0236.3650403 (221)

TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÂU TRÚC TỔ CHỨC KHI THỰC THI CHIẾN LƯỢC KINH DOANH TRONG DOANH NGHIỆP


1/ Mối quan hệ giữa cấu trúc tổ chức và thực thi chiến lược kinh doanh

            Một cấu trúc tổ chức hữu hiệu tạo ra tính ổn định cho công ty để nó thực hiện thành công các chiến lược và duy trì lợi thế cạnh tranh hiện tại, đồng thời cũng cung cấp tính linh hoạt cần thiết để phát triển các lợi thế cạnh tranh cho chiến lược tương lai. Nói cách khác, tính ổn định của cấu trúc tổ chức cung cấp cho công ty khả năng quản trị các công việc hàng ngày một cách kiên định và có thể dự đoán trước, trong khi tính linh hoạt của cấu trúc tổ chức cung cấp các cơ hội khai thác các khả năng cạnh tranh và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động sẽ định dạng lợi thế cạnh tranh của công ty để nó thành công trong tương lai. Một cấu trúc tổ chức tốt phải cho phép công ty khai thác các lợi thế cạnh tranh hiện tại trong khi lại cho phép nó phát triển các lợi thế mới.

            Những biến đổi trong chiến lược hiện tại của công ty hay việc lựa chọn một chiến lược mới cần đến những thay đổi về cấu trúc tổ chức. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, tính ì của tổ chức thường cản trở các nổ lực thay đổi tổ chức, thậm chí ngay cả khi sự giảm sút về hiệu suất tổ chức báo hiệu đã đến lúc phải thay đổi cấu trúc. Trong nghiên cứu của mình, Alfred Chandler thấy rằng các tổ chức thay đổi cấu trúc của họ chỉ khi sự kém hiệu quả thức ép nó phải làm vậy. Các công ty dường như thích cấu trúc hiện tại và các mối liên hệ quen thuộc cho đến khi hiệu suất của nó giảm đến mức mà sự thay đổi là tuyệt đối cần thiết.

            Rất khó phát triển một cấu trúc tổ chức có thể hỗ trợ một cách hữu hiệu chiến lược của công ty. Tính không chắc chắn ẩn chứa trong các mối quan hệ nhân quả, môi trường cạnh tranh năng động và nền kinh tế toàn cầu thay đổi nhanh chóng chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra các khó khăn cho sự tương thích của cấu trúc tổ chức với chiến lược.

            Khi các yếu tố của cấu trúc tổ chức được thiết kế phù hợp với các yếu tố khác, nó sẽ thúc đẩy việc thực hiện chiến lược một cách hữu hiệu. Do vậy, cấu trúc tổ chức là một bộ phận quyết định của quá trình thực thi chiến lược hữu hiệu. Cấu trúc của công ty xác định công việc phải làm và làm thế nào đối với một chiến lược hay các chiến lược nhất định. Như vậy, cấu trúc tổ chức ảnh hưởng đến cách thức làm việc và ra quyết định của các nhà quản trị. Bằng việc hỗ trợ thực thi chiến lược, cấu trúc tổ chức liên quan đến quá trình thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức.

2/ Vai trò của cấu trúc tổ chức

            Chiến lược chỉ có thể thực thi thông qua cấu trúc tổ chức, vì thế sau khi xây dựng chiến lược cho công ty các nhà quản trị chiến lược cần phải thực hiện ngay bước tiếp theo đó là thiết kế cấu trúc tổ chức.

            Các hoạt động tạo giá trị của mỗi thành viên tổ chức sẽ có ý nghĩa trừ khi có một cấu trúc tổ chức để gắn con người với nhiệm vụ và kết nối các hoạt động của những con người cùng một bộ phận hay giữa các bộ phận khác nhau. Mỗi một chức năng trong tổ chức cần phải phát triển một năng lực gây khác biệt thông qua một hoạt động tạo giá trị theo hướng tăng hiệu quả, chất lượng, cải tiến và đáp ứng khách hàng. Như vậy, mỗi chức năng cần có trong một cấu trúc phải được thiết kế rõ ràng, qua đó có thể chuyên môn hóa, phát triển các kỹ năng, và đạt năng suất cao hơn. Tuy nhiên, khi các chức năng trở nên chuyên môn hóa hơn, mỗi bộ phận lại thường theo đuổi các mục tiêu riêng của mình một cách mù quáng, họ đánh mất khả năng nhìn nhận yêu cầu truyền thông và phối hợp với các chức năng khác. Ví dụ, các mục tiêu của hoạt động R&D là tập trung vào cải tiến và thiết kế sản phẩm, các mục tiêu của chế tạo thường là hướng tới hiệu quả. Nếu cứ để mặc cho các hoạt động tự thân như vậy diễn ra thì các chức năng này sẽ ít có tiếng nói chung với các chức năng khác và bỏ lỡ các cơ hội tạo giá trị thông qua các hoạt động phối hợp.

            Cấu trúc tổ chức là phương tiện để các nhà quản trị có thể phối hợp các hoạt động giữa những chức năng này hay các bộ phận khác nhau nhằm khai thác đầy đủ các kỹ năng và năng lực của họ. Ví dụ, để theo đuổi một chiến lược dẫn đạo chi phí thì công ty phải thiết kế một cấu trúc để thúc đẩy sự phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động của bộ phận chế tạo với R&D, qua đó đảm bảo rằng các sản phẩm cải tiến có thể được sản xuất theo cách thức hiệu quả và tin cậy. Để có được lợi ích từ sự cộng hưởng giữa các bộ phận, nhà quản trị phải thiết kế các cơ chế cho phép mỗi bộ phận có thể truyền thông và chia sẻ các kỹ năng và hiểu biết mình. Và mục tiêu của chúng ta trong phần này là xem xét các khối cơ bản của cấu trúc tổ chức để hiểu được cách thức định hướng các hành vi của con người, các chức năng và bộ phận.

 

ThS. Đặng Thanh Dũng – Khoa QTKD