Trạng thái cân bằng cung – cầu
Trạng thái cân bằng cung – cầu
Cân bằng cung cầu xuất hiện khi lượng cung vừa đủ để thỏa mãn lượng cầu trong một khoản thời gian nhất định. Tại điểm cân bằng của thị trường sẽ xác định được giá cân bằng và lượng cân bằng. Đặc điểm quan trọng của mức giá cân bằng là nó được hình thành hoàn toàn khách quan do quy luật cung – cầu, tức là dựa trên hoạt động tập thể của toàn bộ những người mua và người bán trên thị trường chứ không theo ý muốn chủ quan của bất kỳ ai. Nhà kinh tế học nổi tiếng Adam Smith trong cuốn sách “ Của cải của các dân tộc” ( xuất bản năm 1776) đã ví cơ chế hình thành giá khách quan này là cơ chế “ bàn tay vô hình “ của nền kinh tế thị trường.
Đồ thị hình 2.7 phản ánh cân bằng cung cầu của thị trường đĩa DVD tại mức giá cân bằng 0,8 USD và lượng cân bằng 10000 chiếc. Tại mức giá cân bằng, lượng cung bặng lượng cầu. Khi đó, lượng hàng hóa, dịch vụ mà người mua muốn mua và lượng hàng hóa, dịch vụ mà người bán cần bán là cân bằng với nhau ( thuận mua vừa bán ) ở các mức giá khác với giá cân bằng sẽ xuất hiện sự dư thừa ( lượng cung lớn hơn lượng cầu ) hoặc thiếu hụt ( lượng cầu lớn hơn lượng cung )
Cân bằng thể hiện một trạng thái ổn định, một khi được thiết lập, giá cân bằng sẽ được duy trì cho đến khi các yếu tố tác động đến cung và cầu thay đổi để thiết lập trạng thái cân bằng mới, với giá và lượng cân bằng mới. Tại trạng thái cân bằng, không có sức ép làm cho giá và lượng thay đổi, theo đó chúng ta xác định được giá và sản lượng cân bằng.