0236.3650403 (221)

Xác định dòng tiền của dự án đầu tư


Dòng tiền của dự án được định nghĩa là phần chênh lệch trong dòng tiền của doanh nghiệp trong từng giai đoạn mà dự án được thực hiện so với lúc không thực hiện.

            CF1 của dự án= CF1 của doanh nghiệp nếu có dự án - CF1 của doanh nghiệp nếu không có dự án

            Theo cách này, dòng tiền của dự án là dòng tiền tăng thêm sẽ xảy ra nếu dự án được thực hiện.

- Dòng tiền và thu nhập kế toán: Báo cáo kết quả kinh doanh là phần tổng hợp của doanh thu và chi phí của dự án. Những con số ghi trên các khoản mục doanh thu và chi phí phụ thuộc một phần vào số tiền chi ra, và một phần vào chế độ hạch toán kế toán mà doanh nghiệp sử dụng. Do vây, chúng được gọi là doanh thu và chi phí kế toán của dự án. Trong khi đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ ghi nhận số tiền thực tế thu vào và chi ra khỏi ngân quỹ, được gọi là dòng tiền thuần(ròng).

- Thời điểm xuất hiện dòng tiền: Do tiền có giá trị thời gian, cần xác định chính xác thời điểm xuất hiện dòng tiền. Theo lý thuyết thì dòng tiền hằng ngày là chính xác nhất, nhưng ước tính chúng rất tốn kém chi phí, ít được sử dụng và có lẽ cũng không chính xác hơn dòng tiền hằng năm vì người ta không đủ khả năng dự tính để đảm bảo độ chính xác khi đi vào quá chi tiết. Do vậy dòng tiền thường được giả định vào cuối hàng năm.

- Một số dòng tiền đặc biệt

+ Chi phí chìm: không phải là chi phí tăng thêm nên không được đưa vào phân tích. Chi phí chìm là một khoản đầu tư đã được thực hiện trước đó. Vì chúng đã được thực hiện, nó không bị ảnh hưởng bởi quyết định lựa chọn hoặc loại bỏ dự án. Ví dụ chi phí chìm là chi phí nghiên cứu và phát triển về một sản phẩm mới trước khi ra quyết định sản xuất hàng loạt sản phẩm đó.

+ Chi phí cơ hội: chi phí cơ hội thể hiện một cơ hội bị mất đi nếu sử dụng những tài sản sẵn có vào dự án đang xem xét.

+ Tác động đến các dự án khác: Đề cập đến tác động của dự án đang xem xét đến các dự án khác của công ty. Khi một dự án gây ra sự chuyển dịch doanh thu từ các sản phẩm hiện có, điều này thường được gọi là “tự ăn thịt mình”.

+ Tác động của thuế: Khi đánh giá dự án, điều quan trọng là dòng tiền phải phát sinh từ dự án, và được dành cho chủ đầu tư. Nói cách khác, dự án phải được đánh giá trên cơ sở dòng tiền sau thuế. Thuế có tác động rất lớn đến dòng tiền, thuế có thể thúc đẩy và phá vỡ một dự án. Do vậy, cần đánh giá đúng tác động của thuế.

+ Khấu hao: Khoản tiền đầu tư vào tài sản cố định của dự án thường được phân bổ trong các năm  hoạt động của dự án, gọi là chi phí khấu hao, và sau đó tài sản có thể được thanh lý. Khoảng thời gian khấu hao thường bằng tuổi thọ kinh tế tài sản. Hay nói cách khác, tài sản cố định thường được khấu hao hết khi nó đã đi hết vòng đời hữu dụng của mình. Như vậy khấu hao chỉ ảnh hưởng gián tiếp thông qua thuế: do khấu hao là một yếu tố chi phí nên nó ảnh hưởng đến lợi nhuận trước thuế và làm thay đổi số thuế thu nhập mà dự án phải nộp. Khi mức khấu hao cao làm lợi nhuận trước thuế giảm đi và số tiền chi nộp thuế cũng giảm, lưu ngân dự án tăng và ngược lại. Tác động gián tiếp của khấu hao đến lưu ngân dự án còn được gọi là lá chắn thuế của khấu hao ( Taxshield of depreciation).

+ Thay đổi lưu động ròng: Một dự án mới sẽ đòi hỏi phải có thêm hàng dự trữ và doanh thu từ dự án cũng tạo nên những khoản phải thu mới. Khi sản xuất mở rộng thì những khoản phải trả cũng tăng lên, làm giảm nhu cầu tài trợ cho dự án. Phần chênh lệch giữa lượng tăng thêm về tài sản lưu động và nợ ngắn hạn thường là dương, và do vậy đòi hỏi phải có thêm tiền đầu tư vào phần này bên cạnh tiền đầu tư vào tài sản cố định.

Vốn lưu động ròng tăng thêm = TSLĐ -Nợ ngắn hạn

Mai Xuân Bình – Khoa QTKD