VAI TRÒ CỦA TÀI CHÍNH NHÀ NƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ KINH TẾ-XÃ HỘI
Trong nền kinh tế thị trường, để quản lý và điều tiết nền kinh tế quốc dân nhằm thực hiện mục tiêu ổn định, phát triển bền vững, hiệu quả và công bằng cũng như quản lý và điều tiết khu vực công hiệu quả, Nhà nước thường xuyên sử dụng các công cụ tài chính. Khi sử dụng Tài chính Nhà nước làm công cụ quản lý và điều tiết vĩ mô nền kinh tế xã hội, Nhà nước luôn hướng tới để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô: tăng trưởng kinh tế, tăng việc làm và giảm thất nghiệp, ổn định mặt bằng giá cả,… Vai trò này của Tài chính Nhà nước được thể hiện trên các mặt:
Thứ nhất, vai trò Tài chính Nhà nước trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững: Chính sách thu của Tài chính Nhà nước góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Điều này được thể hiện chủ yếu thông qua việc thực hiện chính sách thuế. Kết quả của các quá trình phân phối tài chính là số vốn được huy động, tập trung vào các quỹ tiền tệ của Nhà nước, đặc biệt là quỹ ngân sách Nhà nước và bằng việc thực hiện chính sách chi tiêu công, Nhà nước phân bổ nguồn lực tài chính vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đầu tư vào các ngành kinh tế mũi nhọn, đầu tư vào các công trình trọng điểm, hỗ trợ đầu tư cho các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp và giải quyết các mối quan hệ cân đối lớn của nền kinh tế quốc dân.
Thứ hai, vai trò Tài chính Nhà nước trong việc điều tiết thị trường và bình ổn giá cả: với công cụ điều tiết gián tiếp là Tài chính Nhà nước, Nhà nước sử dụng nó nhằm bình ổn thị trường và giá cả bằng việc hình thành các quỹ tài chính của Nhà nước có nguồn gốc vốn do ngân sách Nhà nước cấp. Đó là các quỹ: quỹ dự trữ của Nhà nước (bằng hiện vật và tài chính), quỹ bình ổn giá. Đồng thời Nhà nước sử dụng thuế, các khoản chi tiêu công và các biện pháp kinh tế khác để điều tiết linh hoạt và có hiệu quả đối với hoạt động của thị trường.
Thứ ba, vai trò Tài chính Nhà nước trong việc thực điều tiết thu nhập và thực hiện công bằng xã hội: Thị trường không có khả năng tạo ra sự phân phối thu nhập công bằng. Nguyên nhân là mức thu nhập phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: sự nổ lực, trình độ giáo dục, thừa kế, giá cả các yếu tố và cả sự may mắn. Cơ chế thị trường chỉ làm công việc của nó là trao đổi hàng hóa cho ai có tiền mua chúng. Một hệ thống thị trường có hiệu quả nhất cũng có thể gây sự bất công lớn trong thu nhập. Vì vậy, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước để giảm bớt thu nhập cao của các cá nhân và nâng đỡ các thu nhập thấp. Công cụ cơ bản để Nhà nước điều tiết thu nhập của dân cư là thuế và chi tiêu công.
Th.S Phạm Thị Uyên Thi – Khoa QTKD