TẦM QUAN TRỌNG CỦA KỸ NĂNG MỀM TRONG HỌC TẬP VÀ LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI SINH VIÊN
Đỗ Văn Tính
Kỹ năng
Theo Từ điển Tiếng Việt: “Kỹ năng là khả năng vận dụng những kiến thức thu nhận được vào thực tế”. Theo Petropxki A. V. “Kỹ năng là năng lực sử dụng các tri thức hay khái niệm đã có, năng lực vận dụng chúng để phát hiện những thuộc tính bản chất của các sự vật và giải quyết thành công những nhiệm vụ lý luận hay thực tiễn nhất định”. Ivan Banki S. cho rằng: “Kỹ năng là năng lực tự có hoặc qua học tập được con người vận dụng sự hiểu biết và kinh nghiệm của mình vào những hoạt động mang tính nghề nghiệp, một công việc cụ thể và trong lĩnh vực chuyên môn của mình”. Như vậy, các tác giả đã gắn KN với kiến thức và sự thành công của hoạt động thực tiễn, sẽ đầy đủ hơn nếu nhìn nhận KN đồng thời là sản phẩm của tư duy.
Tác giả Levitor N. D. cho rằng: “Kỹ năng là sự thực hiện có hiệu quả một động tác nào đó hay một hành động phức tạp hơn bằng cách áp dụng hay lựa chọn những cách thức đúng đắn, có tính đến những điều kiện nhất định”. Với quan niệm này tác giả đã đề cập đến sự thực hiện có hiệu quả của động tác, hành động phức tạp, một khía cạnh quan trọng của ỹ năng. Từ điển Giáo dục học: “Kỹ năng: 1) Khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy cho dù hành động cụ thể hay hành động trí tuệ (Kỹ năng bậc I). 2) Khả năng thực hiện hành động, hoạt động một các thành thạo, linh hoạt, sáng tạo phù hợp với những mục tiêu trong các điều kiện khác nhau (Kỹ năng bậc II)”Tác giả Huỳnh Văn Sơn đưa ra khái niệm: “Kỹ năng là khả năng thực hiện có kết quả một hành động nào đó bằng cách vận dụng những tri thức, kinh nghiệm đã có để hành động phù hợp với những điều kiện cho phép. Kỹ năng không chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật mà còn biểu hiện năng lực của con người”. Có nhiều khái niệm về kỹ năng nghiêng về mặt kỹ thuật của hành động hay khả năng thể hiện ở kết quả của hành động. Tuy nhiên, hầu hết các tác giả đều cho rằng: Thứ nhất kỹ năng là sản phẩm của quá trình tư duy, tích luỹ kinh nghiệm của con người trong hoạt động thực tiễn. kỹ năng là bậc cao của thao tác kỹ thuật mang tính thành thạo, chủ động và có kết quả ổn định. Thứ hai kỹ năng là năng lực của con ngƣơưi sử dụng tri thức, các phương tiện, cách thức hành động một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện biến động của thực tiễn. Thứ ba hành động luôn gắn với mục tiêu và điều kiện xác định, chính mục tiêu, điều kiện xác định quyết định loại thao tác và trật tự thao tác trong hành động. Khi điều kiện biến động với các mức độ khác nhau thì thao tác và trật tự của chúng cũng phải thay đổi tƣơng ứng. KN bao giờ cũng gắn với một hoạt động cụ thể ở các lĩnh vực khác nhau.
Kỹ năng mềm
Bên cạnh thuật ngữ “kỹ năng sống” được phổ biến một cách rộng rãi trong lĩnh vực giáo dục và xã hội thì thuật ngữ “kỹ năng mềm” (Soft Skills) cũng là một trong những vấn đề được quan tâm - nhất là các đối tượng đang chuẩn bị cho quá trình lập thân - lập nghiệp. Ngày nay, trình độ học vấn và bằng cấp chưa đủ để quyết định trong việc tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động. Họ còn căn cứ vào yếu tố cá nhân như sự nhạy bén khi xử lý công việc và giao tiếp của mỗi người lao động..., các yếu tố này được người ta gọi là “kỹ năng mềm”.
Có khá nhiều quan niệm khác nhau hay định nghĩa khác nhau về kỹ năng mềm tuỳ theo lĩnh vực nghề nghiệp, góc nhìn chuyên môn, ngữ cảnh phát biểu và thậm chí là việc đặt thuật ngữ này bên cạnh những thuật ngữ nào.Hiểu một cách đơn giản kỹ năng mềm là những kỹ năng con người tích luỹ được để làm cho mình dễ dàng được chấp nhận, làm việc thuận lợi và đạt được hiệu quả.
Theo tác giả D.M. Kaplan thì kỹ năng mềm là những kỹ năng mà con người có được ngoài yếu tố chuyên môn và sự chuyên nghiệp xét trên lĩnh vực công việc. Đó còn được xem là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc của con người, thể hiện khả năng tinh thần của cá nhân. Nói cách khác, kỹ năng mềm thể hiện sự tồn tại và vận dụng một cách hiệu quả những đặc điểm của cá nhân như: thân thiện, vị tha, biết chấp nhận người khác...
Một vài tác giả khác như E.A. Leutenberg, J.J. Liptak lại cho rằng kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn của nghề nghiệp đang sở hữu mà nó thể hiện cái riêng về mặt cá tính của cá nhân trong công việc và trong mối quan hệ với người khác.
Tác giả Forland, Jeremy cho rằng kỹ năng mềm là một thuật ngữ thiên về mặt xã hội để chỉ những kỹ năng có liên quan đến việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp, khả năng hoà nhập xã hội, thái độ và hành vi ứng xử hiệu quả trong giao tiếp giữa người với người. Nói khác đi, đó là kỹ năng liên quan đến việc con người hoà mình, chung sống và tương tác với cá nhân khác, nhóm, tập thể, tổ chức và cộng đồng.
Như vậy, có thể nói có khá nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng mềm, trong đề tài này tác giả sử dụng định nghĩa kỹ năng mềmnhư sau: Kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn mà thiên về mặt tinh thần của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, công việc nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả.
Phân loại kỹ năng mềm
Do kỹ năng mềm có nhiều cách định nghĩa khác nhau nên việc phân loại cũng có sự khác nhau, có thể nêu ra một số hướng phân loại cơ bản như sau:
Hướng thứ nhất, chia thành hai nhóm gồm: Nhóm kỹ năng tương tác với con người (Cá nhân với cá nhân, cá nhân với tổ chức) và nhóm kỹ năng hỗ trợ cho quá trình làm việc của cá nhân tại một thời điểm, địa bàn và vị trí cụ thể trong nhóm, tổ chức.
Hướng thứ hai, đề cập đến các nhóm sau: Nhóm kỹ năng trong quan hệ với con người và nhóm kỹ năng thuộc về sự tự chủ trong công việc và những hành vi tích cực trong nghề nghiệp.
Hướng thứ ba, cho rằng kỹ năng mềm bao gồm: Nhóm kỹ năng hướng vào bản thân và nhóm kỹ năng hướng vào người khác.
Vai trò quan trọng của kỹ năng mềm trong học tập và lao động đối với sinh viên
Sinh viên các ngành với đặc thù dù là ngành học thuộc nhóm ngành khoa học xã hội hay tự nhiên vẫn cần vận dụng tốt khả năng giao tiếp, ứng xử sử dụng ngôn từ một cách chuẩn xác. Nên việc thường xuyên rèn luyện, nâng cao kỹ năng mềm là vấn đề rất quan trọng để công việc học tập và lao động đạt hiệu quả cao.
Kỹ năng mềm trong học tập
Trong môi trường đại học, sinh viên cần vận dụng nhiều kỹ năng mềm khác nhau để phục vụ công việc học tập và các hoạt động của lớp, đoàn đội hội nhóm.
Theo kết quả nghiên cứu của tác giả thì hơn 90% sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc trong phương pháp học tập có vận dụng kỹ năng mềm vào các môn học và khi tham gia các phong trào. Kỹ năng đầu tiên phải kể đến là kỹ năng học và tự học. Khi đào tạo theo chương trình hệ đại học sinh viên phải tiếp thu khối lượng kiến thức rất lớn, nghiên cứu tài liệu cả trong và ngoài nước nên việc xây dựng cho mình một phương pháp học tập hợp lí là hết sức quan trọng. Với sinh viên luật, bên cạnh việc tìm hiểu các văn bản pháp luật còn phải có những kiến thức chungvề các vần đề xã hội, thậm chí là nếp sống, văn hóa của từng vùng miền. Vậy nên, vấn đề hình thành một kế hoạch học tập khoa học, khả năng tra cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin hiệu quả là yêu cầu bắt buộc phải có.
Có những học phần khi thi giữa kỳ giảng viên yêu cầu thuyết trình bài thu hoạch của nhóm trước lớp. Đây là lúc sinh viên được rèn luyện kỹ năng thuyết trình, sự tự tin khi nói trước đám đông, đồng thời mạnh dạn hơn khi trình bày quan điểm. Với sinh viên thì khả năng thuyết trình tốt có tầm quan trọng đặc biệt cho việc hành nghề sau này, giữ vai quan trọng quyết định sự thành công.
Việc học tập với áp lực của những kì thi cùng với đó là các hoạt động của trường, lớp khối lượng công việc là không hề nhỏ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để không quá tải cho sinh viên mà vẫn đảm bảo được kết quả tốt. Muốn giải quyết tình trạng này, sinh viên phải biết cân đối giữa học tập và tham gia các hoạt động của trường, lớp đảm bảo hiệu quả công việc và sức khỏe cho mình. Để thực hiện được điều đó, việc trang bị kỹ năng quản lí thời gian đóng vai trò then chốt. Sinh viên cần phải phân chia thời gian hợp lí cho từng công việc, đảm bảo tính khoa học, hiệu quả cao. Như vậy, có thể thấy kỹ năng mềm là công cụ đắc lực giúp sinh viên học tập tốt hơn, giúp việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức của sinh viên đạt hiệu quả cao. Đồng thời cũng là yếu tố quan trọng giúp sinh viên thuận lợi hơn khi tham gia các hoạt động, phong trào của lớp, của trường. Quá trình rèn luyện, tích lũy kỹ năng của sinh viên khi học đại học là rất quan trọng, đó là hành trang không thể thiếu khi sinh viên ra trường, bước chân vào môi trường làm việc.
Kỹ năng mềm trong lao động
Theo UNESCO mục đích học tập là: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”. Như vậy, theo quan điểm trên thì việc học tập không chỉ là để biết, có nhận thức đúng về bản chất sự việc mà đòi hỏi phải biết vận dụng những kiến thức đó vào việc làm, xây dựng văn hóa ứng xử tốt đẹp để chung sống và để tự khẳng định chính bản thân.
Quá trình sinh viên tích lũy vốn kỹ năng cho mình có ý nghĩa trọng yếu trong hoạt động lao động vì khi sở hữu kỹ năng tốt thì công việc sẽ thuận lợi hơn. Người lao động sẽ đạt được hiệu quả công việc cao hơn nếu biết vận dụng các kỹ năng, kỹ xảo của mình khi lao động. Có thể thấy, khi tuyển dụng người sử dụng lao động không chỉ nhìn vào bằng cấp, bảng điểm của ứng viên mà họ còn quan tâm đến kỹ năng của người lao động, sự nhạy bén, khả năng ứng biến để giải quyết vấn đề. Thực tế cho thấy, kỹ năng mềm quyết định hơn 75% sự thành công và kỹ năng mềm là vấn đề thường được nhắc đến khi các doanh nhân chia sẻ bí quyết thành công của họ.
Khi dấn thân vào môi trường làm việc, bạn không chỉ vận dụng các kỹ năng nghề nghiệp để phục vụ cho công việc mà cần phải phát huy tối đa kỹ năng mềm đã tích lũy, đồng thời không ngừng học hỏi, rèn luyện những kỹ năng mới. Việc bạn có được cấp trên đánh giá cao hay không, không chỉ quyết định ở hiệu quả công việc mà còn dựa vào cách bạn cử xử với đồng nghiệp, cấp trên. Cũng vì vậy mà năng lực của con người được đánh giá trên cả ba khía cạnh: kiến thức, kỹ năng và thái độ.
Từ những luận điểm trên, có thể kết luận rằng kỹ năng mềm có tầm quan trọng đặc biệt đối với thành công của mỗi người. Sinh viên muốn chớp lấy những cơ hội tốt để tạo dựng sự nghiệp cần phải nổ lực rèn luyện một cách toàn diện từ kiến thức, kỹ năng đến thái độ trong công việc và cuộc sống. Tích cực phát huy tính chủ động, ham học hỏi và không ngừng nâng cao năng lực tư duy, sáng tạo của bản thân.
Một số kỹ năng mềm cơ bản cần thiết cho sinh viên trường đại học
Trên cơ sở những kỹ năng được ưu tiên lựa chọn đào tạo cho người lao động Việt Nam và những kỹ năng thường được giảng dạy ở các trường đại học trong và ngoài nước. Có thể chọn lọc một số kỹ năng mềm cơ bản cần thiết cho sinh viên, bao gồm 10 kỹ năng sau đây: Kỹ năng lãnh đạo; Kỹ năng giao tiếp, ứng xử và đàm phán; Kỹ năng sáng tạo; Kỹ năng thích nghi; Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng giải quyết vấn đề; Kỹ năng tự học; Kỹ năng lập kế hoạch và tổ chức công việc; Kỹ năng lắng nghe và học hỏi lời phê bình của người khác; Kỹ năng làm việc nhóm;…
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Đức Chính (2012), "Chương trình giáo dục đại học", Giáo dục đại học Việt Nam, Những vấn đề về chất lượng và quản lý, Nhà xuất bản ĐHQG Hà Nội.
2. Max. A. Eggert (2012), Kỹ năng mềm cho người đi làm - Ngôn ngữ cơ thể NXB Trẻ.
3. Nguyễn Thị Hảo (2015), GD kỹ năng mềm cho SV ĐH của một số nước trên thế giới và đề xuất cho Việt Nam.