Tái cấu trúc ngân hàng – Vấn đề cấp thiết
Thời gian gần đây, trong xu thế khủng hoảng chung, ngành Ngân hàng cũng đã bộc lộ nhiều yếu kém trong việc quản lý rủi ro và quản trị ngân hàng, dẫn đến thực trạng hệ thống ngân hàng Việt Nam phải đương đầu với tỷ lệ nợ xấu cao nhất khu vực, chiếm 8,82% tổng dư nợ ( theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – 9/2012). Vì vậy, trong thời gian gần đây, bài toán khó liên quan đến vấn đề xử lý nợ xấu của các ngân hàng luôn là vấn đề nan giải và làm đau đầu cho các nhà quản trị hệ thống ngân hàng. Quản trị ngân hàng và quản lý rủi ro song hành với việc đẩy mạnh tiến trình tái cấu trúc sẽ tiếp tục là thách thức của các ngân hàng từ bây giờ cho đến hết giai đoạn 2010- 2015.
Trong tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang chứa đựng nhiều bất ổn như hiện nay, có nhiều nguyên nhân buộc các ngân hàng phải tái cấu trúc một phần hoặc toàn diện để xử lý các vấn đề tồn tại, đặc biệt là nợ xấu. Có thể kể ra một số nguyên nhân như sau:
- Kinh tế tài chính khủng hoảng, nền kinh tế lâm vào suy thoái, trì trệ.
- Nợ xấu gia tăng (căng thẳng của khu vực thực và rủi ro quá mức đối với lĩnh vực bất động sản, ngoại hối, các doanh nghiệp thua lỗ (kể cả doanh nghiệp nhà nước), cho vay bên quen biết…..)
- Vai trò trung gian của các ngân hàng không hiệu quả, luồng tín dụng không đủ, làm rủi ro bị đẩy lên quá mức vì nhiều khía cạnh (không thu hồi được nợ, tăng trưởng tín dụng không được kiểm tra, lãi suất bị bóp méo, tiền nóng...)
- Hệ thống giám sát và quản lý còn yếu, khách hàng thiếu niềm tin vào các tổ chức tín dụng.
Mục tiêu của hoạt động tái cấu trúc hiện này khá rõ ràng. Trong ngắn và trung hạn, hoạt động này nhằm duy trì sự ổn định của hệ thống ngân hàng; đảm bảo khả năng chi trả, thanh khoản và các trung gian tài chính không bị đình trệ. Giải quyết các vấn đề một cách kịp thời nhằm ngăn ngừa sự lây lan hoặc các vấn đề hệ thống và khôi phục niềm tin từ phía khách hàng. Trong dài hạn, hoạt động tái cấu trúc nhằm xây dựng một khuôn khổ quản trị mới, mang tính cạnh tranh và chống chịu cao, đẩy mạnh chiến lược hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Như ta đã thấy, hoạt động tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là một hành động cần thiết và quan trọng hiện nay. Song nó chứa đựng nhiều rủi ro và khó khăn mà không dễ dàng giải quyết được trong thời gian ngắn. Trên cơ sở nhân định những khó khăn đó, ta cần phải có những giải pháp cụ thể và bền vững cho hoạt động này.
Chính phủ cần phải đưa ra một hành lang pháp lý rõ ràng cho hoạt động sáp nhập. Những văn bản cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và xu hướng phát triển chung sẽ giúp hoạt động tái cấu trúc được thực hiện tốt hơn. Về phía Ngân hàng nhà nước, cần phải làm rõ hơn trách nhiệm quản lý hệ thống ngân hàng của mình, nắm vững các thông số, tình hình của các ngân hàng vừa và nhỏ để có biện pháp xử lý thích hợp trong tình huống xấu, cũng như tìm kiếm một đối tác và phương pháp hợp lý để tái cấu trúc các ngân hàng cho phù hợp.
Nhưng quan trọng hơn cả, đối với các ngân hàng thương mai cổ phần, cần phải chủ động trong các hoạt động của mình, chủ động trong việc sáp nhập. Xác định rõ hướng đi của mình và xây dựng một kế hoạch chiến lược dài hạn, đa dạng hóa sản phẩm cũng như có phương án kinh doanh và cơ cấu thích hợp khi tiến hành tái cấu trúc ngân hàng của mình
Th.S Mai Xuân Bình – Khoa QTKD