TRƯỜNG PHÁI QUẢN TRỊ THEO KHOA HỌC
TRẦN THỊ NHƯ LÂM
-
Tác giả nghiên cứu
Frederic Taylor (1856 – 1915), vào cuối thế kỷ XIX, ngành công nghiệp phát triển, các tổ chức tìm cách thoả mãn nhu cầu của khách hang, tìm ra cách gia tăng hiệu quả thực hiện công việc của người công nhân bằng cách sản xuất theo dây chuyền, chuyên môn hoá công việc. Ông được mệnh danh là "cha đẻ" của quản trị theo khoa học. Frederic Taylor bị cận nặng nên không thể học ở đại học Havard mà về làm công nhân ở xí nghiệp bên cạnh nhà. Ông nghiên cứu công việc của những người công nhân cấp thấp, nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người với công việc và giữa những người công nhân với nhau, sau đó thiết kế lại công việc sao cho đạt hiệu quả cao.
-
Quan điểm của trường phái:
F.W.Taylor nhìn nhận con người như một cái máy, ông cho con người là một kẻ trốn việc và thích làm việc theo kiểu người lính (học thuyết X), vì thế cần thúc họ làm việc bằng cách phân chia các công việc một cách hết sức khoa học để chuyên môn hoá các thao tác của người lao động, để họ hoạt động trong một dây chuyền và bị giám sát chặt chẽ, không thể lười biếng
Nghiên cứu của F.W.Taylor là:
- Mối liên hệ giữa người công nhân với nguyên vật liệu và máy móc.
- Mối liên hệ giữa công nhân với nhau.
Taylor tìm cách giảm thời gian hao phí của công nhân trên mỗi bước công việc bằng cách tối ưu hoá cách thức thực hiện công việc.
Ông đưa ra bốn nguyên lý để gia tăng hiệu quả:
-
Nghiên cứu khoa học từng động tác của công nhân để thay thế cho cách làm cũ là đơn thuần dựa vào kinh nghiệm.
-
Tuyển chọn công nhân một cách khoa học, đào tạo, giáo dục và giúp họ trưởng thành.
-
Cộng tác với người thợ đến mức có thể tin chắc rằng công việc được làm đúng với các nguyên tắc có căn cứ khoa học đã định.
-
Chủ và thợ phải cùng nhau chia sẻ công việc và chức trách. Phía chủ phải gánh vác phần việc quan trọng hơn của mình, không đẩy hết mọi việc và phần lớn chức trách về phía công nhân như trước kia.
Với cách làm việc mới này, người công nhân được phát huy tốt hơn vai trò của mình trong sự cộng tác và giúp đỡ của người chủ, vì thế kiểu quản lý mới mang lại hiệu quả cao hơn so với cách quản lý cũ.
Một ý tưởng khác của Taylor dựa trên nguyên lý về sự chuyên môn hoá. Ông cho rằng sự giám sát là nguồn gốc duy nhất của quyền lực và một quản đốc không thể đảm nhiệm toàn bộ các nhiệm vụ giám sát. Do đó, ông đề nghị mỗi quản đốc chỉ phụ trách một lĩnh vực chuyên môn nhất định - là phạm vi quyền lực của người đó. Taylor gọi đó là hệ thống giám sát theo chức năng.
Đối với công nhân, Taylor cho rằng động lực thúc đẩy họ tốt nhất là sử dụng các biện pháp khuyến khích vật chất bằng cách trả lương theo mức độ hoàn thành công việc. Theo ông những công nhân đạt một mức tiêu chuẩn sản xuất nào đó thì họ được trả mức lương như quy định. Khi công nhân sản xuất vượt mức chuẩn quy định thì phần sản phẩm vượt chỉ tiêu đó người công nhân được nhận mức lương ở tỷ lệ cao hơn.
-
Những người tiếp bước Taylor: Vợ chồng Frank-Lillian Gilbreth và Henry Gantt (1868 - 1924).
Chụp ảnh thao tác để nghiên cứu và sắp xếp hợp lý các thao tác làm việc. Phân chia công việc thành những loại thao tác bằng tay khác nhau và đề nghị mỗi người công nhân thay đổi cấu trúc công việc nhằm tăng năng suất và giảm sự mệt mỏi cho công nhân.
Sau khi Frank mất, bà Lillian đã tiếp tục công việc của chồng và tập trung vào khía cạnh con người của kỹ thuật công nghiệp. Bà đưa ra ý tưởng về việc công nhân cần được làm việc trong những điều kiện đảm bảo an toàn, có số ngày làm việc tiêu chuẩn, được nghỉ giưa giờ và nghỉ ăn trưa vào giờ quy định.
-
Đánh giá chung:
Ngày nay, những ý tưởng của Taylor và các thành viên khác thuộc trường phái quản trị khoa học vẫn được áp dụng ở nhiều công ty. Nhiều công ty đã làm ra sản phẩm nhanh và rẻ hơn từ sự đầu tư huấn luyện những kỹ năng thích hợp cho công nhân của họ. Từ phát hiện của Taylor, các nhà quản trị ngày nay cải tiến quy trình tuyển dụng và huấn luyện nhân viên và tìm kiếm một phương pháp hữu hiệu để hoàn thành công việc.
Tuy nhiên, trường phái này chỉ quan tâm đến sự gia tăng kết quả đầu ra, không quan tâm đến khía cạnh con người trong sản xuất, họ cho rằng công nghệ giữ vai trò trung tâm, nhân công là một yếu tố của hao phí sản xuất. Taylor và Frank cho rằng công nhân được thúc đẩy chủ yếu bằng sự phục vụ để có thu nhập cao nhằm thoả mãn các nhu cầu khác của công nhân như nhu cầu xã hội, các điều kiện làm việc và sự thỏa mãn nghề nghiệp.
Việc chuyên môn hoá quá mức làm cho công việc trở nên buồn chán, đơn điệu. Người công nhân có thể chủ động làm việc dưới mức yêu cầu.
Làm tăng sự lệ thuộc của người công nhân vào máy móc thiết bị, công xưởng, không có khả năng làm việc độc lập.