TÍNH CẤP THIẾT CỦA VIỆC GẮN KẾT GIỮA TRƯỜNG ĐẠI HỌC VỚI DN
Liên kết giữa trường ĐH và DN với mục tiêu chính là tận dụng những điều kiện của đối tác như nhà trường cần nguồn vốn đóng góp của DN để thực hiện các dự án nghiên cứu và về phía DN có thể áp dụng các kết quả nghiên cứu vào giải quyết các vấn đề thực tế tại DN (Wheelen và Hunger, 2004) [74].
Liên kết giữa trường ĐH và DN đã làm tăng một lượng lớn bằng phát minh sáng chế của trường được chuyển giao cho các DN theo hình thức chuyển giao sản phẩm khoa học công nghệ. Theo các trường ĐH tại Mỹ (Lee 1998) [54], khi thực hiện liên kết với DN, liên quan đến hai vấn đề là nguồn vốn tài trợ cho nghiên cứu và quyền sở hữu trí tuệ. Trong quá trình hợp tác, sự hỗ trợ của nhà nước rất quan trọng nhằm thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa trường và DN, từ đó góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, đôi khi một số trường cũng chưa sẵn lòng hợp tác với DN nếu họ cho rằng liên kết này chỉ phục vụ cho việc tạo ra lợi nhuận cho DN. Và việc giữ gìn quyền sở hữu trí tuệ là giá trị chủ đạo của trường, nhưng càng liên kết chặt chẽ với DN thì giá trị chủ đạo này của trường càng bị giảm (Ervin và các cộng sự, 2002; W00, 2003) [47]. Nguồn vốn phục vụ nghiên cứu là lý do chính mà các trường thực hiện hợp tác R&D với DN, do đó khi xây dựng chính sách cần quan tâm đến cấu trúc thuế cho hoạt động R&D, từ đó DN có thể tăng chi phí đầu tư với các trường, các hình thức đầu tư có thể đa dạng như đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm và trao học bổng cho sinh viên (Lawrence Dooley và các cộng sự, 2007) [53].
Công nghệ mới ngày càng phức tạp gây rất nhiều khó khăn cho DN trong việc chuẩn bị nguồn lực và năng lực cần thiết cho quá trình đổi mới công nghệ và thương mại hóa thành công (Woo, 2003) [75]. Do đó, một số DN đã liên kết với các trường ĐH đã tìm ra mối liên kết mạnh mẽ giữa nghiên cứu ứng dụng của trường ĐH với việc giới thiệu sản phẩm và quá trình sản xuất mới tại DN. Tuy nhiên, kết quả đạt được từ hoạt động liên kết này còn phụ thuộc vào ba yếu tố là môi trường kinh doanh, kế hoạch kinh doanh và khả năng quản lý (Maike Andresen và các cộng sự, 2007) [55].
Theo Santoro (2000) [67], liên kết giữa DN và trường ĐH thường thông qua 4 hình thức là hỗ trợ nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao kiến thức và chuyển giao công nghệ. Hỗ trợ nghiên cứu tập trung vào “đóng góp cả tiền và phương tiện cho nghiên cứu của trường đại học” và được tập trung vào những dự án đặc biệt đem lại suất thu lợi kỳ vọng cao (Fortune, 1996) [49]. Hợp tác trong nghiên cứu, với mục tiêu là cùng nhau hợp tác để giải quyết các vấn đề đã được thỏa thuận và sử dụng các phương tiện trong nghiên cứu (Santoro, 2000) [67]. Tương tự, chuyển giao kiến thức được nhấn mạnh vào giao tiếp mang tính cá nhân, hợp tác trong đào tạo và trao đổi cá nhân. Chuyển giao công nghệ là một hình thức liên kết nhằm chuyển các nghiên cứu của trường vào quá trình áp dụng phát triển và thương mại hóa sản phẩm và quá trình sản xuất mới tại DN.
Các trường ĐH tăng cường liên kết với các DN nhằm phát huy vai trò của mình trong hệ thống đổi mới quốc gia. Tuy nhiên, trong mối liên kết này ngoài việc góp phần tạo ra kiến thức và giúp tăng trưởng kinh tế, nó cũng ảnh hưởng đến các tiêu chí hoạt động của trường. Một vấn đề đang được tranh luận là làm thế nào để có thể điều hòa cả hai vấn đề “ngoại sinh” (khám phá các phát minh) và “nội sinh” (thỏa mãn nhu cầu thị trường) trong các nghiên cứu của trường (Debackere, 2000) [46].
Theo Etzkowitz and Leydesdorff (2000) [48], liên kết giữa trường và DN có thể theo hai cách. Trong cách thứ nhất, hoạt động của trường bao gồm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khám phá. Đặc điểm là tạo ra không gian làm việc độc lập cho các nhà nghiên cứu và tập trung vào nghiên cứu cơ bản. Trong đó, hoạt động của chính phủ như là nhà đầu tư cung cấp ngân sách cho nghiên cứu của trường trong khi kết quả nghiên cứu được phổ biến như một loại hàng hóa tự do của xã hội (bao gồm cả các ngành công nghiệp). Kết quả nghiên cứu của trường từ nguồn vốn của chính phủ sẽ góp phần tạo ra một nguồn kiến thức của quốc gia. Cách thứ hai, trường thực hiện các nghiên cứu ứng dụng và triển khai và chuyển giao đến cho DN. Trong cách này, các DN sẽ đạt được kiến thức giúp họ cạnh tranh tốt hơn nhờ khai thác được những kiến thức này.
Với mục đích và ý nghĩa của việc liên kết giữa trường ĐH và DN như trên, thách thức đặt ra đối với các trường ĐH trong đào tạo ĐH và áp lực cạnh tranh của DN trên thị trường toàn cầu trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là rất lớn thể hiện qua các vấn đề sau:
* Về phía DN:
- DN dần thay thế lao động có trình độ thấp, kể cả lao động bậc trung bằng nguồn lao động có trình độ cao đáp ứng nhu cầu sử dụng công nghệ hiện đại trong thời kỳ mới. Cạnh tranh về vốn không còn là yếu tố hàng đầu đối với các DN nữa.
- Sự thay đổi lớn về phía cung chịu áp lực rất lớn đối với công nghệ số, đối thủ cạnh tranh sẵn sàng tạo ra sản phẩm mới, sáng tạo mang tính đột phá trong các chuỗi giá trị cung ứng sẽ gây áp lực cho việc nghiên cứu và phát triển, tiếp thị, vấn đề giá cả cho các DN có năng lực cạnh tranh thấp hơn từ đó dễ dàng loại DN này ra khỏi thị trường.
- Sự thay đổi về cầu đó là sự tham gia của người tiêu dùng, thay đổi được hành vi của người tiêu dùng từ đó DN sẽ định vị được sản phẩm và thị trường cung ứng sao cho phù hợp.
- Sự kết hợp giữa yếu tố cung và cầu trên đã tạo ra một yêu cầu mới cho DN là dự đoán được khách hàng, cải tiến sản phẩm và đổi mới phương thức hợp tác.
* Về phía các trường ĐH:
- Với tốc độ phát triển khoa học công nghệ như vũ bão, các trường ĐH khó đáp ứng kỹ năng mà thị trường lao động cần trong một tương lai gần.
- Phương thức đào tạo dễ dàng lạc hậu nếu các trường khó khăn về nguồn lực tài chính để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy và nghiên cứu cho sinh viên như các trường tư thục hiện nay ở Việt Nam.
- CTĐT chuyên ngành dần dần phải được cụ thể hoá cho từng mô hình DN cụ thể không thể áp dụng chung cho tất cả các loại hình, quy mô DN theo ngành, nghề đào tạo truyền thống thời gian qua. Bên cạnh đó, lực lượng lao động do các trường ĐH đào tạo không chỉ đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động cần tuyển dụng mà phải có năng lực tự khởi nghiệp theo xu hướng chung của thời đại.
- Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng sẽ bước sang một cuộc cải cách mới đó là vấn đề sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ từ các trường ĐH sang các DN kinh doanh sẽ chịu áp lực cạnh tranh mới.
-Hình thức đào tạo trực tuyến sẽ trở nên thông dụng hơn khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, vậy trường ĐH truyền thống sẽ thay đổi, người học trở nên linh hoạt hơn trong việc học tập, nghiên cứu từ đó phương pháp giảng dạy buộc phải thay đổi.
Tóm lại, trước công cuộc CNH – HĐH đất nước, vai trò các trường ĐH đã đặt ra khá rõ ràng, đặc biệt trong nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Vì vậy, các trường ĐH để đạt được mục tiêu đề ra là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội thì việc gắn kết giữa trường ĐH và DN phải được thực hiện trên cơ sở toàn diện, tìm ra mô hình gắn kết phù hợp và có các giải pháp thực hiện mô hình hiệu quả không phải là mục tiêu trước mắt mà là mục tiêu mang tính chất lâu dài.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh- Khoa QTKD