0236.3650403 (221)

TỔNG HỢP CÁC NHẬN ĐỊNH ĐỐI VỚI KINH TẾ VIỆT NAM TRƯỚC CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ TRUNG


Đỗ Văn Tính

 

Xu hướng chung

Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc ngày càng căng thẳng đã làm đảo ngược chính sách điều hành của cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), các đợt nâng lãi suất chấm dứt và cơ quan này đã có lần hạ lãi suất (25bps) lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ và nhiều khả năng sẽ tiếp tục hạ thêm trong phiên họp tuần này. Ở phía bên kia, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) cũng liên tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (4 lần trong năm 2018 và 3 lần từ đầu 2019 đến nay), điều chỉnh cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất và hạ giá nhân dân tệ để hỗ trợ nền kinh tế.

Cùng với đó là một loạt những bất ổn tại các đầu tầu kinh tế khắp các châu lục như Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Argentina… đã làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực do kinh tế thế giới giảm tốc. Việc kinh tế thế giới suy giảm sẽ làm giảm cầu nước ngoài đối với hàng hóa Việt Nam. Theo Báo cáo tổng quan kinh tế giữa kỳ 2019 của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế, xã hội quốc gia, sự gián đoạn của các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI. Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể giảm.

Số liệu thống kê mới đây cho thấy, mặc dù xuất nhập khẩu nói chung của Việt Nam vẫn tăng trong quý I/2019 (xuất khẩu tăng 4,7% và nhập khẩu tăng 8,9%), nhưng xuất nhập khẩu một số mặt hàng chủ lực đã có dấu hiệu giảm sút. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong quý I/2019 đạt 12,1 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu điện thoại và linh kiện  giảm 15,4%, đạt 2,8 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản quý I/2019 cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam quý I/2019 mặc dù vẫn đạt mức khả quan 6,79%, nhưng đã chậm lại so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2018 và so với tốc độ tăng cả năm 2018 (7,08%). Báo cáo mới nhất của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ giảm từ 7,1% năm 2018 xuống 6,6% năm 2019 và 6,7% năm 2020.

Theo dự báo, đỉnh điểm của tác động tiêu cực là vào năm 2020 - 2022, sau đó thị trường sẽ tự điều chỉnh, giảm dần tác động tiêu cực vào các năm tiếp theo. Với kịch bản đánh thuế như hiện tại (Mỹ áp thuế 25% với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc), GDP của Việt Nam có thể giảm 0,29% trong năm 2019 và 0,39% trong năm 2020 so với kịch bản không có chiến tranh thương mại.

Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu cũng chịu tác động mạnh, với mức tác động tăng dần đến đỉnh điểm là giai đoạn 2020 - 2022, sau đó giảm dần. Xuất khẩu có thể giảm 0,45% vào nă 2019 và 0,74% vào năm 2020, trong khi đó nhập khẩu có thể giảm 0,4% vào năm 2019, 0,74% vào năm 2020 và gần 1% vào giai đoạn 2021 - 2022. Mức độ ảnh hưởng tiêu cực của chiến tranh thương mại tới kinh tế Việt Nam sẽ còn lớn hơn trong kịch bản Mỹ đánh thuế đối với toàn bộ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

(Nguồn: Tổng hợp từ https://theleader.vn)

Tác động đến GDP và FDI 

Đó là nhận định được đưa ra trong Seminar nghiên cứu kinh tế Trung Quốc: Thương chiến Mỹ - Trung và tác động với Việt Nam, được tổ chức bởi Trung tâm Nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức hôm nay (29/7).

Diễn giả Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng có thể khẳng định trong năm 2019 này khó có thể mong chờ về một kết thúc cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, bởi một phía đàm phán Trung Quốc vẫn còn chờ đợi thay đổi trên chính trường Mỹ để có thể quyết định về các vấn đề thương mại. Tiến sỹ Thắng chỉ ra dựa trên phân tích của nhóm nghiên cứu, GDP năm 2020, 2021 và 2022 sẽ sụt giảm lần lượt 0,43%; 0,56% và 0,57%. Kinh tế Singapore sẽ chịu tác động nặng nề nhất, GDP sụt giảm lần lượt 1,22%; 1,06% và 0,72%.

Còn đối với Việt Nam, tăng trưởng GDP dưới tác động của chiến tranh thương mại từ năm 2020 đến hết năm 2022 được dự báo sẽ lần lượt sụt giảm 0,4%; 0,36% và 0,29%. Mức sụt giảm với xuất khẩu hàng hoá dịch vụ ở mức 0,89%; 0,91% và 0,82%. Tỷ giá tiền đồng Việt Nam được cho sẽ tác động không nhiều, mức tác động sụt giảm ước lần lượt là 0,57%; 0,52% và 0,38%. Như vậy có thể nói rằng tỷ giá của tiền đồng Việt Nam sẽ không phải chịu nhiều tác động. Xét về FDI , tiến sỹ Trần Toàn Thắng khẳng định chưa có đủ cơ sở để khẳng định FDI đang thực sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Dòng di cư lao động trở về Việt Nam

Chiến tranh thương mại đã tạo ra một cơn xoáy đảo ngược dòng lao động đổ dồn từ Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á sang Việt Nam. Cụ thể là khi cuộc chiến thương mại Mỹ Trung nổ ra và chi phí sản xuất tăng cao ở Trung Quốc, nhiều nhà sản xuất tại Trung Quốc đại lục phải chuyển đến Việt Nam để tận dụng mức lương tương đối thấp và khoảng cách địa lý. 

Lao động Việt nói được tiếng Trung hiện đang ngày càng khan hiếm. Bốn năm trước, cứ đăng tuyển là trong vòng hai ngày công ty sẽ thuê được người. Bây giờ thì khó hơn nhiều, ngay cả khi anh tốn tới 2.000 CNY (gần 7 triệu VND) mỗi tháng để đăng tin tuyển người. Làn sóng đầu tư lớn từ Trung Quốc đột ngột đổ vào đã tạo ra sự cạnh tranh ác liệt trên thị trường lao động.

 

(Nguồn: Tổng hợp từ https://cafe.vn)

Lãi suất trong nước

Khác với sự phân hóa trong hướng điều chỉnh lãi suất năm 2018, kể từ đầu năm 2019 đến nay, xu hướng giảm lãi suất có sự đồng thuận khá cao khi số lần giảm lãi suất của các NHTW trên thế giới ngày càng gia tăng, hiện tại đã là 93 đợt điều chỉnh giảm trong khi chỉ có 9 đợt điều chỉnh tăng lãi suất.

Dù làn sóng hạ lãi suất lan rộng nhưng SBV vẫn điều hành chính sách tiền tệ theo hướng thận trọng với mục tiêu ưu tiên là ổn định vĩ mô (lạm phát, tỷ giá…) và cho đến nay, SBV đã điều hành khá thành công biến số này.

Trong khi các đồng tiền chủ chốt đều biến động mạnh, có những đồng tiền mất giá tới 9% (như KWR, SEK) nhưng cũng có những đồng tiền lên giá 5-6% (như RUB, THB) so với USD, VND trở thành một trong những đồng tiền hiếm hoi có tỷ giá ổn định so với USD. Từ đầu năm đến nay, VND có một lần tạo sóng từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5 nhưng mức tỷ giá mua vào của ngân hàng ở đỉnh sóng cũng chỉ tăng 0,84% so với cuối năm 2018, ở mức 23.360 đồng/USD, sau đó nhanh chóng hạ nhiệt. Ngay cả khi áp lực rất lớn và đột ngột đến từ tỷ giá USDCNY vượt qua ngưỡng 7,0 và CNY liên tục giảm giá, mức giảm lên tới gần 4% chỉ trong tháng 8/2019; VND vẫn đi ngang, thậm chí còn giảm và hiện ở mức thấp hơn cuối năm 2018 là 0,06%.

(Nguồn: Tổng hợp từ tri thức trẻ)