VĂN HÓA ỨNG XỬ TÀI LIỆU CỦA NGỪOI ĐỌC
Vănhóa ứng xử với tài liệu của ngừoi đọc bao gồm: Thái độ ứng xử với tài liệu và hành vi ứng xử tài liệu.
- Thái độ ứng xử với tài liệu
Tài liệu là vật lưu trữ tri thức và các giá trị văn hóa của nhân loại, nhờ nó con người có thể lưu truyền thông tin, tri thức, các giá trị văn hóa cho thế hệ sau một cách đầy đủ, chính xác. Những nội dung trong tài liệu là lao động sáng tạo và khoa học của con người, là tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thông qua tài liệu con người có thể tự học bằng sự khám phá, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Do đó, cần có nhận thức đúng đắn và tích cực, thái độ biết trân trọng, bảo quản khi sử dụng tài liệu. Đối với tài liệu, một kho tàng kiến thức vô tận, cần phát huy tinh thần ham đọc, tìm tòi, sáng tạo.
Nhận thức đúng về vai trò của tài liệu sẽ tạo nên xúc cảm, tình cảm tốt đối với tài liệu. Từ đó, có tình yêu sâu sắc và thái độ tôn trọng tài liệu, có tâm trạng vui vẻ khi tiếp xúc với tài liệu, phát sinh hứng thú và nhu cầu ham đọc, sử dụng tài liệu. Tình cảm tốt đẹp này cần được hình thành, nuôi dưỡng từ thời thơ ấu và duy trì trong suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên, đó phải là một tình cảm tích cực, nghĩa là biết yêu thích, tuyên truyền, chia sẻ những tài liệu hay, có nội dung hữu ích và quyết tâm đấu tranh, phê phán những tài liệu có nội dung tiêu cực, phản cảm.
Đối với sinh viên, là người tiếp xúc với tài liệu thường xuyên trong quá trình học tập, nghiên cứu, thói quen đọc ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa ứng xử với tài liệu của mỗi người.Vì vậy, ngoài việc hình thành thói quen đọc sách hàng ngày, bản thân mỗi người cần tạo cho mình một thái độ trân trọng tài liệu – sản phẩm trí tuệ của nhân loại.
- Hành vi ứng xử với tài liệu
Hành vi ứng xử đúng đắn với tài liệu trong quá trình đọc thể hiện bên ngoài của nhận thức cá nhân đối với tài liệu, nền tảng về kiến thức thông tin, một thói quen tốt, phẩm chất cần thiết của người đọc có văn hóa đọc. Nó bao gồm: hành vi ứng xử ở nơi diễn ra hoạt động đọc và hành vi khai thác sử dụng tàiliệu.
Người đọc cần ứng xử có văn hóa phù hợp với quy định của cơ quan cung cấp tài liệu cũng như của pháp luật. Có ý thức giữ gìn môi trường đọc, không gian đọc và giao tiếp văn minh, lịch sự trong quá trình sử dụng tài liệu tại thư viện.
Thái độ, hành vi sử dụng tài liệu đã trở thành nội dung chuẩn mực đạo đức của con người trong xã hội thông tin, phản ánh văn hóa đọc của cá nhân. Quá trình sử dụng tài liệu đòi hỏi người đọc cần biết bảo quản, giữ gìn tài liệu. Lên án và xử phạt đối với những hành vi gây hủy hoại tài liệu, làm hư hỏng, làm bẩn tài liệu, đặc biệt là những hành vi không trân trọng tài liệu như ngồi, dẫm đạp lên tài liệu….Việc tiếp cận, khai thác và truy cập thông tin trong tài liệu một cách dễ dàng tại mọi nơi và mọi lúc đòi hỏi người đọc cần xác định rõ trách nhiệm của mình đối với tài liệu mình khai thác, sử dụng, đó là trách nhiệm về các khía cạnh kinh tế, pháp luật, chính trị và văn hóa trong việc sử dụng thông tin.
Nguyễn Thị Thảo