0236.3650403 (221)

Tìm hiểu về mô hình kinh doanh D2C


Mô hình D2C (Direct to Customer) tuy không được biết đến rộng rãi tại Việt Nam nhưng hiện nay, mô hình này đang được áp dụng và triển khai tại nhiều doanh nghiệp với mục tiêu loại bỏ dần những hoạt động bán lẻ trung gian và phân phối trực tiếp đến khách hàng và loại bỏ dần các trung gian bán lẻ.

D2C áp dụng cho lĩnh vực nào ?

Những ngành hàng phù hợp với mô hình này nhất có thể kể đến như các sản phẩm tiêu dùng, mỹ phẩm, thời trang, đồ gia dụng… là những lĩnh vực trước đây thương phân phối qua nhiều trung gian thương mại ... Theo số liệu thống kê năm 2017, mô hình D2C tăng trưởng 34% và hiện chiếm 13% tổng thị trường E-Commerce. Riêng tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đã triển khai thành công mô hình D2C như Canifa, Juno trong lĩnh vực thời trang, Vitayes, Saffron trong lĩnh vực mỹ phẩm, chăm sóc sức khỏe.

Khái niệm D2C

D2C – Direct To Consumer là một mô hình kinh doanh mà trong đó doanh nghiệp phân phối trực tiếp sản phẩm đến khách hàng (qua cửa hàng chính hãng, website, thương mại điện tử) mà không cần qua bất kì một kênh phân phối nào cả.

Ưu điểm của mô hình D2C

Lợi thế lớn của D2C này là giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khi không phải phân phối nhiều trung gian. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thu thập được dữ liệu hành vi khách hàng như thói quen, sở thích, nhu cầu một cách chính xác và kịp thời. Từ đó, doanh nghiệp có thể chủ động trong việc nghiên cứu, phát triển, thiết kế, sản xuất sản phẩm và xây dựng chương trình marketing phù hợp với khách hàng mục tiêu. Thêm vào đó, nhờ việc tương tác trực tiếp với khách hàng, các dịch vụ chăm sóc khách hàng do chính doanh nghiệp thực hiện có thể đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng, thống nhất trên toàn hệ thống thay vì mỗi đại lý có chính sách khách hàng riêng biệt.

Đối với khách hàng, việc nhận hàng trực tiếp từ nhà sản xuất sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn và tin tưởng khi mua sản phẩm.

Lưu ý khi triển khai mô hình D2C

Khi triển khai mô hình D2C, doanh nghiệp cần lưu ý những vấn đề sau

Tránh xung đột với kênh bán lẻ truyền thống

D2C là mô hình phân phối trực tiếp đến khách hàng, dù có nhiều ưu điểm nhưng không thể thay thể hoàn toàn cho kênh bán lẻ truyền thống, hay doanh nghiệp chỉ duy trì duy nhất kênh này. Vì vậy, doanh nghiệp nên triển khai nhiều hình thức bán hàng. Tuy nhiên, khi quyết định triển khai mô hình D2C, doanh nghiệp cần xác định mục tiêu chủ yếu nhằm tăng trưởng doanh số hay thu thập dữ liệu khách hàng, để từ đó quyết định chính sách bán lẻ phù hợp để tránh sự xung đột lợi ích giữa các kênh bán hàng.

Tạo sự khác biệt để tránh xung đột

Mô hình D2C và kênh bán lẻ truyền thống đều có ưu và nhược điểm riêng. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự xem xét khi triển khai nhiều hình thức phân phối. Bởi nếu không tạo ra sự khác biệt cho mỗi hình thức phân phối, khách hàng sẽ không cảm nhận được lợi thế của mỗi kênh, dẫn đến việc tuy doanh nghiệp đầu tư vào nhiều hình thức phân phối nhưng doanh thu mỗi kênh đều không cao.

Phạm Thị Quỳnh Lệ - Khoa QTKD