Tình hình giải quyết nợ xấu hiện nay
Tính đến ngày 28/10/2013, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu của các ngân hàng với số dư nợ gốc 9.887 tỷ đồng và giá mua là 8.200 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC mua khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu.
Ngoài ra, tốc độ phát sinh nợ xấu chậm lại là kết quả của việc hệ thống ngân hàng đã kiên trì giữ “chuẩn tín dụng” trong các khoản cho vay mới để kiềm chế nợ xấu gia tăng, đồng thời chủ động XLNX còn tồn đọng như: triển khai các giải pháp thu hồi nợ, xử lý tài sản bảo đảm...; cơ cấu lại nợ để hỗ trợ DN tiếp cận được vốn vay phục vụ sản xuất; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập dự phòng tạo nguồn XLNX.
Theo báo cáo mới nhất của các TCTD, đến cuối tháng 8/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 142,27 nghìn tỷ đồng chiếm 4,64% tổng dư nợ, tăng 20,15% so với cuối năm 2012. Như vậy, tốc độ tăng của nợ xấu đã giảm đáng kể, chỉ bằng 1/3 so với 8 tháng đầu năm 2012 (tăng 59,2%).
Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn thu từ hoạt động tín dụng, nhưng công tác trích lập dự phòng rủi ro cũng được các TCTD đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, tổng số nợ xấu đã được các TCTD xử lý và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013 đã đạt 95,1 nghìn tỷ đồng, mà nếu không có nguồn này thì nợ xấu toàn hệ thống đến nay có thể lên tới 237,37 nghìn tỷ đồng và chiếm 7,51% tổng dư nợ.
Bên cạnh các giải pháp XLNX nêu trên, các TCTD đã triển khai các biện pháp khác nhằm phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới gia tăng và nâng cao chất lượng tín dụng như củng cố, chấn chỉnh các chính sách, quy trình, thủ tục cấp tín dụng và quản lý tín dụng.
Đặc biệt, các NHTM đã bổ sung nhân lực nâng cao năng lực phân tích, thẩm định tín dụng và quản trị rủi ro tín dụng. Mặt khác, các mục tiêu về tốc độ tăng trưởng, bố trí cơ cấu tín dụng cũng được các TCTD điều chỉnh theo hướng tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên và các đối tượng khách hàng có mức độ rủi ro thấp...
Nợ xấu sẽ ở mức an toàn vào năm 2015
Điều rất đáng ghi nhận là trong quá trình XLNX vừa qua, các TCTD phải “tự thân vận động”, không có nguồn lực tài chính hỗ trợ từ bên ngoài; đồng thời vẫn bảo đảm cũng ứng vốn cho nền kinh tế với lãi suất giảm nhanh.
Song, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức cầu chưa được cải thiện nhiều, tỷ lệ hàng tồn kho lớn, tình hình nợ xấu còn tiềm ẩn diễn biến phức tạp khi nợ xấu, dù có giảm về tốc độ, nhưng vẫn nằm trong xu hướng tăng trong 8 tháng đầu năm 2013.
Tuy nhiên, theo một lãnh đạo của NHNN nhận định, với nguồn dự phòng rủi ro đã trích lập hiện có, việc đưa VAMC vào hoạt động, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện các giải pháp kinh tế vĩ mô như giải quyết hàng tồn kho, khai thông thị trường bất động sản, tái cơ cấu đầu tư... thì nợ xấu của hệ thống ngân hàng có khả năng bắt đầu giảm từ cuối năm 2013 và đạt mức an toàn vào cuối năm 2015.
CH Huỳnh Lê Bảo Như