Tổ chức xây dựng và điều hành Chính sách tiền tệ
Tổ chức xây dựng Chính sách tiền tệ
Luật Ngân hàng Nhà Nước quy định: Ngân hàng Nhà Nước có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các Bộ Ngành liên quan khác xây dựng (soạn thảo) Chính sách tiền tệ quốc gia để trình Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định. Như vậy, để xây dựng được Chính sách tiền tệ, một mình ngành ngân hàng không thể đảm đương được, mà cần có sự phối hợp với các Bộ Ngành khác. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà Nước phải là đơn vị chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ về nội dung Chính sách tiền tệ quốc gia.
Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định và giám sát việc thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia. Chính phủ tổ chức thực hiện Chính sách tiền tệ quốc gia, quyết định lượng tiền cung ứng bổ sung hàng năm, mục đích sử dụng số tiền ấy và định kỳ báo cáo Quốc hội.
Để tư vấn cho Chính phủ trong việc quyết định các vấn đề liên quan về xây dựng và tổ chức thực hiện Chính sách tiền tệ, Chính phủ thành lập hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia gồm: Chủ tịch là Phó thủ tưởng Chính phủ, Uỷ viên thường trực là Thống đốc Ngân hàng Nhà Nước, các ủy viên khác là thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ thương mại, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trưởng ban vật giá Chính phủ, Tổng cục trưởng tổng cục thống kê và một số chuyên gia trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.
Điều hành Chính sách tiền tệ
Hằng năm Quốc hội sẽ quyết định chỉ tiêu về lạm phát trên cơ sở đệ trình của cơ quan Chính phủ. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng Chính sách tiền tệ cho phù hợp với mục tiêu đề ra. Và Quốc hội sẽ giám sát việc thực thi Chính sách tiền tệ này.
Mục tiêu
- Kiểm soát lạm phát.
- Ổn định giá trị đồng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Đảm bảo sự ổn định hệ thống ngân hàng.
Các công cụ của Chính sách tiền tệ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ. Các công cụ này không sử dụng riêng lẻ mà được sử dụng một cách hài hòa, hợp lý nhằm giúp Chính sách tiền tệ có thể đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Th.S Phạm Thị Uyên Thi – Khoa QTKD