TỔNG HỢP CÁC CÁC Ý KIẾN ĐÁNH GIÁ VỀ ẢNH HƯỞNG CỦA CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG ĐẾN KINMH TẾ VIỆT NAM
Đỗ Văn Tính
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ đang làm xáo trộn kinh tế thế giới. Theo đánh giá của một số chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều bởi Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác thương mại lớn của nước ta. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chính thức bắt đầu sau tuyên bố áp thuế nhập khẩu 25% của chính quyền ông Donald Trump với các mặt hàng từ Trung Quốc, trong đó 90% mặt hàng này là nguyên liệu sản xuất. Quyết định của ông Trump đã gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.Chiến tranh thương mại này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng, tác động cụ thể ra sao phải chờ thêm thời gian.
Với Việt Nam, cuộc chiến thương mại này sẽ “vừa ảnh hưởng tích cực, vừa tiêu cực”. Nhìn chung nó có tác động 2 chiều.Lợi ích trực tiếp của Việt Nam đến từ cuộc chiến thương mại này là khả năng tận dụng khi cánh cửa cho hàng Trung Quốc sang Mỹ dần khép lại với mức thuế suất nhập khẩu tới 25% với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Tương tự, nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế cao đối với Mỹ không phải là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng không loại trừ khả năng một số hàng hóa Việt Nam có thể tận dụng thị trường.Cơ hội vào Mỹ với một số lĩnh vực lâu nay chúng ta cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc như dệt may, da giày... sẽ đến nhiều hơn. Với những yếu tố tích cực cũng một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019. Đó là một trong những nội dung chính mà Nhóm đã tập trung nghiên cứu để làm rõ hơn sự ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến nền kinh tế Việt Nam.
Chiến thanh thương mại Mỹ - Trung
Chiến tranh thương mại là gì?
Thuật ngữ 'Chiến tranh thương mại' xuất hiện tràn ngập trên truyền thông với các diễn biến liên quan tới tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian vừa qua. Như vậy, thế nào là chiến tranh thương mại và chiến tranh thương mại bùng nổ khi nào? Chiến tranh thương mại (tiếng Anh: trade war) hay còn gọi là chiến tranh mậu dịch là hiện tượng trong đó hai hay nhiều quốc gia tăng hoặc tạo ra thuế hoặc các loại rào cản thương mại (gồm: Giấy phép xuất nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, viện trợ đối với các ngành sản xuất trong nước/nội địa, hạn chế xuất khẩu tự nguyện, yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập vào nội địa, lệnh cấm vận, hạn chế thương mại, và sự làm mất giá tiền tệ) với nhau nhằm đáp trả những rào cản thương mại của nước đối lập.
Chế độ bảo hộ tăng cường làm cho sản xuất hàng hóa của cả hai nước tiến dần đến mức tự cung tự cấp để đáp ứng những nhu cầu tiêu dùng không được thỏa mãn bởi nhập khẩu hạn chế.
Nhiều nhà kinh tế học cho rằng những sự bảo hộ nhất định (bảo hộ đối với một số ngành nhất định) hao tốn tiền của hơn những sự bảo hộ khác (đối với các ngành khác), bởi nó có thể gây ra chiến tranh thương mại.Nếu một quốc gia tăng thuế nhập khẩu, quốc gia đối lập có thể trả đũa bằng biện pháp tương tự. Nhưng sự tăng trợ cấp rất khó để trả đũa. Những nước nghèo dễ tổn thương hơn những nước giàu trong chiến tranh thương mại; khi tăng sự bảo hộ chống lại tình trạng bán phá giá của những sản phẩm giá rẻ, chính phủ nước đó có nguy cơ làm cho sản phẩm quá đắt đối với người tiêu dùng nội địa.
Tóm lại, Chiến tranh thương mại là cuộc chiến giữa hai hay nhiều nước trong đó các nước cố gắng tấn công thương mại của nhau bằng các rào cản thương mại như thuế quan, hạn ngạch... Điều này có thể làm tổn thương nền kinh tế của các quốc gia khác đồng thời dẫn đến căng thẳng chính trị leo thang giữa các nước đối lập.
Nhưng điều cần biết về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
a) Bối cảnh về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn ra như thế nào ?
Ngày 03/4/2018, Mỹ đã ra thông báo sẽ áp thuế 25% đối với khoảng 1.300 hàng hóa của Trung Quốc bao gồm các sản phẩm công nghệ, y tế, giáo dục và giao thông. Hàng hóa này chiếm khoảng 50 tỷ USD giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc hàng năm của Mỹ.
Kế hoạch áp thuế này đã được tiết lộ từ tháng trước song chỉ được công bố sau khi Trung Quốc quyết định tăng thuế đối với khoảng 3 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Thị trường chứng khoán toàn cầu đã ngay lập tức chao đảo sau những quyết định thương mại làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung này.
Để đáp trả luật mới của Mỹ, ngày 4/4, phía Trung Quốc công bố danh sách 106 mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ sẽ trở thành đối tượng của mức thuế 25% bao gồm ô tô, máy bay, các sản phẩm nhựa, thuốc lá, hoa quả và nhiều mặt hàng nông nghiệp khác
Giá trị nhập khẩu của 106 mặt hàng này vào Trung Quốc đạt khoảng 50 tỷ USD trong năm 2017.
Ngay sau khi nhận được lời đáp trả từ phía Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump yêu cầu đại diện Thương mại Mỹ xem xét khoảng 100 tỷ USD thuế bổ sung đối với hàng hóa Trung Quốc.
Ngày 06/7, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chính thức bắt đầu sau khi các qui định áp thuế trị giá 34 tỷ USD của Mỹ nhằm vào hàng hóa Trung Quốc có hiệu lực.
Báo chí Trung Quốc phản ứng với chính quyền Tổng thống Donald Trump và gọi là "băng đảng du côn" thì Donald Trump ngay lập tức tuyên bố có thể áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 550 tỷ USD - cao hơn cả mức nhập khẩu từ Trung Quốc năm ngoái (năm 2017 là 506 tỷ USD).
b) Thuế nhập khẩu là gì ?
Thuế nhập khẩu là thuế đánh vào một sản phẩm được sản xuất ở nước ngoài, được nhập khẩu vào trong nước. Đánh thuế nhập khẩu nhằm kích thích người dân mua các sản phẩm nội địa, vì hàng xuất khẩu trở nên đắt hơn từ đó thúc đẩy nền kinh tế trong nước.
c) Tại sao Tổng thống Donald Trump áp thuế nhập khẩu hàng Trung Quốc ?
Tổng thống đã áp thuế đối với hàng hóa trị giá 34 tỷ USD do Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ăn cắp sở hữu trí tuệ về thiết kế và ý tưởng sản phẩm.
Đồng thời, Tổng thống Donald Trump muốn cắt giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Ông cáo buộc nước này đã có hành vi thương mại không công bằng kể từ khi ông trở thành tổng thống.
d) Thâm hụt thương mại là gì ?
Thuật ngữ này chỉ sự chênh lệch giữa giá trị xuất khẩu và giá trị nhập khẩu. Thâm hụt thương mại xảy ra khi chênh lệch này nhỏ hơn 0.
Hay hiểu một cách đơn giản, giá trị xuất khẩu đang không bằng giá trị nhập khẩu. Mỹ bị thâm hụt thương mại với Trung Quốc ở mức 375 tỷ USD khiến Tổng thống Donald Trump không hài lòng.
Ông muốn cắt giảm thâm hụt thương mại bằng việc sử dụng thuế áp vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
e) Thâm hụt thương mại có phải lý do thực sự?
Nhưng thâm hụt thương mại chưa hẳn là xấu. Nhiều nước có nền kinh tế mạnh đang chuyển từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ.
Dịch vụ đang chiếm tới 90% nền kinh tế Mỹ. Ngược lại, Trung Quốc chủ yếu là xuất khẩu hàng hóa sản xuất.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, động thái này của chính phủ đang đi theo chủ nghĩa bảo hộ.
f) Chủ nghĩa bảo hộ là gì?
Bảo hộ mậu dịch là việc áp đặt một số tiêu chuẩn hay áp đặt thuế cao đối với một số mặt hàng nhập khẩu nào đó để bảo vệ ngành sản xuất trong nước, giảm cạnh tranh.
Ví dụ điển hình là ngành nhôm thép. Vào đầu tháng 3, Tổng thống Donald Trump đã công bố mức thuế 25% cho tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu và 10% trên nhôm.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ dựa quá nhiều vào các quốc gia khác về kim loại, và rằng Mỹ không thể tự sản xuất đủ vũ khí hoặc xe cộ nếu một chiến tranh nổ ra.
g) Những gì Tổng thống Donald Trump làm có thực sự hiệu quả?
Ngành sản xuất thép của Mỹ được thúc đẩy hơn khi nhu cầu tăng lên từ đó tăng lợi nhuận. Nhưng các công ty Mỹ cần vật liệu thô. Đối với các nhà sản xuất ôtô và máy bay thì chi phí của họ lại tăng lên. Điều đó có nghĩa là họ có thể phải tăng giá sản phẩm gây bất lợi cho người tiêu dùng.
h) Mức thuế có thể ảnh hưởng đến chính bạn như thế nào?
Chúng có thể ảnh hưởng khắp cả thế giới - đặc biệt là kể khi Trung Quốc trả đũa. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã đánh thuế các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp của Mỹ, từ đậu nành, thịt lợn tới máy bay, ôtô và ống thép.
Về lý thuyết, Trung Quốc cũng có thể đánh thuế các công ty công nghệ của Mỹ như Apple. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến gã khổng lồ công nghệ, và nó có thể buộc phải tăng giá.
Một cuộc chiến thương mại toàn cầu có thể làm tổn thương người tiêu dùng trên toàn thế giới bằng cách làm cho mọi công ty khó khăn hơn trong việc vận hành, buộc họ phải đẩy giá cao hơn.
i) Sao không tự do hóa thương mại?
Tự do hóa thương mại ngược lại với chủ nghĩa bảo hộ - giảm thuế quan nhiều nhất có thể, tạo điều kiện tự do mua các sản phẩm rẻ hơn hoặc tốt hơn từ bất cứ nơi nào trên thế giới.
Điều này là rất tốt cho các công ty cố gắng cắt giảm chi phí, từ đó đẩy giá xuống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới. Nhưng đồng thời, điều đó có nghĩa là các công ty trong nước lại bị cạnh tranh nhiều hơn. Tại sao người dân phải mua hàng nội địa khi hàng nhập khẩu lại chất lượng và rẻ hơn? Đồng nghĩa với mất việc làm ở các nước giàu, tăng trưởng không đồng đều - thương mại tự do khiến một số người giàu hơn nhưng cũng làm cho người khác nghèo hơn.
j) Tất cả sẽ kết thúc như thế nào?
Không có câu trả lời cụ thể cho câu hỏi này. Quyết định của ông Trump áp thuế lên hàng nhập khẩu Trung Quốc có thể dẫn đến những tác động bất lợi cho người tiêu dùng cả ở Mỹ và Trung Quốc và trên toàn thế giới.
Một cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không có lợi cho bất kỳ ai hết.
Bản chất của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Bản chất sâu xa của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay không đơn thuần là vấn đề thương mại nằm ở mấy chục tỷ hàng hóa bị đánh thuế.
Giáo sư kinh tế trường Đại học Trung Văn Hương Cảng cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung thực ra không phải về thương mại. Cuộc chiến này được hai yếu tố phát triển quan trọng về dài hạn thúc đẩy. Thứ nhất là cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc để giành vị trí thống lĩnh kinh tế, công nghệ trên thế giới. Thứ hai là sự trỗi dậy của tâm lý bảo hộ, cô lập, dân túy trên thế giới nói chung và ở Mỹ nói riêng.
Cũng trên tờ DW (Đức), giáo sư kinh tế quốc tế trường Đại học Hamburg, ông Thomas Straubhaar nhận định cuộc chiến thương mại hiện nay chỉ là dấu hiệu dễ thấy nhất của một cuộc chiến lớn hơn nhiều trong cuộc chạy đua giành quyền lực và tầm ảnh hưởng trong thế kỷ 21. Điều mà chúng ta thấy là cuộc xung đột giữa hai quốc gia về mặt địa chính trị, giữa một bên là “American First” (Nước Mỹ trên hết) và một bên là “Made in China” (Sản xuất tại Trung Quốc).
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Trung Quốc đã tăng vọt từ chỗ chỉ tương đương 20% GDP Mỹ năm 2000 lên tương đương 2/3 GDP năm 2017 và có thể bắt kịp Mỹ trước năm 2030 nếu đà hiện nay tiếp tục.
Trong bối cảnh hai bên liên tục áp đặt các mức thuế cao với số hàng hóa trị giá hàng chục tỷ của đối phương, chưa có dấu hiệu gì cho thấy cuộc chiến có thể hạ nhiệt. Dù đều là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhưng cả hai sẽ không để WTO cản bước.
Khi các biện pháp áp thuế không còn nhiều tác dụng, Mỹ và Trung Quốc sẽ dùng “súng” to hơn: thao túng tỷ giá hối đoái.
Không phải ngẫu nhiên mà đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã mất 7% giá trị so với đồng USD chỉ trong vài tuần. Đồng nhân dân tệ giảm giá chính là một công cụ bảo hộ mạnh mẽ vì nó có thể khiến mức thuế trừng phạt mà Mỹ áp đặt trở nên gần như là vô hại.
Mức giảm giá nhân dân tệ này hỗ trợ mạnh cho hàng xuất khẩu Trung Quốc tại mọi thị trường mà hàng Trung Quốc có mặt. Do đó, đồng nhân dân tệ giảm giá có nghĩa là tác động của mức thuế mà Tổng thống Trump áp đặt bị vô hiệu hóa.
Cạnh tranh công nghệ
Ngoài kinh tế, Mỹ còn muốn nhằm vào ngành công nghệ cao của Trung Quốc – nước đã vạch ra chiến lược quốc gia “Made in China 2025” (Sản xuất tại Trung Quốc năm 2025). Chiến lược này nhằm xây dựng 10 ngành quan trọng về mặt công nghệ và chiến lược như mạng 5G, an ninh mạng, công cụ chính xác, robot học, không gian vũ trụ...
Phần lớn những lĩnh vực này đều là lĩnh vực độc quyền của các công ty phương Tây, nhất là Mỹ. Do đó, Trung Quốc phát động chiến lược quốc gia để thúc đẩy ngành công nghệ cao trong nước có thể đặt ra mối đe dọa với thế thống trị của Mỹ trong những ngành trên.
Tấn công mô hình phát triển
Ngoài kinh tế và công nghệ, khi phát động chiến tranh thương mại, Mỹ có thể cũng đang nhằm vào mô hình nhà nước phát triển của Trung Quốc mà nhiều người ở Mỹ coi là một mối đe dọa với hệ thống thị trường tự do.
Nền kinh tế Trung Quốc do thị trường điều tiết xét về nhiều mặt nhưng nhiều cấu phần quan trọng của nền kinh tế kế hoạch vẫn được duy trì.
Với mô hình nhà nước phát triển này, Chính phủ Trung Quốc có thể củng cố nhiều ngành, gồm cả các ngành công nghệ cao thông qua các hình thức hỗ trợ như trợ cấp. Do đó, cuộc chiến thương mại có thể được coi là đòn tấn công vào mô hình phát triển của Trung Quốc.
Chiến thanh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến nền kinh tế khu vực Đông Nam Á
Các công ty khởi nghiệp Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, đang chuyển hướng sang các thị trường Đông Nam Á, bỏ qua thị trường Mỹ nhằm tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong chuyến công tác mới đây đến châu Á, cô Betty Liu, một giám đốc điều hành tại Sở giao dịch chứng khoán New York, cho biết tình hình các doanh nghiệp ở đây đang tiếp tục có sự "xáo trộn", song nhìn chung các doanh nghiệp đều ngày càng để mắt đến tốc độ tăng trưởng của thị trường Đông Nam Á.
Cô Liu nhận định rằng: "Đông Nam Á là một trong những khu vực từng được thăm dò trước kia, nhưng hiện giờ lại trở thành tâm điểm mới. Hiện giờ các doanh nghiệp Trung Quốc cho rằng thị trường Mỹ đang trở nên thách thức hơn do vậy họ quay sang các thị trường Đông Nam Á bởi một khu vực mới có thể giúp họ đa dạng hóa thị trường thay vì chỉ tập trung vào Mỹ, hay chỉ châu Âu hoặc các thị trường phát triển khác".
Theo cô Liu, sự dịch chuyển này có thể sẽ tạo ra thách thức cho thị trường Mỹ những năm tới trong việc thu hút thêm các doanh nghiệp niêm yết từ Trung Quốc vốn được coi là động cơ tăng trưởng cho sàn giao dịch chứng khoán New York.
Các doanh nghiệp công nghệ của Trung Quốc có xu hướng niêm yết trên sàn chứng khoán với tốc độ nhanh hơn những năm gần đây. Tính từ đầu năm đến cuối tuần trước, 58 doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đã huy động được hơn 20 tỷ USD để phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tuy nhiên, các công ty này chọn niêm yết tại các thị trường ngoài Mỹ khi ngày càng có nhiều thị trường trở nên hấp dẫn hơn.
Ví dụ, những năm gần đây, sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong đã nới lỏng các quy định về niêm yết để thu hút thêm một số vụ IPO lớn trong ngành công nghệ. Hồi tháng 7/2018, công ty sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi của Trung Quốc đã huy động được 3 tỷ USD khi niêm yết trên sàn Hong Kong.
Mặc dù sàn chứng khoán New York vẫn thu hút một số thương vụ niêm yết lớn từ Trung Quốc, nhưng giới đầu tư Mỹ lo ngại hoạt động này trong lĩnh vực công nghệ khó giữ được đà do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đặc biệt lo ngại sự chuyển hướng của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc trong bối cảnh hai nước cạnh tranh vai trò thống trị trong lĩnh vực như trí thông minh nhân tạo, tự động hóa, khoa học đời sống.
Sự cạnh tranh này phần nào thể hiện qua căng thẳng Mỹ - Trung sau vụ việc Washington đề nghị Canada bắt giữ giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu hôm 1/12 với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ. Huawei là một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất thế giới của Trung Quốc. Mỹ cáo buộc các sản phẩm viễn thông của Huawei có thể là công cụ tình báo cho chính phủ Trung Quốc
Ảnh hưởng của nền kinh tế Việt Nam trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung
Kinh tế thế giới ổn định kéo theo sự ổn định chung, trong đó có Việt Nam
Mặc dù được dự báo ẩn chứa nhiều yếu tố bất định sau những diễn biến về chính trị trong năm 2016 nhưng kinh tế thế giới năm 2017 cho thấy xu thế tăng trưởng ổn định hơn ở hầu hết các nền kinh tế. Cụ thể, tại Mỹ, tăng trưởng kinh tế liên tục được cải thiện với mức tăng trong quý II và quý III/2017 đều vượt 3% mức tăng trưởng cao nhất trong 3 năm qua, trái với những dự báo về tác động của hai siêu bão Harvey và Irma gây ra với nền kinh tế Mỹ.
Tăng trưởng kinh tế Mỹ chủ yếu đến từ gia tăng tiêu dùng, đầu tư của các doanh nghiệp (DN), chi tiêu của Chính phủ Liên bang và xuất khẩu. Những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế đã tạo điều kiện cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục điều chỉnh tăng lãi suất, đồng thời nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong năm 2018.
Tại Liên minh châu Âu (EU), kinh tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ, chứng kiến chuỗi tăng trưởng dương trong 4 năm liên tiếp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sự phục hồi này dẫn đến Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ các quốc gia trong khu vực Eurozone. Trái lại, tăng trưởng kinh tế Anh liên tục suy giảm và phải trả lại vị trí thứ 5 trong số các nền kinh tế phát triển cho Pháp. Nguyên nhân của sự suy giảm này là do lạm phát gia tăng và lo ngại về tác động của tiến trình Brexit cũng như thất bại của Thủ tướng Anh Theresa May tại cuộc bầu cử sớm.
Tại châu Á, xu hướng tăng trưởng ổn định được duy trì ở Nhật Bản, với mức tăng trưởng dương trong 7 quý liên tiếp, đồng thời là chuỗi tăng trưởng dài nhất trong hơn một thập kỷ trở lại đây. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vẫn nỗ lực thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ nhằm đạt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2019. Sự thiếu hụt nguồn cung lao động là một vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế Nhật Bản, khi số người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm trong khi nhu cầu lao động ngày một gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều quý liên tiếp. Mặc dù vậy, những rủi ro về nợ của nền kinh tế nước này ngày một gia tăng khi tín dụng liên tục tăng cao trong một thời gian dài. Hai tổ chức đánh giá tín nhiệm S&P và Moody’s đã nhiều lần lượt hạ điểm tín nhiệm rủi ro tiềm ẩn về kinh tế tài chính của quốc gia này.
Những quốc gia trong nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) cho thấy, sự khác biệt trong xu hướng tăng trưởng. Trong khi kinh tế Nga và Brazil thể hiện sự phục hồi rõ nét thì Ấn Độ lại liên tục suy giảm, đạt mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng vài năm trở lại đây từ quý II/2017. Bên cạnh đó, các nền kinh tế trong khu vực ASEAN vẫn tiếp tục khởi sắc, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh của cả tiêu dùng nội địa và quốc tế lẫn đầu tư. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng kinh tế của các nước ASEAN-5 sẽ vẫn duy trì mức trên 5% trong cả hai năm 2017 và 2018.
Thị trường hàng hóa thế giới cho thấy, sự phục hồi về giá các mặt hàng năng lượng và sự ổn định của giá lương thực thế giới vào những tháng cuối năm 2017. Thị trường chứng khoán thế giới không ngừng tăng tốc và liên tiếp thiết lập các kỷ lục mới. Giá của các loại tiền ảo cũng gia tăng mạnh trong suốt cả năm qua, gây ra lo ngại về “bong bóng” tài chính có thể xảy ra. Trong khi đó, đồng USD có một năm đáng quên khi giảm giá đến 7% (mức giảm mạnh nhất trong một thập kỷ vừa qua). Giá vàng có xu hướng biến động ngược chiều với giá USD nhưng không biến động nhiều và chỉ bắt đầu tăng trở lại sau quyết định tăng lãi suất của Fed
Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2017 và triển vọng năm 2018
Năm 2017 khép lại, cùng với xu thế chung của kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định về mặt vĩ mô. Trong đó, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, chủ yếu đến từ sự đóng góp của xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Lạm phát được kiềm chế ở mức thấp dưới 4%, đến từ sự chủ động trong chính sách điều hành, kiểm soát chặt chẽ giá cả… Mặc dù đạt được kết quả tích cực nhưng việc duy trì được đà tăng trưởng cũng như ổn định vĩ mô trong năm 2018 vẫn là một thách thức lớn khi nhiều vấn đề nội tại của nền kinh tế đang đòi hỏi cần tiếp tục được giải quyết triệt để.
a) Kinh tế trong nước phục hồi ấn tượng
Năm 2017, kinh tế Việt Nam cho thấy một dấu hiệu khởi sắc hơn với mức tăng trưởng cả năm 2017 đạt 6,81%, vượt chỉ tiêu do Quốc hội đề ra. Trong đó, tăng trưởng quý III và quý IV/2017 đạt mức cao “ấn tượng” lần lượt là 7,46% và 7,65% cao nhất trong vòng 7 năm và cao hơn nhiều so với cùng kỳ các năm trước đó.
Khu vực nông, lâm, ngư nghiệp cho thấy, sự phục hồi rõ rệt nhất khi tăng trưởng cả năm đạt 2,90% (cao hơn đáng kể so với mức tăng của hai năm trước đó). Trong khu vực này, ngành thủy sản và lâm nghiệp đạt mức tăng lần lượt là 5,54% và 5,14%. Trong khi đó, tình trạng mưa lũ trên diện rộng khiến nông nghiệp chỉ tăng trưởng ở mức khiêm tốn 2,07%.
Khu vực dịch vụ cũng đóng góp lớn vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, tiếp tục đà tăng trưởng từ năm 2015, với mức tăng 7,44% cả năm 2017. Trong đó, lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm và kinh doanh bất động sản năm 2017 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua, lần lượt đạt 8,14% và 4,07%.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam theo ngành, 2015-2017 (%)
Công nghiệp chế biến chế tạo như mọi năm vẫn luôn là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với mức tăng trưởng lên đến 14,40% trong năm 2017. Trong khi đó, toàn khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục cho thấy, mức tăng trưởng thấp hơn so với hai năm trước, chỉ đạt 8%, chủ yếu đến từ sự suy giảm ngành khai khoáng. Tuy nhiên, trong năm 2017, sự suy giảm này không làm chậm tốc độ tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.
Các chỉ báo sản xuất công nghiệp cũng liên tục cải thiện rõ rệt trong cả năm. Chỉ số sản xuất công nghiệp và tiêu thụ đều đã vượt xa mức trung bình của năm 2016 cho thấy, mức sụt giảm hồi đầu năm chỉ mang tính chất tạm thời. Tính đến hết tháng 12/2017, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,4%, cao nhất trong hai năm trở lại đây. Tương tự, chỉ số tiêu thụ cũng đạt mức tăng trưởng 13,6% tính tới hết tháng 11/2017, trong khi đó, chỉ số tồn kho giảm nhẹ xuống còn 8% vào đầu tháng 12/2017.
Hoạt động của khu vực DN, đặc biệt trong khu vực chế biến chế tạo, tiếp tục khởi sắc trong năm 2017. Chỉ số PMI ghi nhận chuỗi 25 tháng mở rộng liên tiếp của khu vực sản xuất. Đặc biệt, chỉ số này đạt mức kỷ lục 54,6 điểm vào tháng 3/2017. Sự gia tăng của chỉ số PMI cho thấy, sự cải thiện về các điều kiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam.
Tình hình đăng ký DN trong năm 2017 có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước, khi số DN đăng ký hoạt động mới nhiều hơn và số DN tạm ngừng hoạt động cũng thấp hơn. Tính đến hết tháng 12/2017, số lượng DN thành lập mới tăng 15,2% so với năm 2016. Số vốn đăng ký trung bình trên một DN cũng tăng đáng kể ở mức 26,2% và đạt 10,2 tỷ đồng/DN.
So với cùng kỳ năm 2016, tại thời điểm 01/12/2017, số lao động làm việc trong các DN công nghiệp năm 2017 tăng 5,1%, trong đó lao động trong khu vực DNNN được tinh giản 0,7% và lao động trong các DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài lần lượt tăng 3,9% và 6,9%. Ngành khai khoáng và ngành sản xuất, phân phối điện tiếp tục cắt giảm lần lượt 1,1% và 1% lao động.
b) Lạm phát được kiểm soát chặt chẽ
Lạm phát toàn phần trong cả năm 2017 nhìn chung suy giảm mạnh mẽ, mặc dù có sự gia tăng trong hai tháng 8 và 9 do yếu tố mùa vụ. Điều này trái ngược hoàn toàn với xu thế gia tăng liên tục trong năm 2016.
Tại thời điểm tháng 12/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 2,60% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lạm phát lõi được duy trì ở mức ổn định khoảng 1,3% từ tháng 5, giúp cho khoảng cách giữa lạm phát toàn phần và lạm phát lõi ngày càng được thu hẹp.
Nguyên nhân chính khiến lạm phát năm 2017 ở mức thấp đến từ việc giá cả được kiềm chế chặt chẽ và chủ yếu chỉ tăng ở các dịch vụ thiết yếu như giáo dục và y tế. Cụ thể, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế cho đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế, đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 27,79% so với năm 2016. Cùng với đó, giá dịch vụ giáo dục vẫn theo đúng chu kỳ tăng mạnh vào hai tháng 8 và 9/2017, khiến chỉ số giá của nhóm này tăng 7,29%. Mặc dù, liên tục tăng sau các đợt điều chỉnh giá xăng dầu nhưng chỉ số giá của nhóm hàng giao thông tháng 12/2017 cũng chỉ tăng 6,04% so với cùng kỳ năm trước.
c) Thâm hụt ngân sách giảm
Trong nhiều năm qua, bên cạnh những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế và lạm phát, nền kinh tế vẫn tồn tại một số hạn chế lớn có thể gây tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Một trong số đó đến từ việc ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục bội chi trong nhiều năm. Tuy nhiên, năm 2017, Bộ Tài chính đã hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN. Cụ thể:
Tính đến hết ngày 31/12/2017, thu cân đối NSNN ước đạt 1.283,2 nghìn tỷ đồng, vượt 71 nghìn tỷ đồng, vượt 5,9% so dự toán, tăng 43,7 nghìn tỷ đồng so báo cáo Quốc hội đạt mức động viên 25,6% so GDP; trong đó, thuế phí đạt 21% GDP.
Tình hình hoạt động doanh nghiệp (Nghìn DN, Nghìn người)
Về chi NSNN, tính đến ngày 31/12/2017, các nhiệm vụ chi thường xuyên đã cơ bản thực hiện xong theo dự toán, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách; chi đầu tư phát triển từ nguồn NSNN đạt khoảng 75,9% dự toán, vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23,5% dự toán (năm 2016 tương ứng đạt 77% và 45,3% dự toán).
Bội chi NSNN năm 2017 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định (174,3 nghìn tỷ đồng, bằng 3,48% GDP thực hiện). Trên cơ sở kết quả thu và cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai và sử dụng nguồn lực tại chỗ theo quy định, cân đối ngân sách trung ương và các địa phương cơ bản được đảm bảo.
c) Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh
Hoạt động thương mại trong năm 2017 cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Đặc biệt sau ba quý thâm hụt thương mại, quý IV/2017 đã ghi nhận mức xuất siêu 3,17 tỷ USD, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Tính đến hết tháng 12/2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước ước đạt 213,77 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu vẫn chủ yếu đến từ nhóm DN có vốn đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu khu vực này đạt 155,24 tỷ USD, chiếm 72,6% tổng kim ngạch xuất khẩu và tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Xuất khẩu khu vực trong nước cũng có sự cải thiện vượt bậc khi tăng đến 16,2%.
Kim ngạch nhập khẩu cũng đạt mức tăng trưởng 20,8% so với cùng kỳ năm trước và đạt 211,1 tỷ USD. Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 58,5 tỷ USD, tiếp đến là Hàn Quốc với kim ngạch đạt 46,8 tỷ USD. Điều này tiếp tục cho thấy, lượng vốn FDI đến từ Hàn Quốc ngày một lớn hơn vì các DN FDI của nước này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Sự dịch chuyển đối tác nhập siêu từ Trung Quốc sang Hàn Quốc, một quốc gia có trình độ công nghệ cao hơn, có thể là cơ hội để Việt Nam tiếp nhận các tiến bộ công nghệ cao thông qua quá trình điều chỉnh và áp dụng các sản phẩm nhập khẩu.
d) Thị trường tài chính, tiền tệ và thị trường tài sản tiếp tục ổn định
Chính sách tiền tệ trong năm 2017 tiếp tục được thực hiện một cách chặt chẽ và linh hoạt. Dự trữ ngoại hối liên tục tăng cao, đạt 51,5 tỷ USD (trên 2,7 tháng nhập khẩu) vào cuối năm 2017 tạo thêm không gian chính sách cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) can thiệp vào thị trường. Bên cạnh đó, lượng kiều hối tăng trưởng ổn định cũng hỗ trợ cho việc ổn định tỷ giá. Nhờ vào đó, NHNN có thêm không gian để tiếp tục duy trì nới lỏng tiền tệ, giảm lãi suất nhằm thúc đẩy kinh tế.
- Trên thị trường ngoại hối: Tỷ giá danh nghĩa được duy trì ổn định xuyên suốt năm 2017. Nhờ vào lạm phát thấp, lượng cung ngoại tệ dồi dào đến từ sự gia tăng của lượng vốn đầu tư cả trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài, cộng với việc đồng USD liên tục mất giá so với các đồng tiền mạnh khác đã giảm đáng kể sức ép đối với tỷ giá VND/USD tại Việt Nam. Do đó, cả tỷ giá tham chiếu và tỷ giá giao dịch tại các NHTM đều biến động không đáng kể trong suốt nửa sau của năm. Tính tới 31/12/2017, tỷ giá trung tâm giữa tiền VND và USD được NHNN công bố ở mức 22.425 VND/USD, tăng 1,2% so với cuối năm 2016.
- Trên thị trường vàng: Trong khi giá vàng thế giới liên tục biến động mạnh, giá vàng trong nước vẫn luôn ổn định trong suốt cả năm. Mặc dù hai mức giá có xu hướng thu hẹp lại vào quý III/2017, đặc biệt là tiệm cận rất sát nhau trong nửa đầu tháng 9 vào khoảng 36,6 triệu đồng/lượng, nhưng sau đó khi giá vàng thế giới giảm mạnh do chịu sức ép từ đồng USD mạnh lên, khiến giá vàng trong nước và quốc tế lại có sự chênh lệch rõ rệt. Thực tế này tiếp tục cho thấy sự kém liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.
- Thị trường bất động sản cho thấy diễn biến trái ngược tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Trong khi thị trường bất động sản Hà Nội tương đối trầm lắng thì thị trường TP. Hồ Chí Minh lại diễn biến hết sức sôi động, tăng mạnh cả về lượng mở bán và giao dịch thành công. Trên cả hai thị trường, các giao dịch vẫn chủ yếu diễn ra ở phân khúc trung cấp và bình dân.
e) Triển vọng kinh tế 2018: Thách thức đến từ những vấn đề nội tại
2017 có thể nói là một năm thành công của kinh tế Việt Nam khi là năm đầu tiên sau nhiều năm hoàn thành và hoàn thành vượt mức cả 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Quốc hội đề ra. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định cùng với những cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực hơn cho hoạt động kinh doanh trong năm 2018. Đặc biệt, việc tổ chức thành công sự kiện APEC cũng như đạt được thỏa thuận Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới khi niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài liên tục được củng cố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề nội tại cố hửu của nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, cần đặc biệt lưu ý gồm:
Thứ nhất, động lực tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đến từ việc tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, lợi thế về lao động giá rẻ sẽ ngày càng mất đi do tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, sản xuất của ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế tạo chưa tạo ra được những đột phá mới, nông nghiệp vẫn đứng trước nhiều rủi ro lớn do tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, áp lực tăng trưởng cho năm 2018 thực sự là một thách thức lớn.
Thứ hai, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn tiếp tục là vấn đề được dư luận quan tâm. Trong bối cảnh ngày càng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ODA, Việt Nam sẽ cần sử dụng nhiều hơn nguồn nội lực của mình làm động lực cho tăng trưởng.
Thứ ba, việc phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2018 có thể đối mặt với nhiều rủi ro bất định lớn liên quan đến địa chính trị, xu hướng bảo hộ và sự thay đổi ngày càng nhanh của khoa học công nghệ trên thế giới.
f) Bức tranh kinh tế Việt Nam 2018: Dự báo nhiều gam màu sáng
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019.
Trong báo cáo "Tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019", Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá: Triển vọng kinh tế trong nước lạc quan, kế thừa và tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của năm 2017.
- Hoàn thành tốt 12 chỉ tiêu Quốc hội giao:
Trong số 12 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội thông qua cho năm 2018, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch.
Cụ thể, tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6,7%. Tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được phục hồi rõ nét, ước cả năm khoảng 3,3% nhờ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất theo 3 trục sản phẩm. Tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng khoảng 7,59%; tăng trưởng khu vực dịch vụ tiếp tục ở mức 7,35%.
Quy mô GDP theo giá hiện hành cả năm ước đạt khoảng 5.555 nghìn tỷ đồng, quy USD đạt khoảng 240,5 tỷ USD. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.540 USD/người, tăng 6,3%.
Chỉ số giá tiêu dùng CPI những tháng đầu năm cơ bản biến động sát với điều hành của Chính phủ. 8 tháng năm 2018, CPI bình quân được kiểm soát ở mức tăng 3,52% so với cùng kỳ năm 2017. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng tăng 1,38% so với cùng kỳ. Ước cả năm, thực hiện thành công mục tiêu kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng dưới 4% của Chính phủ, vượt mục tiêu Quốc hội giao.
Một con số khác đáng lưu ý là xuất nhập khẩu hàng hoá tăng cao, ước tính tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá cả năm đạt 475 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2017. Mức tăng này được Bộ Kế hoạch Đầu tư đánh giá là rất tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, vượt mục tiêu Quốc hội giao (7-8%) và vượt mục tiêu của Chính phủ (8-10%). Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm ước đạt 237 tỷ USD, tăng 12,3%.
Cả năm ước xuất siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng 0,4%, vượt mục tiêu Quốc hội giao nhập siêu dưới 3%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội (theo giá hiện hành) thực hiện 6 tháng đầu năm ước đạt 747,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2017. Cả năm ước đạt 1.890 nghìn tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2017 và bằng 34% GDP, đạt mức cao mục tiêu Quốc hội giao (33-34%).
Bên cạnh đó còn có thể dẫn chứng một loạt con số để khẳng định xu thế tích cực của nền kinh tế trong 2/3 chặng đường vừa qua của năm 2018. Đó là tình hình đăng ký kinh doanh tiếp tục khởi sắc.
Tính chung 8 tháng, cả nước có 87.448 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 878,6 nghìn tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2017, tăng 2,4% về số doanh nghiệp (cùng kỳ tăng 16,3%) và tăng 6,9% về số vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, có 20.942 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm lên gần 108,4 nghìn doanh nghiệp.
Ước cả năm, cả nước có khoảng 130 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 2,5% so với năm 2017.
g) Hé lộ bức tranh kinh tế năm 2019
Trên cơ sở dự báo tình hình kinh tế - xã hội 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã bắt đầu phác họa kế hoạch năm 2019. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến tổng sản phẩm trong nước GDP tăng khoảng 6,6 - 6,8% so với năm 2018. Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4-5%.
Dự kiến, khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2019 đạt khoảng 2.036 - 2.097 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7,7-11% so với năm 2018, bằng khoảng 33-34% GDP.
Xuất khẩu hàng hóa năm 2019 dự kiến đạt khoảng 256 tỷ USD, tăng khoảng 7-8% so với năm 2018; nhập khẩu hàng hóa dự kiến đạt khoảng 261 tỷ USD, tăng khoảng 10%; nhập siêu khoảng 5 tỷ USD, chiếm dưới 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16% so với năm 2018; dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 15-17%; điều hành chính sách lãi suất và tỷ giá linh hoạt, thận trọng, phù hợp với diễn biến thị trường và các cân đối kinh tế vĩ mô; tăng cường dự trữ ngoại hối; đảm bảo tính thanh khoản và an toàn hệ thống của các tổ chức tín dụng.
Dự báo cán cân thanh toán quốc tế năm 2019 tăng trưởng ổn định và cán cân tổng thể dự kiến thặng dư khoảng 11 tỷ USD, tương đương với năm 2018.
Mặc dù đưa ra những con số lạc quan nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu tâm một số rủi ro, thách thức tới nền kinh tế Việt Nam năm 2019 như chịu ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại giữa các quốc gia, nền kinh tế lớn kết hợp với yếu tố rủi ro địa chính trị, xu hướng bảo hộ thương mại nội địa, chủ nghĩa dân tuý.
Bên cạnh đó là những thách thức đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế như trình độ công nghệ thấp, đất đai, tài nguyên đang dần bị suy giảm; Trình độ phát triển khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế có vốn người ngoài còn chênh lệch, nhất là trong xuất nhập khẩu.
Động lực tăng trưởng truyền thống của nền kinh tế trong nhiều năm qua là vốn đầu tư và công nghiệp khai khoáng không còn nhiều dư địa, đang dần được thay thế bởi công nghiệp chế biến, chế tạo.
Tuy nhiên, hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn nằm trong phân khúc có giá trị gia tăng thấp (dệt may, da giày, lắp ráp máy vi tính, điện thoại), khu vực FDI trong các năm 2019-2020 chưa có các dự án sản xuất quy mô lớn đi vào hoạt động có thể hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng như năm 2017, 2018 (với các dự án của Samsung, Formosa, Nghi Sơn).
Diễn biến thị trường ngoại hối khó lường. Chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế chủ chốt (Mỹ - Trung Quốc – EU) diễn ra căng thẳng hơn, các quốc gia có xu hướng tiếp tục phá giá đồng nội tệ của mình so với các đồng tiền mạnh (USD, EUR,…) để hạn chế thiệt hại, đặc biệt là Trung Quốc - có thể nước này sẽ mạnh tay phá giá đồng nội tệ để tạo cạnh tranh thương mại.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh đó, Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực, diễn biến tỷ giá VND/USD sẽ trở nên khó lường hơn, điều này ảnh hưởng rất lớn tới xuất khẩu và sau đó là tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, việc Fed đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất trước đó, đồng thời dự kiến tăng lãi suất 3 lần trong năm 2019, và thanh khoản ngân hàng, nhập siêu và dòng vốn gián tiếp vẫn là những ấn số cho thị trường ngoại hối những tháng cuối năm
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Việt Nam sẽ hưởng lợi
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến một số quốc gia rơi vào thế kẹt, điển hình như Canada. Nhưng cũng có nước hưởng lợi và theo Forbes thì Việt Nam sẽ sẽ có một số thuận lợi nhất định dù không phải một sớm một chiều.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung năm 2018 đang cản trở xuất khẩu của Trung Quốc. Hàng rào thuế quan mà Mỹ áp dụng trong năm nay đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc là một cú đánh trực diện đối với các nhà máy sản xuất của Trung Quốc vốn nhắm vào người tiêu dùng Mỹ. Thêm áp lực đối với Trung Quốc là Việt Nam - với chi phí rẻ hơn - đang trở thành nơi hút đi các nguồn đầu tư tiềm năng. Thậm chí, các nhà phân tích cho biết nhiều công ty đa quốc gia đang muốn tìm đến Việt Nam để họ có thể xuất khẩu hàng hóa được miễn giảm thuế.
a) Thuận lợi của Việt Nam
Việt Nam đang cải cách thủ tục hành chính để việc đầu tư trở nên dễ dàng, chi phí lao động thấp hơn ở Trung Quốc và nước này đang trong quá trình ký kết các thỏa thuận thương mại tự do. Trong lúc đó, nhiều công ty đa quốc gia lại đang tìm kiếm các địa chỉ đầu tư phù hợp, đồng thời hy vọng vẫn tiếp cận được với thị trường tiêu thụ Trung Quốc.
Các nhà đầu tư nước ngoài có một cảm giác rằng Việt Nam là điểm đến thay thế số 1.
Công ty Foxconn Technology, nhà lắp ráp gia công đồ điện tử lớn nhất thế giới, bao gồm cả iPhone, có thể sẽ tìm đến Việt Nam. Công ty Đài Loan này, nơi đã điều hành một loạt các nhà máy lớn ở Trung Quốc, đang đàm phán với thành phố Hà Nội về việc thành lập một nhà máy iPhone để giảm tác động của cuộc chiến thương mại, theo báo cáo của Vietnam Investment Review.
Vào tháng 10, truyền thông Việt Nam đưa tin rằng GoerTek có trụ sở tại Trung Quốc đã lên kế hoạch chuyển sản xuất tai nghe không dây từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh căng thẳng thương mại leo thang. Nhà sản xuất phụ tùng xe đạp Trung Quốc Hl Corp hồi tháng 8 đã nói với các nhà đầu tư rằng thuế quan cũng ảnh hưởng đến quyết định chuyển sản xuất sang Việt Nam.
Việt Nam không thiếu lợi thế. Thặng dư thương mại Việt Nam với Mỹ đạt 35,8 tỉ USD với tổng xuất khẩu đạt 46,5 tỉ USD, nhưng Washington không coi đó là sự chênh lệch.
Việt Nam đang quyết tâm phát triển sau nhiều thập niên chịu ảnh hưởng từ chiến tranh, đã thu hút đầu tư từ nước ngoài bằng cách giữ chi phí lao động ở mức thấp. Hơn nữa, Việt Nam có vị trí lý tưởng cho vận tải biển và có biên giới đất liền giáp với Trung Quốc nên từ đó vẫn rất thuận lợi để đưa hàng hóa vào thị trường đông dân nhất thế giới. Nền kinh tế Việt Nam nói chung đã khởi sắc kể từ khi nước này dập tắt các vấn đề kinh tế vĩ mô xuất hiện sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lúc này, Việt Nam đang nỗ lực hoàn tất hiệp ước thương mại tự do với Liên minh châu Âu và với 10 quốc gia vành đai Thái Bình Dương (Pacific Rim).
b) Không phải một sớm một chiều
Đầu tư trực tiếp nước ngoài thực sự đã giải ngân tại Việt Nam vào tháng trước với tổng trị giá 1,4 tỉ USD, đó là sự tụt giảm nếu so với cùng kỳ năm trước là 1,8 tỉ USD. Đăng ký đầu tư trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 23,18 tỉ USD, giảm 16% so với năm trước, Fiachra MacCana, trưởng phòng nghiên cứu của một công ty môi giới chứng khoán TP.HCM cho biết. Điều này cho thấy việc chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam vẫn chỉ là các dấu hiệu chứ chưa thành tiền tươi thóc thật ngay lập tức.
Nhiều nhà đầu tư đã trì hoãn vì vẫn lo lắng các cơ chế thiết lập một nhà máy tại Việt Nam, các nhà phân tích thực địa cho biết. Trong đó lo lắng lớn nhất là thời gian để có được giấy phép cần thiết cũng như khó tìm thấy mặt bằng và lao động chuyên môn đối với một số loại hình sản xuất.
Ngoài ra, một số công ty vẫn còn tâm lý muốn giữ chân ở thị trường Trung Quốc nên chưa sẵn sàng rút các cơ sở sản xuất khỏi thị trường này, theo phân tích của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates.
Tận dụng cơ hội từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung
Bộ Công Thương cũng nhận định, việc ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP… chính là cơ hội thu hút đầu tư và thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng da giày sang các thị trường châu Âu và khối CPTPP. Theo đó, dòng vốn đầu tư vào dệt may và da giày sẽ tăng cao do tiềm năng lớn nhờ hiệu ứng của các FTA và bản thân Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất. Căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng có thể dẫn đến việc dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam, dù chưa chắc chắn.
Bên cạnh những cơ hội và triển vọng, theo Bộ Công Thương, một trong những thách thức lĩnh vực dệt may và da giày đang gặp phải, đó là, chi phí đầu vào tiếp tục có xu hướng tăng như: lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, chi phí điện, nước. Cùng với đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ ở nhiều ngành nghề tác động đến các doanh nghiệp thuộc ngành dệt may. Ngoài ra, còn có rủi ro từ việc Mỹ sẽ truy xuất nguồn gốc nguyên liệu của sản phẩm may mặc nhập khẩu từ các quốc gia khác và áp thuế bổ sung nếu sản phẩm may mặc từ quốc gia đó có nguồn gốc nguyên liệu từ Trung Quốc.
Từ những khó khăn trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp trong ngành nên tăng cường chuyển hướng sử dụng nguyên liệu từ nguồn trong nước và các nước khác, thay vì chủ yếu dựa vào nguồn từ Trung Quốc, chủ động ứng phó hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới...
Bên cạnh dệt may, da giày, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được xem là cơ hội lớn cho ngành sản xuất gỗ Việt Nam gia tăng số lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Ông Tim Liston, Phó Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam khẳng định, với tình hình leo thang căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, cơ hội cho hàng hóa từ Việt Nam sang Mỹ cũng như chiều giao thương ngược lại đều rất tốt. Chỉ cần nắm được các nguyên tắc khi làm ăn tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chế biến gỗ nói riêng chắc chắn sẽ có nhiều lợi thế bởi ngoài vị trí địa lý tương đồng, Việt Nam còn có nhiều thế mạnh đến từ các hiệp định thương mại của khu vực. Bởi Mỹ đang mở rộng cửa cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường.
Ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nội lực công nghiệp đồ gỗ và nội thất Việt Nam hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của thị trường thế giới. Việt Nam sẽ nỗ lực trong 7 – 8 năm nữa trở thành quốc gia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu đồ nội thất, chỉ sau Trung Quốc. Tuy nhiên, ông cho hay ngành gỗ Trung Quốc vốn không còn được Chính phủ chủ trương ưu ái phát triển. Việc vướng phải những rào cản thương mại từ thị trường Mỹ cũng khiến quốc gia đứng đầu xuất khẩu sản phẩm gỗ thế giới mất dần lợi thế sang Việt Nam.
KẾT LUẬN
Việt Nam đang trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu đủ loại mặt hàng - từ giày dép đến điện thoại thông minh. Điều này sẽ khiến kim ngạch thương mại của Việt Nam cao gấp đôi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á, ngoại trừ Singapore.
Với nhiều yếu tố hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể giành lấy một số thị phần của Trung Quốc ở các lĩnh vực sản xuất cần nhiều lao động. Cụ thể, công nhân sản xuất ở Việt Nam được trả lương trung bình 216 USD/tháng, chưa bằng một nửa so với chi phí công nhân cùng ngành nghề tại Trung Quốc.
Nhờ trợ cấp của chính phủ, giá điện tại Việt Nam đang rẻ hơn nhiều so với tại Indonesia và Philippines với lợi thế Việt Nam là một trong những quốc gia có lực lượng lao động lớn nhất châu Á với 57,5 triệu người, cao hơn nhiều so với 15,4 triệu người ở Malaysia hay 44,6 triệu người ở Philippines.
Nếu Việt Nam tạo điều kiện hơn nữa để giúp các nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dễ dàng hơn với việc đề xuất luật chứng khoán cho phép cá nhân, tổ chức người nước ngoài sở hữu 100% một công ty đại chúng - trừ những lĩnh vực bị hạn chế như ngân hàng và viễn thông.
Đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang tăng mạnh với việc chính phủ kỳ vọng nguồn vốn FDI được giải ngân lên tới 18 tỷ USD trong năm nay.
Vị trí địa lý gần Trung Quốc cũng giúp gia tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Các công ty Trung Quốc cần nguyên liệu thô hoặc linh kiện sản phẩm từ Mỹ có thể dễ dàng tìm nguồn hàng này từ Việt Nam.
Việt Nam lại là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở Đông Nam Á trong bối cảnh hai quốc gia này đang ngày càng đóng vai trò trung tâm hơn trong chuỗi sản xuất của nhau.
Với nền chính trị ổn định, Việt Nam tự hào là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, dự báo sẽ tăng trưởng với mức 7% trong năm nay. Trong năm 2018, tiền đồng của Việt Nam cũng tương đối ổn định so với các loại tiền tệ khác ở châu Á. Đối với các nhà đầu tư, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định chính trị là những điều quan trọng nhất.
Khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gia tăng, trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã có sự dịch chuyển. Nhiều công ty đa quốc gia trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường lao động Trung Quốc đã cân nhắc xây dựng nhà xưởng sản xuất ở những nước khác như Việt Nam vì những lợi thế như giá nhân công lao động và tránh bớt những rủi ro do đối đầu thương mại Mỹ - Trung.
Để tận dụng hiệu quả các cơ hội và muốn thành công như Trung Quốc trong 2 thập kỷ qua, Việt Nam cần phải nhắm tới mục tiêu trở thành nơi sản xuất hàng công nghệ cao. Để làm được điều này, Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao./.
Bài viết được tổng hợp từ:
1. Kinh tế Việt Nam: Nhìn lại năm 2017 và triển vọng năm 2018, Tạp chí điện tử Tài chính, ngày 15/02/2018
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/kinh-te-viet-nam-nhin-lai-nam-2017-va-trien-vong-nam-2018-135405.html
2. Những điều cần biết về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Báo Kinh doanh của Zing.vn, ngày 08/07/2018
https://news.zing.vn/10-dieu-can-biet-ve-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-post858021.html
3. Chiến tranh thương mại: Mỹ sẽ mất gì, Trung Quốc sẽ được gì ?, Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 13/07/2018
http://baoquocte.vn/chien-tranh-thuong-mai-my-se-mat-gi-trung-quoc-se-duoc-gi-74242.html
4. Khi nào chiến tranh thương mại Mỹ-Trung sẽ chấm dứt ?, Báo VietNamNet, ngày 24/09/2018
http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/khi-nao-chien-tranh-thuong-mai-my-trung-se-cham-dut-479450.html
5. Đàm phán thương mại Mỹ - Trung sẽ nối lại vào tháng 01/2019, Báo Vneconomy, ngày 19/12/2018
http://vneconomy.vn/dam-phan-thuong-mai-my-trung-se-noi-lai-vao-thang-1-2019-2018121909443404.htm