý IV/2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 89,5 tỷ USD, giảm 7,1% so với quý III/2022 và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước.

Trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế có mức lạm phát trung bình 4-6%. Trong khi đó, có nhiều nền kinh tế đang có lạm phát ở mức hai con số, tập trung ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ, như Pakistan (hơn 23%); Ethiopia (gần 31%); Nga (14,2%); Ukraine (gần 25%); Đức và Anh (đều hơn 10%); Argentina (83%); Venezuela (hơn 114%)...

Với tỷ lệ lạm phát 3,4% trong tháng 3 năm 2023, Việt Nam thuộc nhóm những nền kinh tế có lạm phát tương đối thấp trên thế giới.

Tỷ lệ lạm phát của các nền kinh tế gồm Eurozone, Mỹ, Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc

Lạm phát ở Việt Nam cao hơn so với hai nước láng giềng là Trung Quốc (1%) và Thái Lan (2,8%), nhưng thấp hơn nhiều nếu so với hai nền kinh tế phát triển là Mỹ (6%) và Eurozone (6,9%)

Tài liệu tham khảo

1. Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022 của Quốc hội và định hướng điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng năm 2022

2. Báo cáo thường niên của NHNN, Tổng cục Thống kê

3. Các bản tin về hoạt động ngân hàng tuần/tháng của NHNN

4. Các báo, trang tin điện tử: Baodautu.vn; Thitruongtaichinhtiente.vn; Cafef.vn.