TÀI SẢN TÀI CHÍNH
a. Khái niệm tài sản tài chính.
Tài sản nói chung là bất cứ vật sở hữu nào mà có giá trị trong trao đổi. Tài sản gồm có hai loại: tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình là những tài sản mà giá trị của nó tùy thuộc vào những thuộc tính tự nhiên của nó. Tài sản vô hình là những tài sản mà giá trị của nó không liên quan gì đến hình thức vật lý của nó mà dựa vào trái quyền hợp pháp của nó trên một lợi ích tương lai nào đó.
Tài sản tài chính là một dạng điển hình của tài sản vô hình. Các loại tài sản tài chính bao gồm:
- Tín phiếu kho bạc
- Trái phiếu kho bạc
- Trái phiếu chính phủ
- Cổ phiếu thông thường
- Cổ phiếu ưu đãi
- Sổ tiền gửi tiết kiệm
- Hợp đồng quyền chọn.
b. Định giá tài sản tài chính.
Định giá tài sản tài chính là quyết định một cách chính xác và công bằng giá trị hay giá cả của tài sản tài chính. Nguyên tắc chung áp dụng cho mọi tài sản tài chính là rằng: “giá trị của tài sản tài chính bằng hiện giá của thu nhập tiền tệ kỳ vọng”. Khi đưa ra quyết định lãi suất chiết khấu cần lưu ý đến mức độ rủi ro của từng loại tài sản tài chính mà nhà đầu tư phải gánh chịu khi đầu tư vào tài sản tài chính đó. Nói chung rủi ro đầu tư có thể bao gồm:
·Rủi ro tín dụng: Loại rủi ro này phát sinh do người vay vốn hay người phát hành chứng khoán không thể trả được nợ vay.
·Rủi ro sức mua tiền tệ, hay rủi ro do lạm phát: loại rủi ro này phát sinh do sự giảm sút sức mua đối nội của tiền tệ gây ra
·Rủi ro hối đoái: Loại rủi ro này do sự giảm sút sức mua đối ngoại của tiền tệ gây ra.
·Rủi ro lãi suất: Loại rủi ro này do sự thay đổi lãi suất thị trường gây ra. Chẳng hạn khi mua trái phiếu lãi suất thị trường gia tăng khiến giá trái phiếu giảm và nhà đầu tư phải gánh chịu rủi ro do lãi suất thay đổi.
Đối với những loại tài sản tài chính nào có mức rủi ro cao hơn mức rủi ro bình quân trên thị trường khi định giá chúng ta cần thêm vào lãi suất chiết khấu phần rủi ro, chẳng hạn khoảng từ 3 đến 5% để bù đắp rủi ro.
c. Chức năng của tài sản tài chính.
Tài sản tài chính có hai chức năng kinh tế cơ bản.
+ Thứ nhất là chuyển dịch vốn thặng dư để đầu tư vào tài sản hữu hình. Thực hiện chức năng này tài sản tài chính góp phần giúp chuyển dịch vốn nhàn rỗi từ nhà đầu tư sang cho nhà phát hành sử dụng. Điều này mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư lẫn nhà phát hành. Nhà đầu tư có cơ hội sử dụng vốn của mình nhằm mục đích sinh lợi còn nhà phát hành giải quyết được nhu cầu thiếu hụt vốn của mình.
+ Thứ hai là chức năng phân tán rủi ro đầu tư tài chính hữu hình cho các nhà đầu tư tài sản tài chính. Thực hiện chức năng này tài sản tài chính góp phần giúp cho nhà phát hành hay nhà sản xuất kinh doanh chia sẻ được một phần rủi ro trong kinh doanh của mình cho nhà đầu tư. Tuy nhiên nhà đầu tư chỉ có thể chấp nhận chia sẻ một phần rủi ro với nhà sản xuất kinh doanh khi nào họ kỳ vọng thu được lợi nhuận thoả đáng cho khoản đầu tư của họ. Nếu rủi ro của khoản đầu tư càng cao thì họ đòi hỏi lợi nhuận bù đắp rủi ro càng lớn.
d. Các tính chất của tài sản tài chính.
* Tính tiền tệ - một số tài sản tài chính có thể sử dụng làm trung gian trao đổi và thanh toán các giao dịch tiền tệ.
* Tính có thể phân chia giá trị - tài sản tài chính có thể có mệnh giá theo từng mức độ lớn nhỏ khác nhau cho tiện lợi trong giao dịch.
* Tính có thể chuyển đổi thành tiền - tài sản tài chính có thể thu hồi lại và chuyển đổi thành tiền như trước lúc đầu tư.
* Tính có thời hạn - mỗi tài sản tài chính có thời hạn đáo hạn nhất định.
* Tính thanh khoản - Tài sản tài chính có thể thanh lý để thu hồi tiền mặt.
* Tính có thể chuyển đổi - tài sản tài chính có thể chuyển đổi từ dạng này sang dạng khác, chẳng hạn chuyển đổi từ cổ phiếu ưu đãi sang cổ phiếu thông thường hay từ trái phiếu sang cổ phiếu thông thường.
* Tính hối đoái - tài sản tài chính có thể biểu hiện giá trị của nó bằng nhiều loại tiền tệ khác nhau, chẳng hạn tiền gửi bằng đolla Mỹ nhưng lãi hàng tháng lãnh bằng tiền đồng.
* Tính sinh lợi - tài sản tài chính được hưởng lợi tức trên số vốn đầu tư, chẳng hạn như cổ tức, lãi hàng năm từ việc mua trái phiếu hay lợi vốn do sự gia tăng giá cả của tài sản tài chính.
* Tính phức hợp - tài sản tài chính có thể là một phức hợp của nhiều tài sản tài chính đơn giản, chẳng hạn như trái phiếu có thể chuyển đổi (convertible bonds) là một phức hợp giữa trái phiếu (bonds) và quyền chọn (options).
* Tính chịu thuế - tài sản tài chính do có tính sinh lợi nên có cũng là đối tượng thu thuế lợi tức.
ThS. Nguyễn Thị Hạnh – Khoa QTKD