0236.3650403 (221)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHẤT LƯỢNG TRONG MÔI TRƯỜNG CẠNH TRANH


Các tổ chức trên toàn thế giới hiện nay đều đang phải đối đầu với thách thức “chất lượng”. Quá trình toàn cầu hóa, tính cạnh tranh và nhu cầu ngày càng tăng đã và đang làm thay đổi quy luật của cuộc chơi trên thị trường. Chất lượng không còn là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần nữa mà nó đã trở thành một vấn đề mang tính chiến lược hàng đầu, liên quan đến sự sống còn của tất cả các tổ chức khác nhau.

Trong xu thế toàn cầu hóa, các công ty thuộc mọi quốc gia trên thế giới muốn tồn tại và phát triển, họ phải chấp nhận cạnh canh lẫn nhau. Muốn vậy họ cần giải quyết nhiều yếu tố, trong đó có một yếu tố then chốt là chất lượng.

Các thay đổi gần đây trên toàn thế giới đã tạo ra những thách thức mới trong kinh doanh khiến các doanh nghiệp ngày càng coi trọng chất lượng. Khách hàng ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng và đảm bảo chất lượng. Để thu hút khách hàng, các công ty cần phải đưa chất lượng vào nội dung quản trị.

Nếu như những năm trước đây, các quốc gia còn dựa vào các hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật để bảo vệ nền sản xuất trong nước thì ngày nay trong bối cảnh quốc tế hóa mạnh mẽ của thời đại hậu công nghiệp, với sự ra đời của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) và thỏa ước về Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), mọi nguồn lực và sản phẩm ngày càng tự do vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Các công ty đã chuyển vốn và sản xuất vào những quốc gia có khả năng đem lại lợi nhuận cao hơn. Sản phẩm có thể được thiết kế tại một quốc gia, sản xuất tại một số quốc gia và thị trường là toàn cầu. Các nhà sản xuất, phân phối và khách hàng ngày nay có quyền lựa chọn sản phẩm có chất lượng cao với giá cả phù hợp từ mọi nơi trên thế giới.

Các cuộc khảo sát ở các nước công nghiệp chủ yếu cho thấy rằng, những công ty thành công trên thương trường đều là những công ty đã nhận thức và giải quyết thành công bài toán chất lượng. Họ đã thỏa mãn yêu cầu của khách hàng trong nước và quốc tế. Cuộc cạnh tranh toàn cầu đã và sẽ trở nên mạnh mẽ với quy mô và phạm vi ngày càng lớn.

Đối với các nước đang phát triển và cả các nước công nghiệp, các nguồn lực tự nhiên không còn là chìa khóa để đem lại sự phồn vinh. Thông tin, kiến thức và một khối lượng đông đảo nhân viên có kỹ năng, có văn hóa và một tác phong làm việc công nghiệp mới là những nguồn lực thực sự đem lại sức cạnh tranh. Con người càng được thông tin đầy đủ hơn sẽ càng biết rõ hơn những gì đang diễn ra trên thế giới và muốn vươn tới những gì làm cuộc sống con người dễ chịu hơn, tiện nghi hơn.

Nhiều quốc gia không có nguồn tài nguyên dồi dào đã bù đắp lại bằng lực lượng lao động có trình độ cao, đào tạo huấn luyện kỹ càng. Lịch sử hiện đại đã chứng tỏ một quốc gia không có lợi thế về tài nguyên có thể trở thành quốc gia hàng đầu vè chất lượng và quản trị chất lượng.

Nhật Bản và Đức là những quốc gia bại trận trong đại chiến thế giới thứ hai nhưng họ đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đầy sức mạnh. Một trong những yếu tố đem lại sự thành công này là cả hai đều quan tâm và giải quyết thành công bài toán chất lượng.

Như vậy, có thể nói hơn bao giờ hết và hầu hết các công ty trong mọi quốc gia thuộc mọi loại hình đều quan tâm đến chất lượng và đều có những nhận thức đúng đắn về chất lượng.

Nói chung, trong môi trường kinh doanh ngày nay đang trở nên đa dạng và phức tạp hơn, thì những yếu tố liên quan đến chất lượng của hàng hóa và dịch vụ đã được xem là những yếu tố quyết định sự thành công trong kinh doanh. “Chúng ta bị cuốn vào thế kỷ sắp đến với việc sẽ phải tập trung cho chất lượng. Chúng ta đang phải từ bỏ việc đã làm lâu nay là tập trung cho năng suất. Tiến sĩ J.M Juran, một chuyên gia nổi tiếng của Mỹ, đã phát biểu như trên vào những năm cuối của thế kỷ 20, những năm khởi đầu cho sự tăng tốc của toàn cầu hóa kinh tế.

 

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung