Tổng hợp thông tin về Dịch COVID-19 tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam
Tổng hợp thông tin về Dịch COVID-19 tác động lớn
đến tăng trưởng kinh tếViệt Nam
Đỗ Văn Tính
Các chuyên gia kinh tế nhận định dịch bệnh COVID-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với những tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch.
Trước tiên đối với kinh tế thế giới - đang chịu những hậu tức thì khi nhiều nơi phải đóng cửa một loạt các ngành công nghiệp. Sản xuất bị lao dốc, sức tiêu thụ nguyên liệu thô cũng giảm sút. Nếu theo đúng dự đoán, GDP của Trung Quốc trong quý I/2020 sẽ bị giảm 2 điểm phần trăm và điều này đồng nghĩa GDP toàn cầu cũng bị giảm khoảng 0,4 điểm phần trăm. Tác động trực tiếp đối với các quốc gia như Pháp, Nga, hiện đang xuất khẩu và chiếm lượng lớn sản xuất hydrocacbon, là rất dễ nhận thấy. Đối với Pháp, tác động còn nghiêm trọng hơn với sự sụt giảm của ngành du lịch và tiêu dùng.
Mặt khác, hoạt động sản xuất bên ngoài "công xưởng Thế giới" cũng bị ảnh hưởng bởi giá trị gia tăng được sản xuất ở châu Âu đều có liên quan đến Trung Quốc. Khoảng 60-80% dược chất trong các sản phẩm của ngành dược được sản xuất tại Trung Quốc và Ấn Độ. Tương tự, trong ngành xe hơi, rất nhiều bộ phận như bình ắc quy cho các xe điện hay các linh kiện điện tử... cũng được sản xuất ở Trung Quốc. Vì vậy, ngoài những cú sốc trực tiếp thì còn cả những cú sốc gián tiếp. Các chuỗi giá trị cho thấy sự hiện diện của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu chứ không chỉ trong các sản phẩm được sản xuất tại nước này.
Đồng thời, sẽ có cú sốc về “sự trì hoãn”. Đối với các nước đang bị ảnh hưởng (như Hàn Quốc, Italy và thậm chí cả Mỹ), tác động trực tiếp của dịch bệnh này cũng như các hiệu ứng hoảng loạn do nó gây ra sẽ tạo hậu quả nghiêm trọng cho sản xuất. Các quốc gia bị ảnh hưởng bên ngoài Trung Quốc sẽ chứng kiến sản xuất bị sụt giảm trong quý II/2020. Một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ rõ, dịch bệnh có thể khiến kinh tế thế giới bị sụt giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm nay. Ngoài ra, dịch bệnh này cũng có thể gây ra những hậu quả tài chính nghiêm trọng. Rất nhiều công ty sẽ đối mặt với vấn đề về dòng tiền do doanh thu sụt giảm. Điều này sẽ gây ra nguy cơ “nợ xấu” đối với các ngân hàng. Các công ty bảo hiểm cũng sẽ phải đền bù cho các khách hàng về rủi ro dịch bệnh.
Để hỗ trợ nền kinh tế, các ngân hàng trung ương buộc phải duy trì tỷ lệ lãi suất thấp. Mặc dù vậy, hiệu quả tăng cường sản xuất sẽ không cao. Otmar Issing, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho biết, lãi suất của ngân hàng trung ương thấp kéo dài cũng có những hậu quả rộng lớn vì chúng dẫn đến việc phân bổ vốn không chính xác. Điều này giúp các ngân hàng và công ty “xác sống" (Zombie) - những công ty mà lợi nhuận không đủ để trả lãi – tiếp tục sống. Báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về sự ổn định tài chính toàn cầu chi tiết điểm này bằng một mô phỏng cho thấy một cuộc suy thoái nghiêm trọng bằng một nửa cuộc khủng hoảng 2009 đã có thể làm cho các công ty đang có nợ đọng khoảng 19.000 tỷ USD không có đủ lợi nhuận để trả nợ.
Đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu có ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô; nhiều chỉ số giảm so với cùng kỳ năm trước. Dịch Covid-19 lan ra nhiều nước, trong đó có những nước là địa bàn thị trường truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu. Dịch bệnh cũng đã ảnh hưởng đến một số ngành của Việt Nam như điện tử, may mặc, giày da, cơ khí và thiếu hụt nguồn lao động; làm gián đoạn chuỗi cung ứng hay vận chuyển hành khách, giáo dục, du lịch. Theo thống kê, lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, ngành du lịch ước tính thiệt hại khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh. Đồng thời, nhiều chỉ tiêu đều giảm so với cùng kỳ 2019, chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vốn FDI thực hiện giảm 5%; vốn FDI đăng ký mới và điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 9,3%); vận tải hành khách tăng 3,8% (cùng kỳ tăng 10,2%). Khách quốc tế tăng 4,8%, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%); mức tăng cao nhất trong 7 năm qua.
Một số ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do diễn biến về giá cả và thời tiết. Khu vực dịch vụ là khu vực bị tác động mạnh nhất bởi dịch bệnh COVID-19; đặc biệt là các nhóm ngành liên quan đến du lịch, vận tải, lưu trú và ăn uống. Lượng khách quốc tế trong tháng 2/2020 chỉ đạt khoảng 1 triệu lượt khách, giảm 49,8% so với tháng trước, giảm 35,8% so với cùng kỳ.
Hiện Chính phủ đang có một số giải pháp cấp bách, được khẩn trương thực hiện như: Cân đối, đáp ứng nhu cầu về vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí; giãn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Trong đó có cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.
Bài viết được tổng hợp từ:
- Vneconomy
- http://dangcongsan.vn/
- Tri thức trẻ
- https://baoquocte.vn/