TÌM HIỂU TÌNH HÌNH CÁN CÂN NGÂN SÁCH CỦA VIỆT NAM 2017 QUA GÓC NHÌN CỦA CÁC CHUYÊN GIA KINH T
ĐỗVăn Tính
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để đảm bảo thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước. Ngân sách nhà nước (NSNN) vừa là tấm gương phản ánh tình hình thực tại của nền kinh tế, vừa là một trong những đòn bẩy vật chất rất quan trọng để thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Vì vậy, để đảm bảo nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định, vững chắc, thì một trong những yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải bảo đảm bền vững ngân sách, trong đó có nội dung xử lý bội chi NSNN hiệu quả. Cán cân ngân sách Chính phủ là phần chênh lệch giữa chi tiêu ngân sách và nguồn thu ngân sách của Chính phủ - B = G - T
Tổng thu cân đối NSNNthực hiện tháng 8 ước đạt 78,2 nghìn tỷ đồng, lũy kế 8 tháng đạt 762,8 nghìn tỷ đồng bằng 62,9% dự toán năm, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó:
Thu nội địa: Ước đạt 59,76 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 30,9 nghìn tỷ đồng so với tháng 7, do các khoản thuế và thu ngân sách phát sinh trong quý II/2017, như: thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền cổ tức từ các công ty cổ phần do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ đã thực hiện kê khai, thu nộp trong tháng 7 theo chế độ quy định.
Luỹ kế thu nội địa 8 tháng ước đạt 603,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán năm, tăng 10,7% so cùng kỳ năm 2016. Một số khoản thu đạt tiến độ đạt khá so với dự toán năm và cùng kỳ năm trước là thuế thu nhập cá nhân đạt 68,6% dự toán năm, tăng 20,9%; thu phí và lệ phí đạt 73,5% dự toán năm, tăng 52,6%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết đạt 83,7% dự toán năm, tăng 11,9%. Riêng các khoản thu về nhà, đất đã vượt dự toán năm (đạt 108,6%) và tăng 25% so với cùng kỳ năm 2016.
Tiến độ thu ngân sách của các địa phương cơ bản đạt khá so dự toán năm và tăng so với cùng kỳ năm trước. Ước tính cả nước có 43/63 địa phương thu nội địa đạt từ 63% dự toán năm trở lên; trong đó, không kể thu tiền sử dụng đất và thu XSKT thì có 18 địa phương đạt trên 70% dự toán năm; 55/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn 20 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán năm (dưới 63%); 6 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ do nguyên nhân khách quan.
Thu từ dầu thô: Ước đạt 3,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 930 tỷ đồng so với tháng 7. Giá dầu thô trên thị trường thế giới từ cuối tháng 7/2017 dao động ở mức 48-50 USD/thùng; do có độ trễ trong thanh toán, giá dầu thanh toán bình quân trong tháng khoảng 50 USD/thùng, bằng giá tính dự toán; sản lượng thanh toán tháng 8 ước đạt khoảng 1,13 triệu tấn.
Lũy kế thu dầu thô 8 tháng ước đạt 29,97 nghìn tỷ đồng, bằng 78,3% dự toán năm, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng dầu thanh toán 8 tháng ước đạt 8,96 triệu tấn, bằng 73% kế hoạch, bằng 87% so với cùng kỳ năm 2016; giá dầu thanh toán bình quân 8 tháng đạt khoảng 53,2 USD/thùng, cao hơn 3,2 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu: Ước đạt 24 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 300 tỷ đồng so với tháng 7, nhờ kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn cho NSNN tăng. Sau khi thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (9,2 nghìn tỷ đồng), thu cân đối ngân sách đạt 14,8 nghìn tỷ đồng.
Luỹ kế thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng ước đạt 190,78 nghìn tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán năm, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016. Sau khi hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ (63 nghìn tỷ đồng), thu cân đối NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu 8 tháng đạt 127,7 nghìn tỷ đồng, bằng 70,9% dự toán năm
Tổng chi ngân sách Nhà nướctừ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 1.219,5 nghìn tỷ đồng, bằng 87,7% dự toán năm. Trong đó, chi thường xuyên đạt 862,6 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2%; chi trả nợ lãi 91 nghìn tỷ đồng, bằng 92%.
Riêng chi đầu tư phát triển đạt 259,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,6%dự toán năm (trong đó chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 254,5 nghìn tỷ đồng, bằng 72,3%). Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017 ước tính đạt 147,6 nghìn tỷ đồng, bằng 90,1% dự toán năm.
Như vậy, từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2017, ngân sách Nhà nước bội chi 115,5 nghìn tỷ đồng. Đây là mức bội chi ngân sách thấp nhất trong 10 năm qua.
Góc nhìn của các Chuyên gia trong nước
Tại hội thảo về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc lập kế hoạch tài chính 5 năm và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) 3 năm vừa diễn ra, ông Nguyễn Minh Tân - Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) thừa nhận gặp khó trong việc soạn thảo Nghị định.
Ông Tân cho rằng đây là vấn đề còn khá mới, tổ soạn thảo chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn nên phải tổ chức hội thảo xin ý kiến, đóng góp từ các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, các chuyên gia tài chính quốc tế. Cụ thể, việc lập dự toán NSNN hàng năm đã không lường trước được các rủi ro sẽ xảy ra trong 3 - 5 năm sau, do đó không có giải pháp phù hợp để hạn chế bội chi, kiểm soát nợ công vào những năm kinh tế phát triển thuận lợi, dành dư địa cho những năm khó khăn. Nhất là khi sự phát triển của nền kinh tế có xu hướng giảm sút, nguồn thu NSNN gặp khó khăn thì cả bội chi ngân sách và dư nợ công đều có xu hướng tăng mạnh, thậm chí bội chi NSNN trong một số năm đã vượt ngưỡng cho phép. Hơn nữa, dự toán NSNN hàng năm có xu hướng tập trung vào các nhu cầu cụ thể của từng năm, dẫn tới phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các ưu tiên chiến lược trong trung dài hạn của nền kinh tế và tổng hợp nhu cầu của các năm thường vượt khả năng cân đối nguồn lực trong cả giai đoạn. “Nhiều nhiệm vụ chi kéo dài trong một số năm, nhưng lập dự toán NSNN hàng năm không tính toán nhu cầu ngân sách từ khi bắt đầu, đến khi kết thúc nhiệm vụ chi nên không đảm bảo được việc bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ, là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc kéo dài thời gian thực hiện, lãng phí, nợ đọng…”, ông Tân nêu thực tế.
Theo hiến kế của các Chuyên gia nước ngoài
Trước thực tế trên, ông Marc Christoph Schumacher, Trưởng nhóm Dự án hiện đại hóa nền tài chính công cho rằng Việt Nam cần đưa ra các ưu tiên và phân bổ nguồn lực giúp xác định các mức độ và thành phần chi tiêu công phù hợp với nhu cầu mới. Ngoài ra, cần lập kế hoạch tài chính trung hạn giúp đạt được 3 mục tiêu lớn của quản lý chi tiêu công đó là: tính tuân thủ tài khóa, hiệu suất phân bổ và hiệu suất kỹ thuật. Muốn vậy, theo ông Marc Christoph Schumacher, các nhà hoạch định chính sách phải xem xét tới tất cả các ngành, các chương trình, dự án để tái cơ cấu các khoản chi. “Kế hoạch này giúp chuyển tải các mục tiêu và hạn chế tài khóa vĩ mô vào tổng ngân sách và các kế hoạch chi cụ thể theo ác ưu tiên chi tiêu chiến lược”, ông Marc Christoph Schumacher khẳng định.
Trong khi đó, ông Jean-Marc Lepain, chuyên gia quốc tế đến từ Cơ quan hợp tác quốc tế Đức GIZ, cho hay theo kinh nghiệm quốc tế, có hai công cụ lập kế hoạch tài khóa chính đó là khuôn khổ tài khóa trung hạn và khuôn khổ chi tiêu trung hạn. Vị này lý giải khuôn khổ tài khóa trung hạn là dự báo tài khóa vĩ mô trung hạn (bao gồm tổng thu, chi và cân đối) và là một bản trình bày các mục tiêu chính sách tài khóa và chỉ tiêu nhất quán với việc ổn định kinh tế vĩ mô và bền vững tài khóa. Khuôn khổ tài khóa trung hạn được xây dựng dựa trên những dự báo kinh tế vĩ mô trung hạn thực tế và nhất quán trong nội bộ. Các thực hành tốt cùng với việc đánh giá các rủi ro tài khóa một cách minh bạch sẽ hỗ trợ quá trình dự báo được chính xác hơn. “Ở Việt Nam, việc đưa ra các phân tích kinh tế vĩ mô và dự báo thu toàn diện , quản lý nợ hiệu quả, mối gắn kết giữa kế hoạch 5 năm và kế hoạch 3 năm cũng như việc tích hợp kế hoạch đầu tư các năm tại cả cấp trung ương và địa phương sẽ là những yếu tố then chốt cho thành công của việc triển khai kế hoạch tài chính trung hạn”, ông nhấn mạnh.
Ông Sebastian Eckardt: Tại Việt Nam, công tác điều hành ngân sách năm qua rõ ràng là khá thành công và tốt hơn những năm trước. Năm 2017, Việt Nam đã có sự điều chỉnh trong chính sách tài chính. Những năm trước bội chi cao nhưng năm 2017 đã giảm xuống và đạt chỉ tiêu dưới 3,5% GDP, tỷ lệ nợ công cũng đã giảm đáng kể. Năm vừa qua, nguồn thu của Việt Nam đã cải thiện, cả nguồn thu trong thuế và thu ngoài thuế. Đồng thời, Chính phủ cũng đã giảm tăng chi và giảm đầu tư công. Có thể thấy, Chính phủ ngày càng cẩn trọng với các khoản đầu tư công của mình. Việc thoái vốn khỏi một số doanh nghiệp (DN) nhà nước lớn như Sabeco cũng tạo thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, trong thời gian tới chúng ta vẫn cần các biện pháp tái cấu trúc để tăng nguồn thu và giảm những khoản chi không hiệu quả. Về thu, cần cải cách thuế, đặc biệt là từ các nguồn thu trong nước vì trong tương lai Việt Nam sẽ phải giảm thuế nhập khẩu theo các cam kết FTA, vì vậy cần phải cải cách nguồn thu thuế trong nước để bù lại. Còn về chi ngân sách, hiện nay nợ công của Việt Nam vẫn cao nên phải rất cẩn thận về hiệu quả các khoản đầu tư công. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông, điện... vì đó là xương sống để phát triển nền kinh tế, nhưng cần chú trọng vào tính hiệu quả của các khoản đầu tư. Vừa qua, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút vốn FDI vào sản xuất, nhưng có vẻ như chúng ta chưa thành công lắm trong việc thu hút vốn FDI hay vốn đầu tư tư nhân vào cơ sở hạ tầng. Vấn đề này, Chính phủ cũng đã nhận ra và hy vọng sắp tới sẽ có một số biện pháp để có thể thu hút được thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân vào lĩnh vực này. Gần đây, Việt Nam đã ban hành Luật Đầu tư công và Luật Quản lý nợ công, đã thay đổi phương pháp quản lý nợ từ việc thu hút tài chính sang việc quản lý rủi ro, bởi trong thời gian tới Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào những khoản vay từ thị trường tài chính. Bên cạnh việc tận dụng các nguồn vốn mới thì cũng cần quản lý nguồn vốn mới khác với cách quản lý trước kia.
Tài liệu tham khảo:
[1]. http://vneconomy.vn/.
[2]. http://vietnamnet.vn/
[3]. vietnambiz.vn