SỰ KHÁC BIỆT TRONG PHƯƠNG PHÁP THU THẬP DỮ LIỆU GIỮA NGHIÊN CỨU ĐỊNH TÍNH VÀ ĐỊNH LƯỢNG
Sự khác biệt trong thu thập dữ liệu giữa hai phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng còn thể hiện trong phương thức thu thập dữ liệu cho nghiên cứu. Các khác biệt được thể hiện qua nhiều tính chất khác nhau như mục tiêu nghiên cứu, cách trình bày dữ liệu, phương pháp chọn mẫu, cách đặt câu hỏi điều tra và công cụ dùng để phỏng vấn.
Nghiên cứu định lượng nhắm đến việc lượng hóa vấn đề nghiên cứu bằng cách mô tả sự kiện bằng những con số, làm tiền đề cho việc phân tích và xử ly áp dụng thống kê. Ngoài các biến định lượng chủ yếu được đo lường bằng thang đo tỷ số, nhà nghiên cứu thường cố gắng lượng hóa các biến định tính mà chủ yếu là các biến thể hiện nhận thức, thái độ, hành vi của con người bằng cách áp dụng các thang đo thái độ. Dữ liệu thường được ghi nhận dưới dạng các thang đo danh nghĩa, thứ bậc hoặc khoảng. Trong khi đó, nghiên cứu định tính không nhắm đến việc lượng hóa và nhằm vào việc hiểu sâu sắc và mô tả sự vật, hiện tượng nghiên cứu bằng lời.
Ngôn ngữ trình bày trong nghiên cứu định lượng là ngôn ngữ của chính bản thân nhà nghiên cứu. Với góc nhìn độc lập, khách quan không tác động đến vấn đề nghiên cứu, nhà nghiên cứu cố gắng trình bày vấn đề nghiên cứu thông qua sự hiểu biết, quan điểm, cảm nhận và ngôn ngữ của chính mình. Trong khi đó, nghiên cứu định tính lại yêu cầu trình bày kết quả từ góc độ quan điểm và ngôn ngữ của người tham dự, nhằm thông tin lại kết quả nghiên cứu dưới dạng nguyên bản, giúp nhà nghiên cứu hiểu được vấn đề từ góc nhìn của người trong cuộc.
Nghiên cứu định lượng mong muốn hiểu được tổng thể nghiên cứu thông qua mẫu ngẫu nghiên cứu. Vì vậy, một trong những yêu cầu quan trọng để chọn mẫu định lượng là mẫu phải có tính đúng đắn, có nghĩa là mẫu phải mang tính đại diện cho tổng thể. Ngược lại, nghiên cứu định tính không nhắm đến việc tìm hiểu toàn bộ tổng thể nghiên cứu, mà chỉ nhằm vào những mục đích cụ thể nào đó trong nghiên cứu được phản ánh qua những phần tử cụ thể nào đó của tổng thể nghiên cứu. Vì vậy việc nghiên cứu định tính thường áp dụng các phương pháp chọn mẫu có mục đích mà không quan tâm đến tính đại diện của mẫu đối với tổng thể.
Việc thiết kế bảng câu hỏi điều tra giữa hai phương pháp cũng khác nhau. Nghiên cứu định lượng thường áp dụng những câu hỏi soạn sẵn, và định trước các phương pháp trả lời, thang đo của dữ liệu và phương thức xử lý sau khi thu thập. Các phương án kết quả cho trước cũng được mã hóa sẵn để chuyển đổi thông tin đính tính thành thông tin định lượng phục vụ cho việc sử lý thống kê. Trong khi đó, nghiên cứu định tính quan tâm nhiều hơn đến việc tìm hiểu, khám phá bản chất của vấn đề nghiên cứu nên không ràng buộc người trả lời với những phương án ghi sẵn và thường dùng dàn ý phỏng vấn, dùng câu hỏi mở để khơi gợi vấn đề và đi sâu thảo luận.
Giảng viên
Mai Thị Hồng Nhung