THUYẾT TRÌNH (PHẦN 5)
Những điều cần ghi nhớ khi thuyết trình:
1. Phát âm một cách chuẩn xác, nhấn mạnh những điểm cần thiết ở những chỗ phải nhấn. Tránh nói huyên thuyên và phát âm sai. Phát âm sai (nói ngọng) dễ khiến cho thính giả hiểu nhầm và coi thường bạn.
2. Nói đủ lớn để mọi người có thể nghe rõ ràng, không quá nhỏ khiến người nghe phải vất vả, thậm chí không hiểu được gì.
3. Nói nhanh quá là một biểu hiện thiếu tự tin, trừ trường hợp đó là một cố tật. Mà đã là cố tật thì phải sửa. Cần theo dõi tốc độ mà cử toạ có thể theo dõi để hiểu được bạn nói. Bình thường bạn nên nói khoảng125-150 từ mỗi phút. Nên kiểm tra tốc độ của bạn đưa vào giới hạn này. Nhưng nói quá chậm lại khiến cho người nghe rất mệt óc chờ đợi từng từ và thậm chí phát bực bội vì mất thì giờ.
4. Thay đổi âm lượng, nhịp độ, âm điệu của giọng nói cho phù hợp với ngữ cảnh là điều cốt lõi để chuyển tải thông điệp của bạn. Mỗi bài nói đều như kiểu mưa rơi từng giọt khiến thính giả chán ngắt và dễ ngủ gật.
5. Tránh giọng nói mũi, giọng ồm ồm, ề à, nên lấy hơi từ trong cổ họng để có giọng nói trầm vang xa và đỡ mệt hơn là lấy hơi từ đầu môi cuối lưỡi. Cố gắng không chêm vào đầu hoặc giữa câu nói những từ đệm, những mẩu từ vô nghĩa như “cái”, “ấy thế là”, “vấn đề”, “đâm như là”, “coi như là”, “chẳng qua là”, “nói thật chứ”, “hoá ra là”…
Những kiểu chêm, đệm cũng là cố tật khó chữa. Song với việc nhận thức rõ đó là một yếu tố cản trở sự thành đạt, và với một quyết tâm cao rèn luyện kiên trì, có phương pháp, bất kỳ ai cũng có thể dần dần khắc phục được.
SÁI THỊ LỆ THUỶ (KHOA QTKD)