0236.3650403 (221)

THUYẾT TRÌNH (PHẦN 3)


3.     Nhịp cầu mắt

Bạn nên nhớ rằng không giống như trường hợp các diễn viên, đối với một diễn giả, tiếp xúc bằng mắt là một trong những phương tiện quan trọng, trực tiếp và hiệu quả nhất để thiết lập quan hệ với thính giả. Bạn hãy nhìn vào cử toạ và ngừng một chút trước khi nói. Thông thường, khi bạn đến bục giảng, bao giờ trong phòng cũng hơi ồn ào, mất trật tự đôi chút. Một diễn giả vừa bước lên bục đã nói  ngay là thể hiện sự hấp tấp, thiếu đỉnh đạc và dễ gây ấn tượng không đẹp ban đầu.

Khi nói, bạn hãy duy trì nhịp cầu mắt với cử toạ, nhìn vào mắt của từng người và dừng lại lâu hơn ở những người nào đó trông có vẻ chăm chú, háo hức, thích thú nghe bạn. Qua cặp mắt sáng rực, họ chuyển tải đến bạn một thông điệp đầy ý nghĩa của sự đồng tình, khuyến khích, đánh giá tốt. Những tín hiệu này tạo nên nguồn yểm trợ mạnh về tinh thần và tình cảm cho bạn, để bạn tự tin và cố gắng làm cho bài nói của mình hấp dẫn hơn. Một diễn giả lãng trí nhìn lơ láo lên trần, ngó mông lung ra ngoài cửa sổ hoặc chỉ nhìn vào một nhóm cử toạ nào đó là thể hiện một thái dộ không đẹp, không nghiêm túc. Nếu thính giả cảm thấy bạn không quan tâm đến họ thì chắc chắc họ cũng quên bạn đi cùng với những điều bạn nói. Hơn nữa, qua tiếp xúc bằng mắt, bạn có thể nhận thấy được tín hiệu cho biết liệu kênh giao tiếp đã mở hay còn đóng và nhận được hồi âm phản ứng của người nghe về thông điệp của bạn.

Trường hợp cử toạ lảng tránh không nhìn bạn hoặc chỉ nhìn mơ hồ đâu đó, chắc chắn họ không chú ý lắng nghe bạn. Điều này đòi hỏi bạn phải thay đổi cách tiếp cận và phương pháp làm cho họ quan tâm đến nội dung bài nói.

SÁI THỊ LỆ THUỶ (KHOA QTKD)