TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG VÀNG TRANG SỨC VIỆT NAM
Đỗ Văn Tính – Khoa QTKD
Theo thông tin của Hội đồng Vàng thế giới, năm 2015 người VN sử dụng 31 tấn nữ trang vàng. Riêng TP.HCM sản lượng nữ trang ước đạt 2.500 ngàn sản phẩm/năm, doanh thu xuất khẩu mặt hàng này tuy còn khiêm tốn nhưng cũng đạt từ 2-3 triệu USD/năm. Từ năm 2005 đến nay, nhu cầu tiêu thụ vàng tại Việt Nam tăng lên nhanh chóng, nhu cầu vàng trung bình trong 3 năm gần đây của Việt Nam hơn 70 tấn/năm, trong đó nhu cầu tiêu thụ vàng nữ trang ở Việt Nam ngày càng tăng cao (trung bình từ 30 đến 35 tấn/năm). Năm 2007, nhu cầu vàng vào khoảng 75 - 80 tấn, có khoảng 42 tấn vàng miếng và 35 tấn vàng nữ trang. Chỉ tính riêng Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) đã có khối lượng vàng nữ trang bán ra đạt 41.129 món, tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006, doanh số lên đến hàng tỉ đồng.
Thị trường vàng Việt Nam trong quý I/2016 chứng kiến sự sôi động chưa từng có trong lịch sử. Những biến động mạnh của giá vàng trên thị trường thế giới, nhu cầu vàng đầu tư và tiêu dùng tăng cao, hoạt động sản xuất - kinh doanh vàng đang diễn ra khá thuận lợi. Ước tính trong năm 2016, lượng vàng tiêu thụ toàn thị trường sẽ vượt 80 tấn.Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng “Thị trường trang sức Việt Nam: Vừng đang mở”.
Năm 2015, cả nước có khoảng 8.000 doanh nghiệp lớn nhỏ kinh doanh lĩnh vực vàng bạc, tính đến nay con số đó đã khoảng hơn 10.000. Nhưng tính trên phạm vi toàn quốc, chỉ có khoảng 10 doanh nghiệp có thương hiệu. Sự có mặt củacác nhãn hiệu trang sức cao cấp nổi tiếng trên thế giới là những đối thủ rất nặng ký của các doanh nghiệp Việt Nam. Tại các trung tâm thương mại (TTTM) như Diamond, Parkson, Zen Plaza, vị trí của các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn thua kém so với các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, các thương hiệu nữ trang nước ngoài chỉ nhắm đến phân khúc cao cấp với kênh phân phối chính tại các TTTM. Trong khi hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ có cửa hàng nhỏ, lẻ, không tìm được chỗ đứng tại các TTTM với lý do "không có thương hiệu".Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiểu thị trường Việt Nam, sẽ đưa ra được sản phẩm gần với thị hiếu khách hàng của mình hơn.
Hiện trạng phân bố thị trường nữ trang Tp.HCM
Hoạt động kinh doanh mua bán VBĐQ tại Tp.HCM được phân bố khắp 24 quận, huyện với hơn 770 cửa hàng lớn nhỏ. Các cửa hàng thường tập trung ở khu vực gần chợ hoặc gần các khu dân cư của mỗi quận huyện. Quận 5, Quận 8, Quận Bình Thạnh, Quận Gò Vấp, Quận Tân Bình là những khu vực tập trung các cửa hàng lớn với các chợ nổi tiếng như: Chợ An Đông, Chợ Lớn, Chợ Bình Tây, Chợ Hòa Bình, Chợ Bà Chiểu, Chợ Tân Bình….
Trong số hơn 770 cửa hàng lớn nhỏ này đã có hơn 100 cửa hàng thuộc khu vực Q1 đặc biệt là khu vực Phường Bến Thành và Phường Bến Nghé với các trục đường chính là Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, Lê Lợi….
Khoảng 40 gian hàng kinh doanh VBĐQ nằm trong khu vực Chợ Bến Thành chủ yếu kinh doanh bán lẻ trang sức phổ thông. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều nhãn hiệu trang sức cao cấp nổi tiếng trong và ngoài nước như VBĐQ Phú Nhuận (PNJ), VBĐQ Sài Gòn (SJC), VBĐQ Bến Thành, Kim Hoàn Thanh Niên (YTJ), Bảo Tín, Bảo Ngọc, Cửu Long, Prima Gold, Bvlgari, Alphana Boutigue, Beyound Jewelries, Charm & Chic, Crystal…
Ngày càng nhiều các nhãn hiệu trang sức nổi tiếng của nước ngoài từng bước xâm nhập vào thị trường Việt Nam và cũng chủ yếu tập trung ở khu vực Chợ Bến Thành, Trung Tâm Nữ Trang Sài Gòn.
Các thương hiệu lớn cũng chỉ chiếm một thị phần nhỏ
Cả nước có khoảng 10.000 cửa hàng kinh doanh VBĐQ, tuy nhiên đối với thị trường trang sức của Việt Nam hiện nay chưa có một thương hiệu lớn nào được xem là có thể chiếm lĩnh chi phối thị trường. Các thương hiệu lớn như PNJ, SJC, Bảo Tín Minh Châu cũng chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong tổng thị trường. Nên nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài ngành đều đánh giá đây là một thị trường đầy tiềm năng. Dưới đây là đôi nét về hoạt động của 2 đại gia trong ngành trang sức Việt Nam đã xây dựng khá tốt hệ thống bán hàng và nhận dạng thương hiệu.
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC
Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJCđược thành lập ngày 17/09/1988, nay là một trong những doanh nghiệp Nhà Nước đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tổ chức, hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con, thuộc Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh. Với phương châm uy tín và chất lượng, vàng miếng SJC và các mặt hàng nữ trang vàng bạc đá quý của SJC được đánh giá cao trên thị trường với nhiều danh hiệu về chất lượng sản phẩm trong và ngoài nước.
TLĩnh vực hoạt động:
+Sản xuất, gia công vàng lượng SJC, nữ trang, chế tác đá quý.
+Kinh doanh sỉ, lẻ vàng bạc, nữ trang, kim cương, đá quý.
+Giám định và thực hiện các dịch vụ về vàng bạc, đá quý, kim cương.
+Gia công các sản phẩm huy hiệu, kỷ niệm chương, đồng tiền kỷ niệm, tượng mỹ nghệ.
+Nhập khẩu vàng nguyên liệu, xuất khẩu các sản phẩm vàng bạc đá quý.
Mạng lưới bán lẻ gồm 67 cửa hàng và đại lý vàng SJC trong cả nước. Trong năm 2007, mục tiêu SJC (đơn vị chiếm hơn 80% thị phần hiện nay) đặt ra là 17.000 tỷ đồng và đã đạt 23.000 tỷ đồng tương đương 1,5 tỷ USD doanh thu. Năm 2008, SJC đặt mục tiêu đạt doanh thu 21.000 tỷ đồng, nhưng với sự sôi động ngay trong quý I/2008, con số thu về đã vượt trội với 41% so với kế hoạch năm, tương ứng với khoảng 13.000 tỷ đồng, bình quân mỗi tuần đạt khoảng 1.100 tỷ đồng.
Ngày 12-7-2007, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Chi nhánh SJC miền Bắc và Xưởng sản xuất vàng SJC. Sự kiện này giúp SJC chủ động hơn trong kinh doanh, đặc biệt là xây dựng và phát triển hệ thống đại lý phục vụ cho mục tiêu phát triển ổn định và lâu dài của công ty. Tăng cường năng lực sản xuất vàng miếng, SJC thực hiện được hiệu quả hơn nhiệm vụ chính trị là góp phần bình ổn giá vàng trong cả nước, làm dịu ngay các cơn sốt giá vàng.
Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ
Tính đến ngày 28/04/2007, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận – PNJ tròn 19 năm thành lập.Triết lý kinh doanh của PNJ là đặt lợi ích khách hàng và lợi ích xã hội vào lợi ích doanh nghiệp. PNJ không ngừng nâng cao sự thõa mãn khách hàng trên cơ sở kết hợp lợi ích của công ty, khách hàng và toàn xã hội, bằng cách thường xuyên duy trì và cải tiến hệ thống chất lượng. Hiện nay, PNJ là một công ty đa ngành đang đầu tư vốn vào các lĩnh vực: tài chính, bất động sản, du lịch, công nghiệp giải trí, năng lượng và thực phẩm nhưng trong đó hoạt động kinh doanh nữ trang là cốt lõi. PNJ đã xây dựng cho mình định hướng phát triển là khẳng định vị trí dẫn đầu về tính sáng tạo, sự tinh tế và đáng tin cậy trong ngành kim hoàn, thời trang
Từ đầu năm 2004 đến nay, PNJ tăng tốc trên tất cả mọi mặt từ đầu tư máy móc thiết bị, phát triển hệ thống, phát triển nguồn nhân lực bằng các chương trình đào tạo thường xuyên trong nước và nước ngoài. Đến nay, PNJ đã có 2 xí nghiệp sản xuất nữ trang vàng và bạc riêng biệt và chuyên nghiệp, hệ thống phân phối có 9 chi nhánh với 80 cửa hàng trên toàn quốc và hơn 2.400 khách hàng sỉ. Các hoạt động cuả PNJ thể hiện phong cách của nhà sản xuất nữ trang chuyên nghiệp, thiết kế mang dáng dấp riêng và đặc thù của PNJ, sản xuất bằng công nghệ hiện đại, phân phối qua hệ thống rộng khắp toàn quốc với đội ngũ nhân viên bán hàng tận tâm và giàu kinh nghiệm.
Không dừng lại thị trường nội địa, PNJ từng bước chuẩn bị cho thị trường xuất khẩu và bước đầu đã có một số khách hàng ở Singapore, Malalysia và Mỹ. Đến giữa năm 2004 công ty bắt đầu có những đơn hàng xuất khẩu sang các nước như Đức, Đan Mạch, Mỹ và tiếp tục hợp tác đến hiện nay. Thị trường xuất khẩu ổn định vào năm 2006 với doanh số vào khoảng 8.000.000 USD và các sản phẩm xuất khẩu ngày càng được đối tác đánh giá cao hơn, hứa hẹn nhiều đơn đặt hàng ổn định hơn trong tương lai.
Tình trạng gian lận tuổi vàng
Vàng nữ trang có thể xem là mặt hàng đặc biệt vì có giá trị cao và người mua không tự kiểm định được chất lượng hàng hoá (chủ yếu trông cậy vào uy tín của người bán). Thế những, việc quản lý chất lượng mặt hàng này vẫn bị thả nổi. Theo khảo sát của Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TP.HCM, tình trạng gian lận trong kinh doanh vàng bạc phổ biến nhất hiện nay là thiếu tuổi vàng. Lâu nay nhà nước chỉ quản lý mặt hàng này về các khâu như: nhập khẩu, xuất khẩu, trọng lượng, giá cả và thuế…, chứ về mặt chất lượng (cụ thể ở đây là tuổi vàng) thì hầu như đang buông lỏng.
“Giá vàng lên. Giá vàng lên nữa. Rồi giá vàng giảm nhẹ. Sau đó lại lên”. Cứ như thế, hai ba năm nay, điệu nhảy của vàng đã mê hoặc không biết bao nhiêu người trót lao vào với nó. Dường như trong cơn lốc ấy, người ta chỉ quan tâm đến giá vàng, có bao nhiêu tiền để mua được vàng. Còn bản chất vàng ra sao, độ thật giả trong đồ nữ trang vàng như thế nào, dường như không mấy ai để ý… Lợi dụng sơ hở này nhiều DN đã mặc nhiên co kéo tuổi vàng, kinh doanh thiếu trung thực gây thiệt hại cho người tiêu dùng và ảnh hưởng chung đến ngành kim hoàn VN. So với loại vàng miếng, việc kinh doanh vàng nữ trang luôn đạt lợi nhuận cao vì ngoài thu nhập chênh lệch từ tiền công, tiền vàng (mức thu vào và bán ra), các cửa hàng kim hoàn còn móc túi người tiêu dùng bằng việc mập mờ tuổi vàng để hưởng lợi bất chính.
Khó xác định tuổi vàng
Giám định tuổi vàng hiện nay là điều rất khó khăn vì phần lớn các cửa hàng rất ít khi đóng dấu chất lượng cũng như ký hiệu trên từng món hàng, thậm chí một số trường hợp đóng dấu không đúng sự thật. Giống như câu nói chỉ có cha mẹ mới biết chính xác tuổi con cái, quả thực tuổi vàng nữ trang thì chỉ chủ cửa hàng vàng và người chế tác ra sản phẩm nữ trang mới biết chính xác, còn người mua thì rất khó khăn. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng uy tín như SJC, PNJ, Bảo Tín Minh Châu đã làm rất tốt việc cung cấp vàng đúng tuổi cho khách hàng.
Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ vì chạy theo lợi nhuận đã tung ra thị trường các sản phẩm nữ trang vàng không đúng tuổi thật. Bằng chứng là giữa năm 2007, đoàn kiểm tra liên ngành (gồm Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM) tiến hành kiểm tra đồng loạt 88 cửa hàng kinh doanh vàng tại các chợ An Đông, Hòa Bình, Bà Chiểu thì đã có đến hơn 80 cửa hàng sử dụng cân vàng, bạc không kiểm định. Phần đông các tiệm vàng vẫn còn sử dụng loại cân thô, nên sự chuẩn xác về trọng lượng hoàn toàn phụ thuộc vào người bán. Muốn kiếm lời mỗi chỉ vàng sẽ được cân thiếu chút ít, cỡ 4.000 - 5.000 đồng. Cân điện tử thì chính xác hơn, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 35% - 40% tiệm vàng có loại cân này. Có cân điện tử nhưng điều kiện bảo quản không đúng tiêu chuẩn (có máy lạnh), nơi đặt cân không bảo đảm độ chính xác như ở rất nhiều dịch vụ thử hiện nay thì cũng như không.
Trên thực tế, vàng nữ trang được chia làm 2 nhóm: một là vàng ta tức 24K = 99,99%, thực tế thị trường chỉ 96% đến 99,9%; hai là vàng tây với các chuẩn 18K= 75%, 14K=58,3%, 10K=41,7%, thực tế thị trường từ 30% đến 73%, không có chuẩn mực gì cả). Tuy nhiên, việc thẩm định tuổi vàng nữ trang ngoại trừ giới chuyên môn và chủ cửa hàng kinh doanh thì người tiêu dùng xem như bó tay vì nhìn bằng mắt thường khó mà đoán được chính xác. Không ít cửa hàng kim hoàn vì lợi nhuận đã bỏ qua chữ tín, họ cố tình đặt tuổi vàng khống để hưởng lợi. Nhiều khách hàng mặc dù bỏ tiền ra mua vàng nữ trang 18K (7 tuổi 5) nhưng khi mang sang tiệm khác bán ra thì không được, hoặc khi bán được thì lại bị đánh giá trị rất thấp, chỉ cỡ vàng 7 tuổi hoặc 6 tuổi 8 là may. Khi cửa hàng bán ra 10 sản phẩm nữ trang thì khả năng thu hồi lại chỉ khoảng 1 - 2 món là cùng (vì thường vàng nữ trang được xem là kỷ vật lưu niệm nên bất đắc dĩ hoặc kẹt tiền lắm khách hàng mới mang bán lại).
Nắm được điều đó, các cửa hàng kinh doanh vàng tha hồ gian lận tuổi vàng nữ trang bằng cách nâng tuổi khống để kiếm lời. Ngay như hiện tượng vàng 14K được niêm yết với giá vàng 18K tại cửa hàng kim hoàn đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện. Thậm chí, một số tiểu thương còn không ngần ngại cho biết không gian lận làm sao sống được, chính vì thế việc món hàng nữ trang vàng 5 tuổi 1 hay 6 tuổi 8 bị đẩy lên 7 tuổi 5 để hưởng chênh lệch 50.000 - 100.000 đồng/chỉ đã dần trở thành thói quen trong giới kinh doanh vàng. Cũng vì lẽ này, không có gì ngạc nhiên về sự chênh lệch lớn giá vàng nữ trang giữa các tiệm như: vàng 18K tại cửa hàng vàng bạc đá quý của SJC, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) ở mức 1.660.000 đồng/chỉ nhưng ở nhiều cửa hàng tại các chợ thì chỉ 1.560.000 đồng/chỉ. Người tiêu dùng không biết rằng ngoài 3 độ tuổi được liệt kê trên thì hiện nay vàng nữ trang trên thị trường còn hơn 10 độ tuổi khác mà chỉ dân trong nghề mới biết!
Tình trạng “mua đâu bán đó”
Hội Mỹ nghệ Kim hoàn đá quý TP.HCM nhận định, một trong những nguyên nhân của “mua đâu bán đó” xuất phát từ việc cạnh tranh không lành mạnh. DN kinh doanh nữ trang vàng hầu như chỉ quan tâm đến những kí hiệu 14K, 18K... đóng trên sản phẩm mà không để ý sản phẩm chứa bao nhiêu hàm lượng vàng và có thật sự đúng như vậy. Chính vì chất lượng vàng nữ trang không ổn định và được sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm” nên lâu nay việc mua - bán vàng trên thị trường đã “đẻ” ra một thông lệ “mua đâu bán đó” nếu người tiêu dùng không muốn bị lỗ nặng như vậy người tiêu dùng đã bị DN “móc túi” đến 2 lần. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ cho những người thiếu lương tâm nghề nghiệp triệt để khai thác, làm chất lượng nữ trang vàng ngày càng phức tạp.
Người tiêu dùng hiện nay rất hoang mang vì làm thế nào để biết vàng mình đã và đang mua đảm bảo đúng chất lượng khi có thông tin một số nơi đã sử dụng một loại hợp kim nhập ngoại đánh lừa được máy thử vàng bằng nguyên lý đo tỷ trọng. Số doanh nghiệp có máy giám định vàng với công nghệ phổ kế huỳnh quang tia X thế hệ mới chỉ được đếm trên đầu ngón tay, đặc biệt khi loại máy thông dụng là máy đo tỷ trọng xử lý bằng toán học giờ được coi là "không chính xác"". Người ta chỉ cần dùng một loại hợp kim chứa tỷ lệ bạc cao và một số kim loại khác để chế ra vàng trắng, đem đo bằng máy này sẽ báo sai 10-20%.
Tuổi vàng khó khăn cho cả doanh nghiệp
Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn đến thị trường vàng nhức nhối suốt thời gian qua là nhiều doanh nghiệp mua vàng từ các cơ sở kém chất lượng trên thị trường rồi bán lại cho khách hàng. Các cửa hàng này không có máy móc giám định tuổi vàng tiên tiến nên đã vô tình tiếp tay cho vàng kém chất lượng lưu thông.
Hiện nay, có doanh nghiệp trả lương thợ rất cao 3-5 triệu đồng/tháng nhưng thợ vẫn từ chối. Tuy nhiên, có doanh nghiệp trả lương thấp 1-1,2 triệu thợ lại đến làm rất đông. Giải thích về sự vô lý này là vì thợ thích đến nơi trả lương thấp là bởi nơi đó thường quản lý lỏng lẻo, dễ ăn bớt tuổi vàng.
Chất lượng vàng đang là mối đau đầu của ngay cả những người sống nhờ nghề vàng bạc."Chiêu" đặc biệt mà ngay cả người buôn bán vàng cũng ngán ngại là... vàng "hai da". Nạn nhân trực tiếp của mánh lừa đảo này là các chủ tiệm vàng.Vàng "hai da" có 2 lớp, bên ngoài là vàng có độ tuổi cao, bên trong chất lượng vàng xấu hơn nhiều. Một lượng vàng như thế sau khi nấu lại chỉ còn nhiều nhất 5,7 đến 6 chỉ. Cách thử tốt nhất là nấu lại vàng, nhưng chỉ có các tiệm mới đủ khả năng làm việc này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- David H. Bangs. JR, 2004. Hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh (Phan Thăng & Trần Đoàn Lâm). Nhà xuất bản Lao Động – Xã Hội, Hà Nội, Việt Nam, 286 trang.
- Lê Thế Giới (chủ biên), Nguyễn Xuân Lãn, Đặng Công Tuấn, Lê Văn Huy và Nguyễn Thị Bích Thủy, 2006. Nghiên cứu Marketing lý thuyết và ứng dụng. Nhà xuất bản Thống Kê, 194 trang.
- Bộ sách quản trị Marketing - Business Edge. Nghiên cứu thị trường giải mã nhu cầu khách hàng. Nhà xuất bản Trẻ, 136 trang.
- Philip Kotler, 2003. Quản trị Marketing (Vũ Trọng Hùng, hiệu đính Phan Thăng). Nhà xuất bản Thống Kê.
- Trần Đình Lý. Marketing căn bản. Khoa Kinh Tế, Trường Đại Học Nông Lâm TP.HCM
- Phạm Thị Ánh Tuyết, 2007. Phát triển kênh truyền thông cho nhãn hiệu nữ trang bạc PNJSilver công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ. Luận văn tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế, Đại học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam