0236.3650403 (221)

XÁC LẬP CÂU HỎI NGHIÊN CỨU


Nghiên cứu một vấn đề là tìm ra câu trả lời cho vấn đề đó. Do vậy đặt câu hỏi là cách tốt nhất để xác định vấn đề nghiên cứu. Ngược lại, một khi ta đã xác định được vấn đề nghiên cứu thì ta phải đặt ra câu hỏi để trả lời vấn đề nghiên cứu đó. Đây chính là cách thức có thể vận dụng để xác lập câu hỏi nghiên cứu. Câu hỏi nghiên cứu rất quan trọng vì chúng chính là điểm khởi đầu của nghiên cứu. Bản chất của câu hỏi nghiên cứu liên quan đến các hành động sau: khám phá, mô tả, kiểm định, so sánh, đánh giá tác động, đánh giá quan hệ, đánh giá nhân quả. Từ đó, có thể phân loại một số loại câu hỏi nghiên cứu sau:

            - Câu hỏi nhằm mô tả của sự vật, hiện tượng nghiên cứu

            - Câu hỏi nhằm so sánh các sự vật, hiện tượng với nhau

            - Câu hỏi nhằm tìm hiểu quan hệ nhân quả giữa các đặc tính của sự vật, hiện tượng.

            Ngoài ra, ta cũng có thể đặt câu hỏi về các giải pháp, ý kiến hoặc đề xuất chính sách có tính khả thi, câu hỏi dạng này cho biết ta mong muốn xác lập và đề xuất được các giải pháp cho vấn đề nghiên cứu. Thông thường, một cách mặc định, nhà nghiên cứu đều muốn thực hiện điều này vì đây chính là đóng góp thực tế của họ cho xã hội. Tuy nhiên, chính vì mang tính đặc tính nên ta không nhất thiết phải phát biểu câu hỏi nghiên cứu tương ứng.

            Đối với một đề tài nghiên cứu (hay bất luận một đề tài nào) đặt vấn đề tức là nêu lên thắc mắc cần được giải quyết và khắc phục. Nói cách khác, là chỉ cho thấy có một khỏang cách giữa tình trạng hiện tại và tình trạng mong muốn.

Như vậy, đặt vấn đề là khảo sát chi ly, cặn kẽ mục tiêu nghiên cứu của chúng ta và nói lên được những thắc mắc cơ bản cần được làm sáng tỏ. Hiện bây giờ chúng ta ở đâu trong chính đề tài nghiên cứu ? Và chúng ta muốn đạt cái gì sau khi kết thúc công cuộc nghiên cứu ? Vậy cái chính yếu cần được khảo sát, điều nghiên nằm ở chỗ nào ?

            Không khảo sát tường tận vấn đề như vậy, chúng ta sẽ có thể vi phạm hai lỗi lầm sau đây :

            Trường hợp thứ nhất : câu trả lời đã có sẵn mà không biết. Chúng ta mất công mất của đi lại con đường mà người khác đã đi. Tệ hơn nữa là khi con đường ấy đã trở nên một đại lộ có tên tuổi, nhưng chúng ta không có một chút kiến thức nào về sự có mặt của đại lộ ấy!

            Trường hợp thứ hai : nêu lên những câu hỏi vô ích.

            Vô ích là vì câu trả lời sẽ không mang lại một lợi ích nào hết cho chúng ta và cho nhiều người khác.

            Ví dụ :

            "Tình hình 'đau răng' của cử tri và tỷ lệ những lá phiếu ủng hộ đảng cầm quyền có những liên hệ hoặc tương quan nào ?"

            Như vậy câu hỏi có thể rút ra trực tiếp từ vấn đề nghiên cứu. Có thể có một câu hỏi duy nhất hoặc có vài câu hỏi cho vấn đề nghiên cứu. Từ câu hỏi nghiên cứu, ta sẽ cụ thể hóa và diễn giải chi tiết thành câu hỏi điều tra nhằm thu thập thông tin, dữ liệu.

            Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung