TÀI CHÍNH VI MÔ Ở THÁI LAN
* Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan
Thái Lan có sự ổn định tương đối về chính trị và có sự tăng trưởng đáng kể trong một vài thập kỷ gần đây. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế trung bình khoảng 8% một năm trong giai đoạn 1990-1994, tốc độ này chậm hơn trong giai đoạn 1997 - 1999 do tác động của khủng hoảng trong khi tỉ lệ lạm phát trung bình là 5% trong giai đoạn 1984 - 1994. Khoảng 60,3 triệu người, tương ứng với 80% dân số Thái Lan sống ở khu vực nông thôn.
Chính phủ Thái Lan bắt đầu cải cách chính sách tài chính từ năm 1989. Năm 1992, lãi suất được thả nổi và tỉ lệ chiết khấu của Ngân hàng Thái Lan cũng được điều chỉnh phù hợp với nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, một vài lĩnh vực chính như nông nghiệp vẫn duy trì suất ưu tiên.
Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) thành lập năm 1966 với mục đích kích thích nông nghiệp phát triển bằng việc mở rộng các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp. Nó thay thế ngân hàng hợp tác đang bị hạn chế về vốn và các hoạt động cho vay với các hợp tác xã nông nghiệp, BAAC hoạt động như một ngân hàng quốc doanh dưới sự kiểm soát của Bộ tài chính, nó có thể cung cấp các khoản vay có liên quan tới hoạt động nông nghiệp.
BAAC được hưởng một số ưu đãi do chỉ phục vụ cho lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn, được miễn một vài khoản thuế nhất định (như thế thu nhập) hoặc dự trữ bắt buộc trên số tiền huy động. Ngân hàng Thái Lan yêu cầu các ngân hàng thương mại đầu tư ít nhất 20% số tiền huy động vào lĩnh vực nông nghiệp, hoặc trực tiếp hoặc thông qua BAAC. Hầu hết các ngân hàng đều lựa chọn cách thứ hai là thông qua BAAC, do vậy nguồn vốn ở BAAC ngày càng phát triển và ổn định. Các ngân hàng thương mại đều phải chịu những chi phí quản lý có liên quan đến các dịch vụ và huy động vốn chứ không phải BAAC.
BAAC có quyền tự quyết trong việc thiết lập các chính sách tài chính và chính sách hoạt động.Ngân hàng này tập trung chủ yếu vào nhóm người vay có thu nhập trung bình và thấp. Hỗ trợ cho chiến lược này là chính sách lãi suất trợ cấp lũy tiến, trong đó những món vay càng lớn sẽ chịu mức lãi suất càng cao, mức trần đánh trên số lượng món vay và các khoản vay sẽ được cung cấp cho những hộ nông dân nhỏ không có tài sản thế chấp truyền thông thông qua các nhóm vay. Ban đầu, BAAC chủ yếu cho những hợp tác xã nông nghiệp có quy mô lớn, nhưng do một số vướng mắc trong hoàn trả mà sau đó BAAC chuyển sang trực tiếp cho cá nhân người nông dân vay.
Nguyễn Thị Hạnh- Khoa QTKD