0236.3650403 (221)

VÌ SAO TAXI CÔNG NGHỆ GRAB PHÁT TRIỂN TẠI THỊ TRƯỜNG ĐÔNG NAM Á - – THEO GÓC NHÌN CỦA CÁC CHUYÊN GIA


Đỗ Văn Tính

Taxi truyền thống đang trong một thị trường cạnh tranh không hoàn hảo. Họ tạo ra sự khác biệt bằng cách:

Giới hạn số taxi trong thành phố. Nhờ giới hạn số người bán (Nguồn cung) nên taxi làm ít mà vẫn có lãi.

Cấu kết với nhau thành cạnh tranh tập đoàn. Giới hạn tồn tại chỉ có vài hãng taxi lớn ví dụ như Vinasun, Mai Linh, CP taxi,…sau này còn kết hợp lại thành Taxi Group. Nhờ giới hạn lại họ dễ dàng thống nhất với nhau về giá cước mà không lo hãng khác giảm giá hơn.

Và rồi thì Grab ra đời, Grab đã khiến cho miếng bánh thị trường to ra khi số người có nhu cầu đi taxi nhiều lên rất nhiều.

Ngày 10.7, Grab chính thức công bố GrabPlatform, một phần trong chiến lược nền tảng mở để trở thành siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày đầu tiên tại Đông Nam Á. Theo đó, Grab sẽ bổ sung thêm nhiều dịch vụ được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống hằng ngày vào ứng dụng của mình bằng cách kết hợp với các đối tác để tích hợp Grab với các dịch vụ đa dạng thông qua GrabPlatform.

GrabPlatform mở rộng thêm nhiều giá trị kinh tế cho cả khu vực Đông Nam Á. Nhiều hơn cả những gì chúng ta có thể tự tạo cho chính mình", ông Anthony Tan, CEO Tập đoàn và đồng sáng lập Grab chia sẻ. Các đối tác cũng có thể tận dụng cơ sở người dùng và kênh phân phối của Grab để mở rộng hoạt động.

Dịch vụ tích hợp đầu tiên trên GrabPlatform cũng đã chính thức được triển khai cùng ngày, mang tên GrabFresh. Đây là dịch vụ giao nhận hàng tạp hóa theo yêu cầu, hợp tác giữa Grab và HappFresh – nhà cung cấp hàng tạp hóa số 1 ở Đông Nam Á. GrabFresh, thông qua HappyFresh, còn cung cấp các giá trị cộng thêm như lựa chọn sản phẩm đa dạng từ các chuỗi siêu thị và cửa hàng. Ngoài ra, khi hàng được giao đến, khách hàng có thể từ chối nhận nếu không đáp ứng đúng yêu cầu.

Theo ông Guillem Segarra, CEO của HappyFresh, giao nhận hàng tạp hóa đang có tiềm năng lớn tại Đông Nam Á. Ông cho biết thêm: “Đội ngũ tài xế đông đảo của Grab cho phép chúng tôi có thêm nhiều lượng đặt hàng và cải thiện thời gian giao hàng. Chúng tôi còn có thể mở rộng và quốc tế hóa dịch vụ của mình một cách hiệu quả. Ngoài ra, việc hợp tác với Grab sẽ giúp chúng tôi tập trung hơn vào thế mạnh của mình, đó là mang đến trải nghiệm khách hàng tốt nhất thông qua nhân viên bán hàng được đào tạo chuyên nghiệp”.

Dịch vụ GrabFresh sẽ tung bản thử nghiệm tại Indonesia từ tháng 7, sau đó sẽ có mặt tại các nước khác trong năm 2018.

Cũng từ tháng 7, Grab sẽ triển khai giao diện mới, ngoài cung cấp dịch vụ còn cung cấp thông tin liên quan phục vụ khách hàng. Màn hình chính của ứng dụng Grab cho phép thao tác một chạm để truy cập vào các lựa chọn dịch vụ, đồng thời có thêm tính năng hiển thị nội dung tin tức được cập nhật liên tục.

Tầm nhìn của Grab là trở thành một siêu ứng dụng cho cuộc sống hằng ngày. “Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một ứng dụng Đông Nam Á đáp ứng tất cả nhu cầu thiết yếu cho cuộc hằng hàng ngày của bạn ở bất cứ mọi lúc, thậm chí có thể phục vụ nhu cầu của bạn cả trước khi bạn biết rằng bạn cần đến chúng. Người dùng Grab sẽ tận hưởng các dịch vụ vô cùng hấp dẫn như mua sắm, tiện ích, giải trí và nhiều hơn nữa từ siêu ứng dụng hữu ích nhất cho cuộc sống hàng ngày của Đông Nam Á”, ông Jerald Singh, Giám đốc phụ trách Sản phẩm của Grab, cho biết.

Chỉ cần nhìn mấy anh grab bike lái xe chở khách  nhan nhản ngoài đường là ta thấy có khác biệt rất lớn so với trước đây. Dân văn phòng giờ đây đi ăn trưa bằng taxi thay vì đi những quán ven công ty hay gọi suất ăn về. Sử dụng grab để di chuyển gần như đã thành thói quen của chúng ta. Tóm lại cái bánh thị trường to ra gấp nhiều lần nhưng nó lại đẩy những người lái xe (bên bán) vào thị trường cạnh tranh hoàn hảo:

Rất nhiều người mua xe ô tô để gia nhập đội ngũ grab, cùng với rất nhiều người sẵn xe cũng chạy grab để kiếm thêm. Thị trường đang tiến dần tới vô số người bán cùng với việc dần dần có rất nhiều người mua.

Sản phẩm hoàn toàn đồng nhất, cực khó tạo ra sự khác biệt. Bạn đi xe nào cũng vậy cả, chẳng có khái niệm xe sang với xe hèn, đường ngắn hay đường dài,..tất cả quy hết về một khung giá cố định.

Thông tin thì siêu hoàn hảo. Bạn biết trước quãng đường đi, số tiền tương ứng với quãng đường, loại xe, biển số xe, ….Trước đây người lái taxi có thể đi lòng vòng kiếm thêm, thậm chí mắng chửi bạn mà chẳng lo lắng. Ngày nay không thế được, đơn giản là không thể làm thế với Grab. Nếu lái xe mắng bạn, bạn cho anh ta điểm đánh giá thấp, họ không đi lòng vòng được, tắc đường cũng không đòi thêm tiền của bạn một xu nào,… thông tin khó mà hoàn hảo hơn được nữa.

Điều kiện thứ tư thì quá rõ rồi, việc gia nhập và rút ra có chi phí thấp. Chỉ cần có một cái điện thoại rẻ tiền, một cái xe cà tàng, một người có thể gia nhập vào thị trường và rút ra chỉ với một cú click trên mặt điện thoại cảm ứng. Sáng anh ta làm grab, chiều chán thì anh ta tắt phần mềm rồi đi nhậu, đêm buồn đời vì vợ mắng lại bật grab lên để kiếm thêm. Chi phí gia nhập và rút khỏi là bằng không.

Chiến lược của Grab rất rõ ràng, đầu tiên họ tự bỏ tiền ra để chạy các chương trình khuyến mại. Khách hàng đi xe quá rẻ, đi ngắn đi dài đều được, ….dần dần họ quen dần với grab. Lái xe cũng không khổ, anh ta tiết kiệm xăng hơn, có nhiều đơn hàng hơn, kiếm bộn hơn. Khi lượng bên mua và bên bán đủ lớn cũng như đã quá quen thuộc với việc sử dụng grab rồi thì grab đưa ra các điều kiện về chi phí cho bên bán.

Lái xe bị lấy đi % trên mỗi cuốc đi, đi những chuyến xe ngắn, bị gò bó trong những điều luật của grab. Giờ đây họ đã chính thức gia nhập thị trường cạnh tranh hoàn hảo và thấy cái phũ phàng của thị trường này. Họ có muốn quay lại thị trường cũ không? Tất nhiên là muốn rồi và Vinasun cũng như liên minh các taxi truyền thống đang cố gắng để xóa sổ grab.

Khi vinasun kiện Grab đòi bồi thường 45 tỷ vì vi phạm luật cạnh tranh gây ra thiệt hại cho doanh nghiệp thì họ thừa hiểu khả năng thành công là rất nhỏ nhoi nhưng cái họ được là khiến dư luận chú ý, để dư luận coi grab như một tội đồ cần phải loại bỏ. Nhưng dư luận có quan tâm không thì là chuyện khác, họ thích đi xe giá rẻ, đơn giản vậy thôi.

Năm vừa qua ta thấy Uber bị đánh bại trên toàn thế giới nhưng Grab lại phát triển rất tốt. Riêng việc họ phát triển đội ngũ grab bike cũng đã khiến chúng ta phải cúi đầu nể phục về chiến lược thâm nhập thị trường. Mai Linh cũng bắt chước làm Mai Linh bike nhưng chẳng thấy bóng dáng đầu mặc dù ra chương trình đã lâu.

“Chia sẻ” là một đặc điểm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Dường như Grab là một cái kết tất yếu; cho dù grab có thể thua cuộc lần này nhưng tương lai một grab’ sẽ lại xuất hiện. Grab’ đó có thể đến từ chính các hãng taxi truyền thống.

Grab tạo ra một thị trường cạnh tranh hoàn hảo nhưng nó cũng lại là một công ty độc quyền trên thị trường vận tải. Khi công ty độc quyền này thâu tóm hết thị phần nó có thể ra luật chơi mới mà các bên phải theo. Công ty độc quyền này có lợi thế độc quyền dựa vào quy mô khách hàng. Bản thân phần mềm không có gì là độc quyền, đối thủ có thể mua từ nhà cung cấp hoặc tự mình lập trình. Rào cản ở đây là làm sao để khách hàng chấp nhận cài phần mềm, lái xe gia nhập vào đội lái? Khách muốn bật phần mềm lên là dễ dàng gọi xe; lái xe muốn bật lên là có thể được nhận cuốc đi; vậy cái nào có trước?

Tình huống Grab và Taxi truyền thống trong lĩnh vực vận tải hành khách ta cũng gặp motif tương tự ở các ngành khác:

Ngân hàng và công ty cung cấp ví điện tử.

Khách sạn và các công ty cung cấp dịch vụ đăng ký khách sạn.

Nhà sản xuất âm nhạc và trang web cung cấp nhạc online

Nhà sản xuất chương trình truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ (fpt play,..)

Cái mới thay cái cũ, rồi cái mới hơn lại thay cái mới đó. Quy luật cạnh tranh của thị trường là vậy, không chống lại được quy luật.

 

(Tác giả tổng hợp)