0236.3650403 (221)

TIÊU CHUẨN CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC


Giáo dục đại học bao gồm việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và học tập.  Có thể xem ba khía cạnh đó của giáo dục đại học là một hệ thống đặc trưng bởi ba khía cạnh trên. Vì là hệ thống nên phải có đầu vào (input), qui trình (process), và đầu ra (output).  Do đó, chất lượng giáo dục đại học là tập hợp một số nguyên tố liên quan đến đầu vào, qui trình đào tạo, và đầu ra:

- Đầu vào là những tiêu chuẩn liên quan đến sinh viên được nhận vào học tại trường đại học. Một số nghiên cứu cho thấy số điểm trung bình của thí sinh được nhận vào đại học có tương quan đến số điểm tốt nghiệp: sinh viên với số điểm cao lúc nhập học đại học thường là những sinh viên có xác suất tốt nghiệp đại học cao. Nếu xem điểm thi tốt nghiệp hay điểm tuyển sinh đại học phản ảnh trình độ của học sinh, thì trường có nhiều học sinh giỏi cũng có nghĩa là môi trường học tập được nâng cao, và qua đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của trường.  Tuy nhiên, cũng có lí giải cho rằng chẳng có mối tương quan nào giữa điểm tuyển sinh và điểm tốt nghiệp; do đó, một số trường đại học không xem các điểm này là một yếu tố hay tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng giáo dục đại học.   

- Qui trình ở đây bao gồm các tiêu chuẩn liên quan đến người thầy, giảng dạy, cơ sở vật chất cho học tập, nghiên cứu khoa học, và cơ sở hạ tầng cũng như dịch vụ dành cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giáo dục đại học bao gồm giảng dạy và nghiên cứu khoa học.  Có thể nói chung rằng "sức khỏe tài chính" của một trường được phản ảnh qua sự tài trợ hay thu hút tài trợ từ Nhà nước và các nguồn tư nhân. Nhưng sử dụng tài chính vì lợi ích của sinh viên cần được quan tâm đặc biệt; vì thế, các tiêu chuẩn như chi tiêu, dịch vụ, cơ vật chất, v.v… tính trên đầu sinh viên là những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá chất lượng phục vụ của trường đại học.  

Ở bậc đại học, người thầy (hay cô) không chỉ đơn giản là một người giảng bài, mà còn là một chuyên gia về một lĩnh vực chuyên môn (khác với bậc trung học, người thầy không phải là một chuyên gia).  Để truyền đạt hữu hiệu đến sinh viên, ngoài những kĩ năng sư phạm, người thầy cần phải có kiến thức về chuyên ngành để có thể khai triển những lí thuyết và ý tưởng từ nội dung của giáo trình.  Những kiến thức này có thể tiếp thu qua nghiên cứu khoa học. Nhưng “hộ chiếu” để làm nghiên cứu khoa học là học vị tiến sĩ.  Do đó, không ngạc nhiên khi thấy các trường đại học Tây phương xem văn bằng tiến sĩ như là một tiêu chuẩn tối thiểu để được bổ nhiệm làm giảng viên hay giáo sư đại học. Một phần lớn các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đại học xoay quanh trình độ của người thầy và nghiên cứu khoa học. 

Ở đại học, nghiên cứu khoa học thường do các nghiên cứu sinh cấp thạc sĩ và tiến sĩ thực hiện dưới sự chỉ đạo của các giảng viên và giáo sư.  Để đủ tư cách hướng dẫn luận án cấp thạc sĩ và tiến sĩ, giảng viên hay giáo sư phải hội đủ một số điều kiện như có chương trình nghiên cứu tầm cỡ, có cơ sở vật chất sẵn có, và quan trọng hơn là có kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học tầm quốc tế.  Vì thế, một tiêu chuẩn quan trọng cần được đặt ra là phần trăm giảng viên và giáo sư có khả năng hướng dẫn luận án cấp thạc sĩ và tiến sĩ.   

Sản phẩm chính của nghiên cứu khoa học là những bài báo khoa học công bố trên các tập san quốc tế.  Những bài bào hay công trình có chất lượng cao thường được công bố trên các tập san có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) cao, hoặc có số lần trích dẫn (citations) cao.  Do đó, một tiêu chuẩn được đa số chuyên gia chấp nhận là chuẩn mực để đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học là số bài báo khoa học được công bố trên các tập san quốc tế tính trên mỗi GV/GS (giảng viên / giáo sư) và số lần trích dẫn các bài báo khoa học từ trường trong vòng 2 năm qua tính trên mỗi GV/GS.  Ngoài ra, một số tiêu chuẩn khác cũng phản ảnh uy tín của trường là số bằng sáng chế (patent) đã được công nhận và đăng kí với một cơ quan bản quyền quốc tế, số giáo sư và sinh viên nước ngoài theo học tại trường, và số bằng khen hay số lần các giáo sư được mời làm chủ tọa các hội nghị quốc tế. 

Nhưng nghiên cứu khoa học đòi hỏi cơ sở vật chất, và đặc biệt là thông tin (thư viện) và các thiết bị để sử dụng, kể cả công nghệ thông tin.  Một đại học có chất lượng tối thiểu cũng phải có đủ không gian (kể cả bàn, ghế) cho giảng dạy, có phòng labo với thiết bị đầy đủ cho thí nghiệm và thực tập, có hệ thống hỗ trợ bằng công nghệ thông tin để giảng viên và học sinh có thể truy cập internet miễn phí, và nhất là hệ thống thư viện.  Có thể nói rằng thư viện và công nghệ thông tin là bộ mặt của một trường đại học.  Cho dù một đại học có 100% giảng viên với trình độ tiến sĩ, mà không có thư viện tốt hay thiết bị công nghệ thông tin dồi dào thì cũng trường đại học không thể nào làm nghiên cứu khoa học tốt, không thể nào giảng dạy tốt được.  Đề cập đến chất lượng giáo dục đại học nhất định phải đề cập đến các chỉ tiêu quan trọng về đầu tư cho thư viện và công nghệ thông tin. 

Nhiều nghiên cứu trong thời gian qua cho thấy một mối tương quan tuyến tính giữa điểm của sinh viên và số lần trao đổi giữa sinh viên và GS/GV.  Do đó, mối tương tác giữa GS/GV và sinh viên và tỉ số sinh viên trên mỗi  GS/GV từng được xem là hai tiêu chuẩn phản ảnh chất lượng giáo dục của một đại học. 

Đầu ra là những tiêu chuẩn phản ảnh tình trạng của sinh viên sau khi tốt nghiệp.  Giáo dục bậc cao có bốn chức năng chính: một là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân về tri thức, để họ có thể tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội; hai là cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự tăng trưởng và giàu mạnh của một nền kinh tế hiện đại; ba là khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, góp ý về đường lối và chính sách của nhà nước; và bốn là thu thập hay sáng tạo ra kiến thức qua nghiên cứu và chuyển giao những kiến thức này đến xã hội.  vì thế, “sản phẩm” chính của giáo dục đại học là sinh viên tốt nghiệp với trình độ chuyên môn cao.  Đây cũng là những tiêu chuẩn khó định lượng chính xác, vì các chuyên gia vẫn chưa nhất trí cách đánh giá. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng danh tiếng (phản ảnh gián tiếp chất lượng giáo dục) của một trường đại học thường gắn liền sự sự thành đạt của sinh viết nghiệp từ trường đó.  Các đại học như Harvard, Yale, Princeton, v.v… sở dĩ có tiếng trên thế giới là vì những sinh viên tốt nghiệp từ các trường này thường giữ những chức vụ quan trọng trong guồng máy kinh tế hay Nhà nước. Do đó, các tiêu chuẩn trong phần “đầu ra” cụ thể là tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp, có việc làm, sự hài lòng của doanh nghiệp hay cơ quan tuyển dụng, sinh viên quay lại theo học tiếp cấp thạc sĩ hay tiến sĩ, v.v…  

Trích từ “ Tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đại học” của GS.Nguyễn Văn Tuấn