VAI TRÒ CỦA ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI
Đầu tư trực tiếp quốc tế là hình thức chủ đầu tư nước ngoài đầu tư toàn bộ hay một phần đủ lớn vốn vào các dự án nhằm giành quyền điều hành đối tượng mà họ bỏ vốn. Trong những năm gần đây, hình thức này chiếm vị trí chủ yếu trong đầu tư quốc tế.
Vai trò của hoạt động này:
* Đối với nước đầu tư
- Giúp các chủ đầu tư tận dụng lợi thế của nước tiếp nhận đầu tư, giảm chi phí sản xuất, tìm kiếm nguồn vốn cung cấp nguyên vật liệu ổn định.
- Giúp các chủ đầu tư có điều kiện đổi mới cơ cấu sản xuất, áp dụng công nghệ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh.
- Giúp các chủ đầu tw bành trướng sức mạnh kinh tế, nâng cao uy tín, mở rộng thị trường tiêu thụ và tránh được hàng rào bảo hộ mậu dịch của các nước.
* Đối với nước nhận đầu tư
+ Đối với các nước có nền kinh tế kém phát triển
- Góp phần giải quyết các khó khăn về kinh tế - xã hội như thất nghiệp, lạm phát, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp .
- Tăng nguồn thu và tạo điều kiện cải thiện tình hình ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh tích cực.
- Giúp người lao động và các nhà quản lý học hỏi và nâng cao trình độ.
+ Đối với các nước đang phát triển:
- Là nguồn vốn quan trọng để thực hiện CNH - HĐN, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu hẹp khoảng cách phát triển với thế giới.
- Góp phần chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng CNH, hiện đại.
- Góp phần phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng và trình độ cao, tạo thêm việc làm cho người lao động.
- Là nguồn thu quan trọng cho ngân sách nhà nước nhỏ bé của các nước đang phát triển.
- Giúp các doanh nghiệp trong nước mở cửa thị trường hàng hóa thế giới.
- Có điều kiện tiếp thu khoa học - công nghệ hiện đại, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và tác phong làm việc công nghiệp.
Tuy nhiên, FDI cũng có những hạn chế nhất định: Luồng FDI chỉ đi vào những nước có môi trường kinh tế - chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn. Nếu nước nhận đầu tư không có kế hoạch đầu tư chi tiết, cụ thể và khoa học dễ dẫn tới tình trạng đầu tư tràn lan, tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực bị khai thác cạn kiệt, khó bố trí đầu tư theo nghành và vùng lãnh thổ; nếu không thẩm định chặt chẽ còn có thể du nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu; nếu chính sách, pháp luật cạnh tranh không đầy đủ còn dễ dẫn tới tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chèn ép doanh nghiệp trong nước.
Th.s Nguyễn Thị Hạnh – Khoa Quản trị kinh doanh