Tổng hợp thông tin về vấn đề thiếu hụt nguyên liệu của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Tổng hợp thông tin về vấn đề thiếu hụt nguyên liệu
của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Đỗ Văn Tính
Thực trạng Vấn đề thiếu hụt nguyên liệu, phụ liệu sản xuất của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và có thể phải tạm dừng hoạt động.
Thực tế hiện nay là nhiều doanh nghiệp chỉ cầm cự được nguyên liệu sản xuất trong 1-2 tháng tới, nếu không có chính sách hỗ trợ kịp thời, không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa có nguy cơ dừng sản xuất và phá sản khi bị đứt nguồn cung nguyên liệu. Theo khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) vừa công bố cho thấy nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, sẽ có hơn 60% doanh nghiệp được khảo sát bị giảm trên 50% doanh thu, gần 29% doanh nghiệp bị giảm 20-50% doanh thu.
Do đó, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc dự kiến sẽ tác động lớn đến các ngành sản xuất, vận tải, logistics, phân phối, dịch vụ trên toàn thế giới chứ không chỉ Việt Nam. Chưa kể, ngoài Trung Quốc, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản đã bùng phát dịch, châu Âu, châu Mỹ phát hiện một số trường hợp dương tính với virus, khiến kinh tế thế giới có thể bị ảnh hưởng nặng hơn. Diễn biến của dịch bệnh ngày càng phức tạp, các thị trường quan trọng của Việt Nam đều chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Đặc biệt, Việt Nam đang “phụ thuộc” nhiều vào thị trường Trung Quốc, nên nếu dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài thì hệ quả sẽ rất nghiêm trọng. Kiểm soát dịch bệnh đã khó, hỗ trợ, giúp sức để doanh nghiệp trụ vững, phục hồi và lấy lại được đà sản xuất kinh doanh càng khó khăn không kém.
Theo Tổng cục Thống kê, 2 tháng đầu năm nay, cả nước có 17,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 220 nghìn tỷ đồng. Kết quả trên tăng 9,1% về số doanh nghiệp, nhưng giảm 11,1% về vốn đăng ký và giảm 3,9% về số lao động so với cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh 11.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, có 16.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Với thực tế như đã nêu trên, nhiều doanh nghiệp đang thiếu nguyên liệu sản xuất do việc nhập khẩu bị gián đoạn. Cụ thể là nguyên liệu sản xuất của các công ty đang cạn kiệt và hiện công nhân phải giãn ca. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ phát sinh nguy cơ khó "giữ chân" người lao động; Ngành Dệt may, da giày - vốn có sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam cũng là những ngành chịu tác động lớn nhất từ tình trạng thiếu nguyên liệu; Lượng tồn kho nguyên liệu dự kiến chỉ đủ bảo đảm sản xuất đến khoảng cuối tháng 3. Do Trung Quốc nằm ở vị trí khởi đầu của chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất nên không chỉ doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng mà ngay cả các doanh nghiệp lớn mang tầm quốc tế cũng không nằm ngoài tác động; Ngoài việc thiếu nguyên liệu, dịch Covid-19 còn tác động mạnh đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch. Đơn cử như ngành Hàng không đã phải hủy nhiều đường bay; số máy bay không thể khai thác khá lớn, mà như người trong ngành đánh giá là “chưa từng có trong lịch sử”. Theo ước tính mới nhất của Cục Hàng không Việt Nam, các hãng hàng không trong nước sẽ giảm doanh thu khoảng 25.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng bắt đầu tạm cắt giảm nhân lực do số khách Trung Quốc, Hàn Quốc và bây giờ là khách châu Âu sụt giảm mạnh.
Theo số liệu Bộ Công thương đưa ra tại cuộc họp về tác động của Covid-19 đến các ngành sản xuất ngày 26/2, trong hai tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp nước ta ước tăng 6,3%, sụt giảm 3,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó công nghiệp chế biến chế tạo chịu tác động lớn nhất, ước tăng trưởng 7,4%, giảm mức kỷ lục 4,7 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, ngành sản xuất của nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiếu hụt nguồn lao động, tài chính, thị trường tiêu thụ… Đặc biệt là khó khăn về nguồn cung nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất. Bởi vốn dĩ lâu nay, các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phụ thuộc rất nhiều vào nguồn cung nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản - các quốc gia đang bùng phát dịch. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát biên giới để phòng ngừa dịch bệnh tại các quốc gia này sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất, cũng như thị trường tiêu thụ, nhất là đối với các ngành hàng ô tô, dệt may và da giày, ngành điện tử…
Xuất nhập khẩu 2 tháng ước tăng 2,4% so với cùng kỳ, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019. Tổng mức bán lẻ trong nước ước tăng 8,3%, là mức thấp nhất trong 6 năm qua; Đáng nói hơn, những ngành hàng này đều nằm trong chuỗi phân bổ và liên kết chặt chẽ của chuỗi giá trị toàn cầu. Vì vậy, khi các thị trường cung cấp nguyên phụ liệu gặp vướng mắc sẽ dẫn đến nguy cơ bị đứt đoạn chuỗi cung ứng, khiến một số ngành sản xuất của nước ta thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu. Điển hình như đối với ngành điện tử, các sản phẩm của ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc. Số liệu của Cục Công nghiệp cho thấy, năm 2019, nước ta nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD các mặt hàng linh kiện điện tử, trong đó nhập khẩu từ Hàn Quốc là 16,8 tỷ USD (chiếm 42%), từ Trung Quốc là 13,8 tỷ USD (chiếm 34%), từ Nhật Bản 1,7 tỷ USD (chiếm 4,2%); các doanh nghiệp điện tử chỉ còn đủ lượng linh phụ kiện phục vụ cho sản xuất trong khoảng đến cuối tháng 3 tới.
Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, nếu dịch bệnh còn tiếp diễn, sẽ dẫn đến tình trạng suy giảm sản lượng điện thoại và tivi trong nước. Còn doanh nghiệp dệt may và da giầy chỉ dự trữ nguyên phụ liệu tới đầu tháng 3/2020 hoặc đầu tháng 4/2020 và ngành ô tô cũng dự kiến đến cuối quý I/2020.
Giải pháp khắc phục.
Giải pháp lâu dài.
Tận dụng FTA, tìm kiếm nguồn cung thay thế. Bàn về giải pháp gỡ nút thắt nguyên phụ liệu đầu vào cho nền sản xuất, các chuyên gia cho rằng, nước ta cần nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế, thông qua việc tăng cường liên kết, tận dụng tối đa các thị trường mới mở ra từ các FTA để mở rộng các kênh cung ứng và đa dạng hoá thị trường. Đặc biệt là những cơ hội đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu đến từ quá trình thực thi CPTPP và sắp tới là EVFTA, qua đó sẽ thúc đẩy tăng tỷ lệ nội địa hóa và nguồn cung ứng từ các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc và Đông Bắc Á để giảm tình trạng phụ thuộc.
Cần phải có biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa. Song song với đó, để đáp ứng đầu vào trước mắt, Chính phủ cần làm việc với phía Trung Quốc và chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương liên quan làm việc với chính quyền các địa phương của Trung Quốc trong việc xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Ngoài ra, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài từ nay đến cuối năm 2020, Bộ Công thương sẽ mở hướng hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung thay thế trong thời gian tới.
Mặt khác, cần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng như thép chế tạo, vải, vật liệu mới... để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu - Mục đích để tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất, các đơn vị liên quan làm việc với các Hiệp hội dệt may, da giày, cơ khí, điện tử, hóa chất... để nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng nguyên vật liệu trong nước, nhu cầu nhập khẩu, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, nghiên cứu đề xuất các biện pháp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trong nước, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, tránh phụ thuộc nguồn cung nguyên liệu vào một thị trường. Bên cạnh đó, tích cực tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành dệt may, da giày, máy tính và các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu; nghiên cứu, xúc tiến nhập khẩu nguyên vật liệu thiết yếu phục vụ các ngành sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử..., đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong giao dịch nhập khẩu.
Đặc biệt lưu ý các gói hỗ trợ tiền tệ, tài khóa, thương mại đầu tư, cải cách thủ tục hành chính vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Đáng chú ý, Thủ tướng chỉ đạo dành khoản hỗ trợ tín dụng, khoanh, giãn nợ…; đồng thời, khẩn trương đề xuất phương án miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có việc giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, bảo hiểm xã hội...
Giải pháp trước mắc.
Cần xem xét áp dụng hợp lý các biện pháp kiểm soát biên giới có giới hạn trong việc phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu, linh phụ kiện đầu vào sản xuất cho các doanh nghiệp công nghiệp trong nước.
Cùng với đó, cần có các biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da - giày (là các ngành phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu) tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.
Bài viết được tổng hợp từ:
- Vneconomy
- https://tuoitre.vn/
- Tri thức trẻ
- https://vietnamnet.vn/
- https://bnews.vn/
- http://www.hanoimoi.com.vn/
- http://thoibaotaichinhvietnam.vn/