XÁC ĐỊNH NHU CẦU CÔNG NGHỆ, TRANG THIẾT BỊ VÀ ĐỊA ĐIỂM ĐẦU TƯ
1.Lựa chọn công nghệ và phươngpháp sản xuất sản phẩm.
Để sản xuất ra một loại sản phẩm có thể sử dụng nhiều loại công nghệ và phương pháp sản xuất khác nhau. Tuy nhiên mỗi công nghệ và phương pháp sản xuất cho phép sảnxuất ra sản phẩm cùng loại nhưng có những đặc tính về chất lượng và chi phí sản xuất khác nhau. Do đó phải lựa chọn công nghệ và phương pháp sản xuất phù hợp nhất. Có nghĩa là nó phải đáp ứng được các điều kiện kỹ thuật của ngành và có khả năng đạt hiệu quả cao nhất, tức là:
- Đảm bảo công suất thiết kế
- Đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường dự tính.
- Phù hợp với khá năng tài chính có thể mua sắm.
- Phù hợp với trình độ lao động hiện có để vận hành được công nghệ đó.
- Phù hợp với trình độ quản lý của nhà đầu tư.
Sau khi cân nhắc lựa chọn được loại công nghệ thích hợp cần giải trình rõ: lý do chọn, lập sơ đồ quy trình công nghệ, vốn, lao động, nhà cung ứng công nghệ.
Không nên chọn loại công nghệ khan hiếm mà nên chọn loại công nghệ có nhiều nhà cung ứng sẽ thuận lợi hơn về giá cả, thời hạn bảo hành và chi phí cũng như số lượng, chủng loại phụ tùng thay thế khi có nhu cầu. Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư lựa chọn được công nghệ phù hợp với mức giá cả hợp lý và đảm bảo cho dự án hoạt động thuận lợi.
2.Xác định nhu cầu trang thiết bị.
Việc lựa chơn trang thiết bị cho dự án tùy thuộc vào công nghệ và phương pháp sản xuất sản phẩm mà nhà đầu tư đã chọn và cũng xuất phát từ mục tiêu hiệu quả nên thiết bị được chọn phải phù hợp. Có nghĩa là công nghệ nào thì thiết bị đó.
Những nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn máy móc thiết bị:
- Nhu cầu sản phẩm trong tương lai trên thị trường
- Quy mô và năng lực sản xuất
- Nguồn nguyên vật liệu
- Khả năng về tài chính
Những yêu cầu về phương pháp lựa chọn máy móc thiết bị và cách xác định tính đồng bộ của nó:
a.Những yêu cầu chủ yếu:
- Tính tiên tiến và hiện đại của máy móc thiết bị với điều kiện phải phù hợp khả năng sử dụng của công nhân.
- Giá cả máy móc phải phù hợp với khả năng tài chính của chủ đầu tư
- Phải thích hợp với điều kiện khí hậu và môi trường tự nhiên tại nơi bố trí nhà máy của dự án.
b.Xác định hướng đầu tư của dự án:
- Đầu tư để xây dựng mới
- Đầu tư theo chiều sâu để hiện đại hoá hay đầu tư mở rộng SXKD
c.Cách xác định tính đồng bộ của hệ thống dây chuyền sản xuất
- Trình độ cơ giới hoá hệ thống máy móc, thiết bị tuỳ thuộc tính chất chế biến sản phẩm, giá máy và chi phí sử dụng máy.
- Lựa chọn mức độ cơ giới hoá thiết bị trong hệ thống dây chuyền sản xuất cần phải tính đến chính sách sử dụng lao động, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
- Cách xác định tính đồng bộ của máy móc thiết bị trong hệ thống dây chuyền sản xuất theo nguyên tắc ngược chiều quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm, tức là phải xác định công suất ở khâu cuối của quy trình công nghệ (khâu tạo sản phẩm), tính ngược trở lại khâu đầu tiên (khâu nhập nguyên vật liệu để gia công).
3.Xác định địa điểm đầu tư
Xác định địa điểm đầu tư.
Nội dung cần phântích khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
Việc lựa chọn địa điểm đầu tư của dự án là một vấn đề có ý nghĩa rất lớn, bởi vì địa điểm có tác động lâu dài đến hoạt động của dự án và ảnh hưởng đến các hoạt động khác xung quanh địa điểm đó. Vì lý do này nên khi chúng ta chọn sai địa điểm sẽ rất khó khắc phục hậu quả và nếu khắc phục được thì chi phí sửa chữa sai lầm rất lớn. Để chọn được một địa điểm tôt cần phải phân tích các vấn đề sau:
-Quy hoạch của ngành và quy hoạch tổng thể nơi định chọn địa điểm, đây là căn cứ pháp lý cho sự tồn tại lâu dài tại địa điểm đó nhằm tránh sự di chuyển gây tốn kém và bất lợi cho nhà đầu tư.
-Gần thị trường tiêu thụ và gần nơi cung ứng nguyên vật liệu nhằm hạnchế chi phí vận chuyển và bảo quản nguyên vật liệu
-Hệ thống cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thông tin liên lạc, điện, nước. Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến đầu vào cũng như đầu ra của dự án khi đi vào hoạt động.
-Điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa - xã hội, phong tục tập quán, nguồn lao động tại chỗ, giải quyết ô nhiễm môi trường, diện tích địa điểm để đặt nhà máy phù hợp với yêu cầu hiện tại và khả năng mở rộng trong tương lai, điều kiện về địa chất, khí hậu... tất cả những vấn đềnày phải được sự đồng ý của cư dân sinh sống trong khu vực và chính quyền địaphương nhằm tránh những phiền phức gây ảnh hưởng không tốt cho quá trình hoạt động của dự án.
Tóm lại: tất cả những nội dung phân tích trên nhằm đảm bảo nguyên tắc an toàn và tránh rủi ro khi lựa chọn địa điểm đầu tư.
Phương pháp lựa chọn địa điểm đầu tư tốt nhất.
-Phương pháp điểm hòa vốn: mục tiêu của phương pháp này là căn cứ vào hàm tổng chi phí cực tiểu để chọn.
-Phương pháp mô hình bài toán vận tải: sử dụng khi xác định được nhiều địa điểm sản xuất và nhiều địa điểm tiêu thụ sản phẩm, mục tiêu là chọn những địa điểm nào có hàm chi phí cực tiểu.
Nguyễn Thị Minh Hà