0236.3650403 (221)

TỔNG HỢP CÁC NGHIÊN CỨU VỀ KIM NGẠCH XUẤT NHẬP KHẨU CỦA VIỆT NAM 2017


ĐỗVăn Tính

 

Kim ngạch xuất khẩu là lượng tiền thu về được dựa trên việc xuất khẩu một hay các loại hàng hóa, dịch vụ của quốc gia tính trong một khoảng thời gian nhất định như tháng, quý hay năm. Kim ngạch nhập khẩu là tổng giá trị cho việc nhập khẩu một hay tất cả hàng hóa được nhập khẩu vào doanh nghiệp hay đất nước nào đó ở một thời kỳ nhất định theo tháng, quý hoặc năm, được quy ra một loại đơn vị tiền tệ đồng nhất. Với lượng tiền được quy đổi theo 1 đơn vị nhất định.Tổng của kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu sẽ gọi chung là Kim ngạch xuất nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng kỷ lục của Việt Nam. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6%. Với kết quả này, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam theo xếp hạng của WTO đã tăng lên rõ rệt, từ vị trí thứ 50 lên vị trí thứ 26 trong 10 năm qua. kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2017 có thể đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, với kim ngạch là 210 tỷ USD, tăng khoảng 18,9% so với 2016.

Xuất nhập khẩu năm 2017 đã đạt được những kết quả vượt bậc, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo công ăn việc làm và tiêu thụ hàng hóa.

1. Quy mô và tăng trưởng xuất khẩu.Kim ngạch xuất khẩu năm 2017 ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 58,5 tỷ USD, tăng 16,2%; khối doanh nghiệp FDI ước đạt 155,2 tỷ USD (tính cả dầu thô xuất khẩu), tăng 23,0% so với cùng kỳ. So với chỉ tiêu theo Quốc hội giao là 7-8%, xuất khẩu năm nay đã đạt tốc độ gần gấp 3 lần.

2. Các nhóm hàng xuất khẩu. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tích cực, phù hợp với lộ trình thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030.Tăng trưởng xuất khẩu đạt được trên cả 3 nhóm hàng nông sản, thủy sản, nhiên liệu, khoáng sản và công nghiệp chế biến, cụ thể là nhóm hàng Xuất khẩu năm 2017 (tỷ USD) Tăng/giảm so với cùng kỳ năm 2016 (%) Tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu (%); Nông sản, thủy sản 25,9 tăng 16,9% 12,1%; Nhiên liệu, khoáng sản 4,4 tăng 27,0% 2,1%; Công nghiệp chế biến 173,5 tăng 22,4% 81,2%. Nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu hàng hóa như điện thoại và các loại linh kiện ước đạt 45,1 tỷ USD, tăng 31,4%; hàng dệt may ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 8,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 36,5%; máy móc, thiết bị, dụng cụ khác ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 33,1%; thủy sản ước đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18,5%,...Bên cạnh đó, có sự đóng góp của nhiều mặt hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu cao như rau quả ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%, gạo ước đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%, hóa chất và sản phẩm ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 27,4%, chất dẻo và sản phẩm ước đạt 3 tỷ USD, tăng 18,1%, phân bón ước đạt 263 triệu USD, tăng 25,7%, sắt thép và sản phẩm ước đạt 5,4 tỷ USD, tăng 34,4%

Năm 2017 dự kiến có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 20 mặt hàng đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD.Khu vực công nghiệp chế biến tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu với trị giá xuất khẩu ước đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%; Khu vực nông nghiệp có sự tăng trưởng tốt, xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh (ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9%); Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản: Xuất khẩu ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 27,0% và tăng ở tất cả các mặt hàng, trong đó cao nhất là than đá, tăng 113% về trị giá và 84,7% về khối lượng xuất khẩu. Dầu thô tăng 23% về trị giá.

 3. Thị trường xuất khẩu.Công tác phát triển thị trường xuất khẩu thời gian qua đạt được những kết quả tích cực. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Tới nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ước cả năm 2017, có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và có 4 thị trường mà xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD.Xuất khẩu của Việt Nam sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA. Theo số liệu ước năm 2017, xuất khẩu sang ASEAN ước tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc ước tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD; xuất khẩu sang Nhật Bản ước tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD; xuất khẩu sang Hàn Quốc ước tăng 31,1%, đạt 15 tỷ USD; xuất khẩu sang Australia và New Zealand ước tăng 14,3%, đạt 3,7 tỷ USD; xuất khẩu sang Chile ước tăng 26,3%, đạt 1 tỷ USD, xuất khẩu sang Liên bang Nga ước tăng 35,7%,đạt 2,2 tỷ USD. Ngoại trừ châu Phi giảm khoảng 2,9%, xuất khẩu sang các châu lục khác đều đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số. Tỷ lệ tận dụng các ưu đãi từ các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. 10 tháng đầu năm 2017, có tổng số 627.069 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp, trị giá các lô hàng được hưởng ưu đãi xuất xứ là 31,8 tỷ USD, tăng 22% cả về số lượng và trị giá so với năm 2016.

4. Nhập khẩu và cán cân thương mại.Cán cân thương mại năm 2017 ước đạt thặng dư 2,67 tỷ USD. Như vậy, đây là năm thứ hai liên tiếp có xuất siêu.Xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ, EU, Australia và New Zealand.Nhập siêu chủ yếu đến từ khu vực thị trường châu Á, đặc biệt là từ các nước thuộc khối ASEAN (ước nhập siêu 6,3 tỷ USD, trong đó nhập siêu từ Thái Lan là 5,7 tỷ USD), Hàn Quốc (nhập siêu 31,8 tỷ USD); Trung Quốc (nhập siêu 23,2 tỷ USD); Đài Loan (nhập siêu 10,2 tỷ USD).

6. Tổng hợp ý kiến bình luận của các chuyên gia kinh tế.

Những thành tự cơ bản. Trước hết, xuất khẩu năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2016, vượt chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng xuất khẩu có đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP, tạo công ăn việc làm, tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Đồng thời, tăng trưởng xuất khẩu, và xuất siêu cũng giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô; Thứ hai, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu được chuyển dịch theo đúng định hướng tại Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030 là tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến và giảm dần nhóm hàng nông sản, thủy sản và nhiên liệu, khoáng sản. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả ba nhóm hàng, trong đó nhiều nhất ở nhóm hàng công nghiệp chế biến; Thứ ba, một số mặt hàng như dệt may, da giầy Việt Nam không những đã phần nào chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước mà còn xuất khẩu nguyên phụ liệu. Đặc biệt, mặt hàng xơ sợi dệt các loại đã có kim ngạch xuất khẩu tăng 21,5%; Thứ tư, cùng với sự khởi sắc của khu vực nông nghiệp, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá, là một trong những điểm tích cực trong hoạt động xuất khẩu năm 2017; Thứ năm, công tác hội nhập quốc tế về kinh tế đã đạt được những kết quả quan trọng. Thị trường xuất khẩu, nhập khẩu được mở rộng, không chỉ tăng cường các thị trường truyền thống mà còn khai thác được các thị trường mới, tiềm năng. Kim ngạch xuất khẩu sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, đặc biệt tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như xuất khẩu sang ASEAN; Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia - New Zealand; Thứ sáu, một số thị trường đã có cải thiện về cán cân thương mại, đặc biệt là thị trường Trung Quốc đã cải thiện tình trạng nhập siêu nhờ tăng trưởng mạnh xuất khẩu sang thị trường này; Thứ bảy, nhập khẩu tăng cao nhưng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng cần nhập khẩu, gồm máy móc thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu và các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, dự án của Samsung.

Các tồn tại.Một là, đa số khoáng sản xuất khẩu của Việt Nam được xuất khẩu dưới dạng thô hoặc sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm; Hai là, nhiều ngành hàng công nghiệp chế biến vẫn còn dưới hình thức gia công là chủ yếu, tỷ lệ nội địa hóa chưa cao; Ba là, phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng nên việc gia tăng giá trị thông qua các yếu tố phi vật chất còn chưa được như mong muốn.

Nguyên nhân. Công nghiệp chế biến các mặt hàng nông sản, thủy sản, khoáng sản chưa được tập trung đầu tư, phát triển theo kịp với yêu cầu của thị trường thế giới. An toàn thực phẩm đối với nông sản, thủy sản cần đảm bảo theo chuỗi từ sản xuất đến xuất khẩu; Công nghiệp hỗ trợ còn chậm phát triển, chưa sản xuất được các sản phẩm đủ về chất lượng, quy mô để có thể tham gia được vào chuỗi cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo nhiều chuyên gia, giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện ở mức quá thấp. Nguyên nhân của tình trạng này do các sản phẩm xuất khẩu bao gồm cả khu vực FDI và DN trong nước vẫn tập trung chủ yếu ở 2 khâu gia công, lắp ráp và xuất thô. Ngay cả khu vực FDI được cho là có công nghệ hiện đại hơn, các sản phẩm xuất khẩu của Samsung, Canon, hay Intel vẫn tập trung ở các khâu gia công, lắp ráp.Cụ thể, trong nhóm hàng hóa máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm đạt hơn 5 tỷ USD, nhập khẩu tới 14,95 tỷ USD. Tương tự, nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện xuất khẩu 16,28 tỷ USD thì nhập khẩu 5,12 tỷ USD; nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện xuất khẩu 9,38 tỷ USD, nhập khẩu tới 13,42 tỷ USD; dệt may xuất khẩu 9,39 tỷ USD, nhập vải các loại và nguyên phụ liệu hơn 6,7 tỷ USD…Hàng hóa xuất khẩu của ta đang thua thiệt với các nước do giá trị gia tăng mang lại từ hoạt động xuất khẩu rất ít. Có thể chúng ta đạt hoặc vượt mục tiêu con số xuất khẩu, nhưng liệu có gia tăng được giá trị xuất khẩu mới là điều quan trọng. Thực tế giá trị gia tăng xuất khẩu những năm qua quá thấp, đã làm cho những con số mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu không còn nhiều ý nghĩa. Bài toán xuất khẩu hiện nay là phần DN Việt Nam được hưởng phải tăng lên. (GS.TS Đặng Đình Đào, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quốc tế); Giá trị gia tăng của Việt Nam trong xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn khi nhìn vào kim ngạch xuất khẩu của khối FDI. Thí dụ, kim ngạch xuất khẩu của khối này tăng tới 20 điểm % trong vòng 10 năm qua, nhưng giá trị đóng góp vào nền kinh tế Việt Nam chỉ tăng 3-4 điểm %, cho thấy Việt Nam vẫn chỉ làm thuê, đóng gói, gia công và nhân công giá rẻ.Điều này còn thể hiện rõ khi hàng dệt may có đến 60% nguyên liệu đầu vào vẫn nhập từ Trung Quốc. Từ những số liệu này, chúng ta cần hướng đến một cái nhìn cầu thị, hiện thực hơn về tình hình xuất khẩu, tránh việc tự ru ngủ là một cường quốc xuất khẩu, trong khi đó giá trị gia tăng hàng xuất khẩu lại rất khiêm tốn.

Xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào khối FDI (hiện chiếm trên 70%; riêng Samsung năm 2016 xuất khẩu 34,3 tỷ USD, chiếm tới hơn 18% tổng lượng xuất khẩu). Do vậy vấn đề đặt ra cần có những chính sách thiết thực, cụ thể hỗ trợ DN trong nước, trong đó sớm triển khai nhanh, hiệu quả tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế và triển khai tinh thần Luật Hỗ trợ DNNVV để hỗ trợ khu vực kinh tế trong nước.Như vậy con số tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 188 tỷ USD không nói lên nhiều điều, ngược lại còn có những tác động không tốt. Nếu chỉ nhìn vào con số mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu về số lượng, khối lượng nhưng không có chất lượng, con số tăng trưởng xuất khẩu đề ra không có nhiều ý nghĩa. Mặt khác, việc gia tăng xuất khẩu chủ yếu nằm trong khu vực FDI, hiện khu vực FDI chiếm khoảng 72% cơ cấu hàng hóa xuất khẩu, khu vực trong nước chỉ còn chưa tới 28% kim ngạch xuất khẩu. Nhận định về hoạt động xuất nhập khẩu năm nay, nhiều ý kiến cho rằng bức tranh xuất khẩu 2017 chưa có nhiều khác biệt so với năm 2016, hàng loạt vấn đề đặt ra với tình trạng nhập siêu vẫn đang tiếp diễn. Ước tính nhập siêu năm 2017 khoảng 6,5 tỷ USD, tương ứng 3,45% tổng kim ngạch xuất khẩu. 5 tháng đầu năm, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 22 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2016; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 18,6 tỷ USD, tăng 51,9%; các nước ASEAN 11,1 tỷ USD, tăng 16,6%; Nhật Bản 6,5 tỷ USD, tăng 15,5%; EU 4,6 tỷ USD, tăng 13,9%; Hoa Kỳ 3,8 tỷ USD, tăng 22%...Dù thị trường thế giới có nhiều biến động, có những diễn biến bất lợi, nhưng mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 188 tỷ USD trong năm 2017 có thể đạt. Bởi 5 tháng đầu năm chưa phải thời điểm hoạt động xuất khẩu đạt kim ngạch lớn nhất. Vấn đề đặt ra là tình trạng nhập siêu chưa thể khắc phục, cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt, quan trọng hơn cần cải thiện giá trị gia tăng trong xuất khẩu(PGS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế); Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, ấn tượng kinh tế năm nay là xuất khẩu, thể hiện ở việc không chỉ đạt được mức tăng trưởng vượt rất xa so với mục tiêu 10% để đạt 21% mà đằng sau con số ấy còn có hai điểm nhấn. Một là sự vươn lên của khu vực doanh nghiệp trong nước trong xuất khẩu. Hai là tăng trưởng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản xuất khẩu, đặc biệt là một số loại thủy sản, rau quả. Mặt khác, TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra những điểm yếu cần lưu ý để xuất khẩu tăng trưởng bền vững hơn. Cụ thể là cần phân tích sâu vào cơ cấu của xuất khẩu để cải thiện xuất siêu, giảm nhập siêu, cần chú ý việc Việt Nam quay trở lại xuất siêu về hàng hóa nhưng dịch vụ vẫn phải nhập siêu. “Để cải thiện cơ cấu xuất, nhập khẩu, Việt Nam cần phải gia tăng phát triển các dịch vụ, nhất là dịch vụ logistic để chuyển sang xuất siêu về dịch vụ. Hiện nay, ngay cả khi Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang thị trường Mỹ nhưng vẫn nhập siêu từ Mỹ về dịch vụ, vì thế cần phải coi dịch vụ là điểm đột phá, là nơi Việt Nam có sở trường để phát triển và cải thiện cơ cấu xuất khẩu”

 

Bài viếtđược tổng hợp từ phân tích của các chuyên gia kinh tế qua các địa chỉ:

[1]. http://saigondautu.com.vn

[2]. http://baodautu.vn

[3]. http://vneconomy.vn/.

[4]. http://vietnamnet.vn/