0236.3650403 (221)

TỔNG HỢP CÁC NGHIÊN CỨU VỀ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH THƯƠNG MẠI VIỆT – MỸ


Đỗ Văn Tính

 

 

Tình hình kinh tế xã hội

Tình hình kinh tế xã hội Việt Nam

Về mặt kinh tế xã hội, Việt Nam có sự chuyển biến rõ rệt trong những năm qua. Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức nhưng cơ bản kinh tế - xã hội ở Việt Nam tăng trưởng, ổn định theo hướng tích cực, cụ thể như sau:

Theo Chính phủ - Cổng thông tin điện tử Chính phủ:

Trong hành trình gần 70 năm, kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời vào ngày 02 tháng 9 năm 1945, thì Việt Nam đã có hơn 30 năm trải qua chiến tranh vệ quốc vô cùng khốc liệt. Ngày nay, cả thế giới biết đến công cuộc đổi mới ở Việt Nam như một bằng chứng về sự thành công chuyển đổi kinh tế trong lịch sử đương đại. Tuy vẫn là một nước nghèo, nhưng qua 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế đang đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định. Quốc phòng và an ninh được giữ vững. Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng nâng cao. Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp.

Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 đã quyết định thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước, nhất là đổi mới về mặt tư duy kinh tế. Đường lối đổi mới của Đảng đã tác động tích cực đến sự phát triển của các ngành sản xuất và dịch vụ. Tuy nhiên, những thành tựu và khởi sắc của công nghiệp thực sự bắt đầu trong những năm 90 (thế kỷ XX). Bình quân 5 năm 1991-1995 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành đạt 13,7%, vượt xa kế hoạch đề ra (7,5%-8,5%); trong đó khu vực kinh tế Nhà nước tăng 15%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 10,6%. Trong 5 năm 1996-2000, sản xuất công nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng với nhịp độ cao. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1996 tăng 14,2%, năm 1997 tăng 13,8%, 1998 tăng 12,1%, 1999 tăng 10,4% và năm 2000 tăng 17,5%. Nếu so với năm 1990, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2004 tăng gấp 6,5 lần, nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 14,3%. 6 tháng đầu năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 205,3 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2004, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 9,7%; khu vực kinh tế ngoài Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì mức tăng cao 24,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,9%.

Những sản phẩm công nghiệp chủ yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư đều tăng cả chất lượng và số lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng trong nước và tham gia xuất khẩu. Năm 2004, than khai thác đạt 26,29 triệu tấn, gấp 5,7 lần năm 1990; điện sản xuất 46,05 tỷ kWh, gấp 5,24 lần; dầu thô khai thác 20,05 triệu tấn, gấp 7,43 lần; xi măng 25,33 triệu tấn, gấp 10 lần; thép cán 2,93 triệu tấn, gấp 29 lần; phân hóa học 1,45 triệu tấn, gấp 4,1 lần ; giấy bìa 78,1 vạn tấn, gấp 10 lần; vải lụa 518,2 triệu mét, gấp 1,63 lần; đường mật 1,37 triệu tấn, gấp 4,2 lần; lắp ráp ti vi 2,48 triệu chiếc, gấp 17,6 lần; quần áo may sẵn 784,05 triệu chiếc, gấp 6,26 lần ; xà phòng giặt 45,9 vạn tấn, gấp 8,37 lần; ôtô lắp ráp 42,65 nghìn chiếc (năm 1990 chưa lắp ráp ôtô); xe máy lắp ráp 1,57 triệu chiếc (năm 1990 chưa lắp ráp xe máy).

Không chỉ tăng trưởng cao mà sản xuất công nghiệp những năm cuối của thập kỷ 90 đã xuất hiện xu hướng đa ngành, đa sản phẩm với sự tham gia của các thành phần kinh tế quốc doanh, ngoài quốc doanh và công nghiệp có vốn FDI, trong đó công nghiệp quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Công nghiệp FDI do có lợi thế về máy móc thiết bị và kỹ thuật hiện đại, có thị trường xuất khẩu khá ổn định, lại được Nhà nước khuyến khích bằng các cơ chế chính sách ngày càng thông thoáng, nên trong những năm qua phát triển khá nhanh và ổn định hơn hẳn khu vực công nghiệp trong nước. Tính đến nay đã có hơn 5.000 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 45 tỷ USD. Các doanh nghiệp này đóng góp gần 15% GDP, chiếm hơn 30% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 4,9% tổng thu ngân sách Nhà nước và tạo ra hàng vạn công ăn việc làm.

Ngoài giá trị về kinh tế, công nghiệp FDI còn tạo thêm hàng triệu việc làm, góp phần bổ sung và hoàn thiện các mô hình quản lý và tổ chức sản xuất mới phù hợp với cơ chế thị trường ở Việt Nam. Mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp với các ngành sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu. Đến nay, cả nước có 122 KCN được cấp giấy phép họat động. Sự tham gia của công nghiệp FDI nói chung và các KCN nói riêng đã tạo ra sức cạnh tranh cần thiết thúc đẩy các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế Việt Nam đầu tư chiều sâu, đổi mới máy móc thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại để giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Do nền kinh tế đạt mức tăng trưởng cao liên tục trong nhiều năm nên tích luỹ của nền kinh tế ngày càng mở rộng. Năm 1990 tỷ lệ tích luỹ tài sản trong sử dụng tổng sản phẩm trong nước chiếm 14,36%; đến năm 2004 tỷ lệ này đạt 35,58%.

Một trong những thành tựu kinh tế to lớn của thời kỳ đổi mới là phát triển sản xuất nông nghiệp mà nội dung cơ bản là khoán gọn đến hộ nông dân, thừa nhận hộ nông dân là đơn vị kinh tế tự chủ ở nông thôn, đã đánh dấu sự mở đầu của thời kỳ đổi mới trong nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 10 NQ/TW đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Cùng với Nghị quyết 10, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đổi mới khuyến khích nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng kinh tế hàng hoá và đã đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là 10 năm trong thập kỷ 90.

Thành tựu nổi bật và to lớn nhất của nông nghiệp trong 15 năm đổi mới là đã giải quyết vững chắc vấn đề lương thực, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đưa Việt Nam từ nước thiếu lương thực trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới liên tục từ năm 1989 đến nay. Nếu sản lượng lương thực có hạt năm 1990 chỉ đạt 19,90 triệu tấn thì đến năm 2004 đã tăng lên 39,32 triệu tấn. Như vậy, sau 15 năm, sản lượng lương thực có hạt đã tăng thêm 19,4 triệu tấn, bình quân mỗi năm tăng thêm 1,29 triệu tấn. Do sản xuất lương thực tăng nhanh, Việt Nam không những đã bảo đảm được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn dành khối lượng khá lớn cho xuất khẩu. Nếu năm 1989, xuất khẩu được 1,42 triệu tấn gạo thì đến năm 2004 đạt 4,06 triệu tấn, đưa Việt Nam vào hàng các nước đứng đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới. Ngành chăn nuôi cũng có bước phát triển nhanh. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2004 so với năm 1990 tăng gấp 2,28 lần; nhịp độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 6,06%.

Với phương châm Việt Nam muốn làm bạn và đối tác tin cậy với tất cả các nước. Tính tới tháng 7/2000, Việt Nam ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với Việt Nam từ 50 nước năm 1990 lên 170 nước năm 2000. Năm 2004, tổng mức lưu chuyển ngoại thương Việt Nam đạt 54,46 tỷ USD (tăng gấp 11,34 lần so với mức 5,10 tỷ USD năm 1990); trong đó xuất khẩu 26,50 tỷ USD tăng 11,02 lần; nhập khẩu 31,95 tỷ USD, tăng gấp 11,61 lần. Nhịp độ tăng bình quân hàng năm tổng mức lưu chuyển ngoại thương thời kỳ 1991-2004 đạt 18,94% trong đó xuất khẩu 18,70%; nhập khẩu 19,14%.

Nhờ kinh tế đạt mức tăng trưởng cao và liên tục nhiều năm liền nên đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của dân cư được cải thiện rõ rệt.

Sự nghiệp giáo dục đạt nhiều thành tựu. Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đã tăng từ 88% năm 1989 lên 91% năm 1999. Năm 2000 Việt Nam đã hoàn thành chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Giáo dục trung học chuyên nghiệp và đại học có bước mở rộng nhanh về quy mô đào tạo. Năm 1990 Việt Nam có 105,9 nghìn học sinh trung học chuyên nghiệp, tính bình quân cho 1 vạn dân có 16 học sinh; thì đến năm 2004 là 465.300 và 97 học sinh. Năm 2004 so với năm 1990, số học sinh trung học chuyên nghiệp tăng 4,39 lần. Giáo dục đại học, cao đẳng năm 1990 có hơn 93.000 sinh viên đại học, cao đẳng, tính bình quân 1 vạn dân có 14 sinh viên thì đến năm 2004 là 1.319.800 sinh viên và 161 sinh viên. Năm 2004 so với năm 1990 số sinh viên đại học, cao đẳng tăng gấp 14,2 lần.

Sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm. Hệ thống y tế đã được phát triển từ tuyến cơ sở tới trung ương với nhiều loại hình dịch vụ y tế đã tạo điều kiện cho người dân được lựa chọn các dịch vụ y tế phù hợp. Năm 1990, tính bình quân 1 vạn dân có 3,5 bác sĩ; đến năm 2004 là 6,1. Tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi năm 1990 từ 51,5%; đến năm 2004 còn 26,7%. Chỉ số về sức khoẻ bà mẹ và trẻ em có nhiều tiến bộ. Tỷ lệ tử vong của trẻ em đã giảm xuống bằng với mức phổ biến ở những nước có thu nhập đầu người cao gấp 2-3 lần Việt Nam. Năm 2003 tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 1 tuổi chỉ còn 26%. Tuổi thọ bình quân tăng từ 64 tuổi năm 1990 lên 68 tuổi năm 2000.

Cùng với thành tựu trong tăng trưởng kinh tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả xuất sắc trong xóa đói giảm nghèo. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nông nghiệp và nông thôn, vùng sâu, vùng xa đã thành công trong việc giải phóng sức sản xuất của dân cư nông thôn và khuyến khích họ tự mình phấn đấu cải thiện cuộc sống. Tính theo chuẩn nghèo chung, tỷ lệ nghèo đã giảm từ trên 70% năm 1990 xuống còn 32% năm 2000 và 28,9% vào năm 2001-2002. Như vậy so với năm 1990, năm 2000 Việt Nam đã giảm 1/2 tỷ lệ nghèo và về điều này Việt Nam đã đạt được mục tiêu phát triển của Thiên niên kỷ do Quốc tế đặt ra là giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo trong giai đoạn 1990-2015.

Giai đoạn 2005 đến nay 

Việt Nam bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 trong bối cảnh có nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đều lớn, đan xen nhau.

Trên thế giới, hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế sẽ được đẩy nhanh; đầu tư, lưu chuyển hàng hoá, dịch vụ, lao động và vốn ngày càng mở rộng. Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục phát triển năng động, hợp tác trong khu vực, nhất là ASEAN ngày càng mở rộng tạo thêm điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của mỗi quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực vẫn chứa đựng nhiều yếu tố phức tạp, khó lường; các tranh chấp, xung đột cục bộ, cùng với hoạt động khủng bố quốc tế có thể gây mất ổn định ở khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khan hiếm các nguồn năng lượng và nguyên vật liệu, khoảng cách giàu nghèo... càng trở nên gay gắt hơn.

Ở trong nước, Việt Nam có được thuận lợi rất cơ bản là những thành tựu to lớn và những bài học kinh nghiệm quan trọng sau 20 năm đổi mới, nhưng cũng còn nhiều yếu kém, khuyết điểm; trong khi yêu cầu hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới ngày càng khẩn trương và sâu rộng hơn.

Đời sống dân cư nhìn chung ổn định. Đời sống của cán bộ, viên chức và người hưởng lương đã được cải thiện đáng kể nhờ tăng lương theo các Nghị định của Chính phủ. Đời sống đại đa số nông dân ổn định và từng bước được cải thiện do sản xuất phát triển và giá nhiều loại nông sản, thực phẩm tăng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước và nhiều địa phương tiếp tục giảm, tình trạng thiếu đói giáp hạt giảm đáng kể so với năm 2005. Việt Nam đứng vào hàng các quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong khu vực.

Bước vào giai đoạn mới, thế và lực của nền kinh tế Việt Nam cũng như những kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đều đã được tăng lên đáng kể. Việc Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tạo thêm cơ hội để nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu hơn và rộng hơn vào kinh tế thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức: trong khi nền kinh tế còn nhiều mặt yếu kém, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh thấp thì giá của nhiều loại vật tư nguyên liệu đầu vào quan trọng phải nhập khẩu tăng cao.

Trong giai đoạn này và tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế-xã hội Việt Nam năm 2008 diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường: giá dầu thô và giá nhiều loại nguyên liệu, hàng hoá khác trên thị trường thế giới tăng mạnh trong những tháng giữa năm kéo theo sự tăng giá ở mức cao của hầu hết các mặt hàng trong nước; lạm phát xảy ra tại nhiều nước trên thế giới; khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn đến một số nền kinh tế lớn suy thoái, kinh tế thế giới suy giảm; ở trong nước thiên tai, dịch bệnh xảy ra liên tiếp ảnh hưởng xấu đến sản xuất và đời sống dân cư. Tuy nhiên, năm 2008, GDP theo giá so sánh 1994 ước tính vẫn tăng 6,23% so với năm 2007, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,79%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,33%; khu vực dịch vụ tăng 7,2%. Trong 6,23% tăng trưởng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,68 điểm phần trăm; công nghiệp, xây dựng đóng góp 2,65 điểm phần trăm và dịch vụ đóng góp 2,9 điểm phần trăm. Trong bối cảnh khó khăn gay gắt thì đây là một cố gắng rất lớn. Cũng trong năm này, có 8 nhóm hàng/mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 2 tỷ USD là: Dầu thô 10,5 tỷ USD; hàng dệt may 9,1 tỷ USD; giày, dép 4,7 tỷ USD; thuỷ sản 4,6 tỷ USD; gạo 2,9 tỷ USD; sản phẩm gỗ 2,8 tỷ USD; điện tử, máy tính 2,7 tỷ USD; cà phê 2 tỷ USD, tăng 2 mặt hàng so với năm 2007 là gạo và cà phê.

Từ đầu năm 2009 đến nay, kinh tế- xã hội Việt Nam tuy bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, tài chính thế giới nhưng với tinh thần chủ động sáng tạo của các doanh nghiệp, cơ sở kinh tế và nhờ việc thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp đúng đắn và kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ nên đang phát triển theo hướng tích cực và đang có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất công nghiệp từng bước ổn định và tiếp tục tăng, nhiều sản phẩm quan trọng vẫn giữ được mức tăng cao. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng về lượng. Chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức hợp lý. Đời sống nhân dân tiếp tục được quan tâm và cải thiện.

Hiện nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 176 quốc gia, quan hệ kinh tế thương mại với trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam... Chưa bao giờ mối quan hệ ngoại giao và kinh tế của Việt Nam lại phát triển sâu rộng và đa dạng như ngày nay.”

Tình hình kinh tế xã hội Mỹ

Bước vào thế kỷ 21 Nước Mỹ đóng vai trò là siêu cường quốc của thế giới. Với nhiều chính sách được hoạch định, Hoa Kỳ đã duy trì được vị thế là một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sản lượng lớn và có tầm ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có, hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ và năng suất lao động cao. Giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên đứng cao thứ hai thế giới, ước đạt 45 nghìn tỷ đô la năm 2016. Người Mỹ có mức thu nhập hộ gia đình và mức tiền công trung bình cao nhất trong khối các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), và đứng thứ 4 về mức thu nhập bình quân năm 2010, giảm 2 bậc so với mức cao nhất năm 2007. Hoa Kỳ cũng có nền kinh tế quốc dân lớn nhất thế giới (không bao gồm vùng thuộc địa) kể từ những năm 1890. Hoa Kỳ là nhà sản xuất dầu mỏ và khí gas lớn thứ 3 thế giới. Trong năm 2016, Mỹ là quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất, cũng như là nhà sản xuất hàng hoá lớn thứ 2 toàn cầu, đóng góp vào một phần năm tổng sản lượng thế giới. Nước Mỹ không chỉ có nền kinh tế lớn nhất, mà còn có sản lượng công nghiệp lớn nhất theo báo cáo Diễn đàn thương mại và phát triển (UNCTAD). Nước Mỹ không chỉ có thị trường nội địa lớn nhất cho các loại hàng hoá, mà còn chiếm vị trí tuyệt đối trong thị trường dịch vụ. Tổng giao dịch thương mại đạt 4,92 nghìn tỷ đô la năm 2016. Trong tổng số 500 công ty lớn nhất thế giới, có 134 công ty đặt trụ sở tại Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ có một trong những thị trường tài chính lớn nhất và ảnh hưởng nhất toàn cầu. Thị trường chứng khoán New York (NYSE) hiện là thị trường chứng khoán có mức vốn hoá lớn nhất. Các khoản đầu tư nước ngoài tại Mỹ đạt 2,4 nghìn tỷ đô la, trong khi những khoản đầu tư của Mỹ ra nước ngoài vượt 3,3 nghìn tỷ đô la. Nền kinh tế Mỹ luôn dẫn đầu trong các khoản đầu tư trực tiếp và tài trợ cho nghiên cứu và phát triển. Chi tiêu tiêu dùng chiếm 71% GDP năm 2013. Hoa Kỳ có thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới, với chi tiêu trung bình hộ gia đình lớn gấp 5 lần tại Nhật Bản. Thị trường lao động Mỹ đã thu hút người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới và tỷ lệ nhập cư ròng tại đây luôn nằm trong mức cao nhất thế giới. Hoa Kỳ nằm trong bảng xếp hạng một trong các quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh và hoạt động hiệu quả nhất theo các báo cáo của Ease of Doing Business, Báo cáo cạnh tranh toàn cầu và các báo cáo khác.

Nền kinh tế Hoa Kỳ đã trải qua đợt suy thoái theo sau khủng hoảng tài chính năm 2007-08, với sản lượng năm 2013 vẫn dưới mức tiềm năng theo báo cáo cơ quan ngân sách quốc hội. Tuy nhiên nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2009, và tới tháng 10 năm 2017, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ mức cao 10% xuống còn 4,1%. Vào tháng 12 năm 2014, tỷ lệ nợ công đã chiếm hơn 100% GDP. Tổng tài sản có tài chính nội địa đạt tổng 131 nghìn tỷ đô la và tổng nợ tài chính nội địa là 106 nghìn tỷ đô la.

Theo Trần Nguyễn – Điều gì tạo nên nền kinh tế Hoa Kỳ? :

“Từ khi giành được độc lập, người Mỹ đã luôn tìm cách hạn chế quyền lực của chính phủ thông qua các cá nhân, kể cả vai trò của nó trong giải quyết các vấn đề kinh tế. Và đa số người Mỹ vẫn cho rằng sở hữu tư nhân là hình thức ưu việt hơn so với sở hữu nhà nước trong việc tạo ra sản lượng kinh tế cao nhất. Mặc dù vậy, phần lớn người dân Mỹ vẫn muốn chính phủ phải đảm nhận một vài nhiệm vụ điều phối nền kinh tế, hệ thống luật pháp của Mỹ đã tạo ra một cơ sở lành mạnh để vận hành các hoạt động kinh doanh. Chính sách kinh tế xã hội mới đã xây dựng nên mức lương tối thiểu và giờ lao động tối thiểu, nó cũng tạo ra các chương trình và các cơ quan thực thi và vai trò của chúng là không thể phủ nhận - trong đó có Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái có chức năng quản lý thị trường chứng khoán, Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang có chức năng bảo hiểm các khoản tiền gửi ngân hàng và Hệ thống Bảo hiểm xã hội có chức năng cung cấp lương hưu dựa trên quá trình đóng tiền bảo hiểm của người lao động. Với tất cả các điều luật của mình, năm 2007, Mỹ được Ngân hàng thế giới (WB) xếp thứ 3 trong số các quốc gia có môi trường kinh doanh tốt nhất, sau Singapore và New Zealand. Chính quyền liên bang có vai trò tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế và nâng cao tỷ lệ lao động có việc làm, đặc biệt là duy trì được một mức giá chung ổn định và một gánh nặng thuế có thể quản lý được. Cục Dự trữ liên bang (FED) quản lý tiền tệ, Tổng thống và Quốc hội điều chỉnh chi tiêu ngân sách và chi tiêu thuế (chính sách tài khóa).”

Có tổng cộng xấp xỉ 154,4 triệu lao động đang được thuê. Chính phủ Mỹ là đơn vị sử dụng nhiều lao động nhất với 22 triệu người. Các công ty (doanh nghiệp) qui mô nhỏ là nhà tuyển dụng lớn nhất sử dụng 53% tổng số công nhân Mỹ. Phần lớn thứ 2 thuộc về những công ty, tập đoàn lớn sử dụng 38% tổng lực lượng lao động.

Khu vực kinh tế tư nhân sử dụng tổng cộng 91% tổng lực lượng lao động Mỹ. Chính phủ chỉ sử dụng 8% tổng lao động. Hơn 99% tổng các công ty doanh nghiệp tại Mỹ là các doanh nghiệp nhỏ. 30 triệu doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ đã tạo ra 64% tổng việc làm mới. Việc làm tại các công ty quy mô nhỏ chiếm 70% tổng số việc làm được tạo ra trong thập kỷ vừa qua.

Tỷ lệ số lượng lao động Mỹ được thuê bởi các công ty, doanh nghiệp nhỏ so với bộ phận công ty tập đoàn lớn hầu như không thay đổi qua các năm khi mà một bộ phận các công ty nhỏ trở thành công ty lớn và chỉ có hơn một nửa số công ty nhỏ tồn tại hơn 5 năm. Trong số các doanh nghiệp lớn, một vài công ty có nguồn gốc Mỹ. Điển hình như Walmart là công ty tư nhân có qui mô lớn nhất và là đơn vị sử dụng lao động của tư nhân lớn nhất thế giới, hiện đang sử dụng 2,1 triệu lao động toàn cầu và 1,4 triệu lao động tại Mỹ.

Hiện có gần 30 triệu công ty kinh doanh qui mô nhỏ tại Mỹ. Các tộc người thiểu số như Người Mỹ gốc Tây Ban Nha, Mỹ gốc Phi, Mỹ gốc Á và người bản địa Mỹ (chiếm 35% tổng dân số Mỹ), sở hữu 4,1 triệu công ty/cơ sở kinh doanh tại Mỹ. Các công ty sở hữu bởi người thiểu số tạo ra gần 700 tỷ đô la danh thu và thuê gần 5 triệu nhân công tại Mỹ. Hoa Kỳ là quốc gia có mức thu nhập của lao động làm thuê cao nhất trong số các quốc gia OECD. Mức thu nhập trung bình hộ gia đình tại Mỹ năm 2008 là 52.029 đô la. Khoảng 284.000 lao động Mỹ có 2 công việc toàn thời gian và 7,6 triệu người có công việc bán thời gian bên cạnh công việc chính toàn thời gian.12% tổng số lao động tham gia công đoàn; hầu hết các thành viên công đoàn là người làm thuê cho chính phủ. Sự sụt giảm của số lượng thành viên các công đoàn tại Mỹ trong những thập niên qua diễn ra song song với việc giảm thị phần lao động. Ngân hàng thế giới xếp Hoa Kỳ đứng đầu về mức độ dễ tuyển dụng và sa thải nhân công. Hoa Kỳ là nền kinh tế phát triển duy nhất không quy định số ngày nghỉ phép cho người lao động, và nằm trong số ít quốc gia không chi trả lương khi nghỉ phép, cùng với đó là Papua New Guinea, Suriname và Liberia. Năm 2014, Liên hiệp công đoàn thương mại quốc tế chấm điểm Mỹ thứ 4 trên 5+, mức thấp thứ 3 về việc bảo đảm quyền lợi cho công đoàn lao động.

Có nhiều tổ chức khác nhau cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại Mỹ. Hệ thống các cơ sở vật chất và trang thiết bị phần lớn được sở hữu và vận hành bởi khu vực kinh tế tư nhân. Bảo hiểm sức khoẻ cho người lao động thuộc khu vực công chủ yếu được cung cấp bởi chính phủ. Ước tính từ 60-65% chi tiêu chăm sóc sức khoẻ đến từ các chương trình như Medicare, Medicaid, Tricare, chương trình bảo hiểm sức khoẻ cho trẻ em, và cơ quan chăm sóc sức khoẻ cho cựu binh (Veterans Health Administration). Hầu hết dân số độ tuổi dưới 65 được mua bảo hiểm bởi người thân hoặc công ty nơi người thân của họ làm việc, một vài người tự mua bảo hiểm, và số còn lại không được bảo hiểm. Vào ngày 23 tháng 3 năm 2010, đạo luật PPACA (Patient Protection and Affordable Care Act) hay "ObamaCare" được thông qua, tác động đáng kể tới các chương trình bảo hiểm sức khoẻ.

Thực trạng tình hình Xuất Nhập khẩu và Cán cân thương mại

Tình hình Xuất Nhập khẩu

Số liệu được Tổng cục Hải quan công bố, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2017 đạt 425,12 tỷ USD, tăng 21% (tương ứng tăng 73,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 278,56 tỷ USD, tăng 23,1% (tương ứng tăng gần 52,25 tỷ USD) so với năm 2016.

Trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hơn 425 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 214,01 tỷ USD, tăng 21,2% (tương ứng tăng hơn 37,44 tỷ USD) so với năm 2016. Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% (tương ứng tăng 36,3 tỷ USD) so với năm 2016.

 

Bài viết được tổng hợp từ:

 

1.Chính phủ - Cổng thông tin điện tử Chính phủ www.chinhphu.vn
2.Trần Nguyễn, Điều gì tạo nên nền kinh tế Hoa Kỳ? ,SIU, http://review.siu.edu.vn
3.Linh Trang, 2018, Cận cảnh thương mại Việt - Mỹ 2018, thesaigontimes.vn
4.Thống kê Hải quan, 2017, Hải quan Việt Nam