Thẩm định tình hình tài chính doanh nghiệp
Nguyễn Thị Minh Hà
Các cán bộ thẩm định của NHTM khi nhận hồ sơ vay vốn của khách hàng thì đòi hỏi phải tiến hành xem xét, kiểm tra, đánh giá các hồ sơ vay vốn đó, hay nói cách khác là cán bộ tín dụng phải tiến hành thẩm định các hồ sơ vay vốn đó.
Vậy các bộ tín dụng nên thẩm định những nội dung nào?
Đó là các nội dung: tính pháp lý của hồ sơ vay vốn, tính khả thi của phương án SXKD hay dự án đầu tư, thẩm định tài sản đảm bảo, thẩm định tình hình tài chính của doanh nghiệp...
Vậy thẩm định tình hình tài chính của doanh nghiệp là gì?
Như chúng ta đã biết khi doanh nghiệp muốn được vay vốn ngân hàng thì doanh nghiệp lập hồ sơ vay vốn trong đó doanh nghiệp luôn cố gắng thể hiện tình hình tài chính lành mạnh và có khả năng tài chính đảm bảo tốt cho khả năng trả nợ của mình, vì tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh là một trong những điều kiện để ngân hàng xem xét cho doanh nghiệp vay vốn. Bởi vậy để biết được tình hình tài chính của doanh nghiệp tốt hay xấu thì cần phải tiến hành thẩm định mới đánh giá được, cần tập trung thẩm định các nội dung sau:
Thẩm định mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính:
Các báo cáo tài chính được sử dụng:bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bảng thuyết minh báo cáo tài chính. Tuy nhiên không phải tất cả các doanh nghiệp đều có đủ năng lực để lập đầy đủ các báo cáo tài chính này. Hơn nữa các báo cáo tài chính mà ngân hàng yêu cầu sẽ cung cấp các thông tin cho bên ngoài nên các báo cáo này khi soạn thảo có thể khác so với báo cáo được lập trong nội bộ ngân hàng, vì vậy mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính do doanh nghiệp cung cấp chưa được đảm bảo. Mặc dầu ngân hàng yêu cầu cung cấp các báo cáo tài chính đã qua kiểm toán nhưng trong thực tế đại đa số các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp gửi cho ngân hàng đều chưa qua kiểm toán. Vì vậy thẩm định mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính là công việc diễn ra thường xuyên của nhân viên tín dụng và họ thường thực hiện các bước sau:
· Nghiên cứu kỹ các số liệu của báo cáo tài chính
· Sử dụng kiến thức tài chính và khả năng phân tích để phát hiện những điểm đáng nghi ngờ trong các báo cáo tài chính.
· Xem xét bảng thuyết minh để hiểu rõ hơn về những điểm đáng ngờ trong báo cáo tài chính.
· Mời khách hàng đến thảo luận, phỏng vấn và yêu cầu giải thích về những điểm đáng nghi ngờ đã phát hiện.
· Viếng thăm doanh nghiệp để quan sát và nếu cần tận mắt xem lại các tài liệu kế toán gốc.
· Kết luận về mức độ tin cậy của các báo cáo tài chính do doanh nghiệp cung cấp.
Phân tích các báo cáo tài chính:
- Phân tích các khoản mục chủ yếu trên các báo cáo tài chính
Nội dung phân tích về sự thay đổi trong các số liệu tài chính quan trọng của doanh nghiệp theo thời gian (thường lấy số liệu từ 3, 4 hay 5 năm gần nhât). Số liệu trong những báo cáo tài chính này bao gồm cả con số tuyệt đối và số tương đối (tỷ lệ phần trăm trên tổng tài sản đối với bảng cân đối kế toán hoặc tỷ lệ phần trăm trên tổng doanh thu đối với báo cáo thu nhập). Số tương đối phản ánh một cách rõ ràng hơn số tuyệt đối về xu hướng tài chính quan trọng đã và đang diễn ra của doanh nghiệp vay vốn và giúp nhà phân tích có thể so sánh với doanh nghiệp khác hay so sánh với bình quân ngành.
Đối với bảng cân đối kế toán:
Việc phân tích các khoản mục trên bảng cân đối kế toán sẽ giúp ngân hàng thấy sự thay đổi về cơ cấu đầu tư vào các loại tài sản và cơ cấu huy động các nguồn tài trợ của doanh nghiệp vay vốn như thế nào. Từ đó, nắm bắt được phần nào xu hướng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian đến cũng như mức độ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp này.
Đối với báo cáo thu nhập:
Phân tích báo cáo thu nhập sẽ giúp ngân hàng thấy được mức độ ổn định trong các hoạt động và hiệu quả của các chính sách mà doanh nghiệp áp dụng, khả năng kiểm soát chi phí và tăng cường thu nhập (đây chính là nguồn thu nhập chủ yếu dùng để trả nợ ngân hàng) cũng như nguyên nhân thay đổi về tình hình chi phí, thu nhập và lợi nhuận của doanh nghiệp vay vốn.
Đối với báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Phân tích các khoản mục của báo cáo lưu chuyển tiền tệ sẽ giúp ngân hàng thấy được nguyên nhân thay đổi về tình hình tài sản, nguồn vốn, khả năng thanh toán của doanh nghiệp vay vốn.
Mỗi một khoản mục đều có một cách tiếp cận phân tích, đặt ra các câu hỏi đánh giá khác nhau nhưng đều đi đến mục tiêu chung là làm rõ số liệu đích của các khoản mục này và sự biến động của các khoản mục đó ra sao. Việc phân tích sự thay đổi của các khoản mục này sẽ giúp ngân hàng xác định được các vấn đề đang phát sinh nhằm đưa ra quyết định hợp tác hay rút lui hoặc có biện pháp bảo vệ nhằm khoản cho vay của mình.
- Phân tích các thông số tài chính chủ yếu:
* Các thông số khả năng thanh toán.
Tính thanh khoản của tài sản phụ thuộc vào mức độ dễ dàng chuyển đổi tài sản thành tiền mặt mà không phát sinh thua lỗ lớn. Việc quản lý khả năng thanh toán bao gồm việc khớp các yêu cầu trả nợ với thời hạn của tài sản và các nguồn tiền mặt khác nhằm tránh mất khả năng thanh toán mang tính chất kỹ thuật. Việc xác định khả năng thanh toán là quan trọng. Do đó, vấn đề chính là liệu một công ty có khả năng tạo ra đủ tiền mặt để thanh toán cho những nhà cung cấp nguyên vật liệu và các chủ nợ hay không.
* Các thông số hoạt động.
Các thông số hoạt động xác định tốc độ mà một công ty có thể tạo ra được tiền mặt nếu có nhu cầu phát sinh. Rõ ràng là một công ty có khả năng chuyển đổi hàng dự trữ và các khoản phải thu thành tiền mặt nhanh hơn sẽ có tốc độ huy động tiền mặt nhanh hơn. Các hệ số sau đây và việc tính toán được thiết lập dựa trên giả định rằng một năm có 360 ngày.
* Thông số đòn bẩy tài chính
Mở rộng các phân tích sang khả năng thanh toán nợ dài hạn của công ty chúng ta có thể sử dụng đến thông số đòn bẩy tài chính.
* Thông số khả năng sinh lợi.
Cho thấy mức độ sinh lời của doanh thu, của vốn kinh doanh , vốn chủ sở hữu, vốn đầu tư trong doanh nghiệp.
Như vậy việc thẩm định tình hình tài chính của doanh nghiệp là một cơ sở để cán bộ tín dụng ra quyết định cho vay đối với các doanh nghiệp./.