SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA LÃNH ĐẠO ĐẾN NHÂN VIÊN
Ảnh hưởng là sự tác động của một bên lên phía bên kia. Bên thực hiện sự tác động gọi là chủ thể, bên chịu ( nhận) sự tác động gọi là đối tượng. Đây là một khái niệm rất rộng , bởi vì chủ thể có thể là một hoặc nhiều người, đối tượng cũng có thể rất khác nhau. Đối tượng cũng có thể là một người, một nhóm người, một tổ chức...Hơn nữa, cường độ ảnh hưởng cũng rất khác nhau và do đó kết cục của nỗ lực ảnh hưởng cũng khác nhau. Kết cục của nỗ lực ảnh hưởng có thể là điều được dự định bởi chủ thể, nó cũng có thể là điều ngược lại so với dự định của chủ thể. Đồng thời, một nỗ lực ảnh hưởng có thể gây ra những mức độ ảnh hưởng khác nhau ở mọi đối tượng.
Nghiên cứu về lãnh đạo là nghiên cứu về sự tác động của con người đến con người. Chủ thể là con người và đối tượng có thể là một người, một nhóm người hay tổ chức.
Khi một nỗ lực ảnh hưởng được thực hiện nó có thể tạo ra các kết cục sau: sự tích cực, nhiệt tình tham gia; sự tuân thủ , sự phục tùng; sự kháng cự, chống đối.
- Sự tích cực, nhiệt tình tham gia (Commitment) : Đối tượng đồng ý về nội tại đối với những hành động, những yêu cầu của chủ thể và sẵn lòng tham gia một cách tích cực trong việc thực hiện các đòi hỏi của chủ thể. Đối tượng tin rằng những điều họ đang làm hoặc được đòi hỏi thực hiện là những điều đúng và sẵn lòng làm việc chăm chỉ và thực hiện những hy sinh để đạt đến những mục tiêu của họ. Khi kết cục này diễn ra thì điều đó có nghĩa là chủ thể đã tác động đến thái độ và hành vi của đối tượng. Đây là kết cục mong muốn của nỗ lực ảnh hưởng.
- Sự tuân thủ , sự phục tùng (Compliance): Đối tượng thực hiện những yêu cầu của chủ thể song không nhất trí với chủ thể về điều phải làm. Họ thực hiện nhiệm vụ với sự lãnh đạm, thờ ơ hơn là sự tích cực nhiệt tình và do đó họ chỉ nỗ lực tối thiểu trong việc thực hiện các yêu cầu của chủ thể. Bạn có thể dễ dàng nhận ra trong kinh nghiệm của mình hoặc của những người xung quanh các trường hợp tranh luận giữa người lãnh đạo và người dưới quyền: khi hai bên có quan điểm khác biệt mà người lãnh đạo không thuyết phục được người dưới quyền song thời gian tính chất của việc thực hiện nhiệm vụ đòi hỏi nhiệm vụ phải được thực hiện thì người dưới quyền thường sẽ nói “tùy cấp trên quyết định và tôi sẽ chấp hành”. Với kết cục này, chủ thể chỉ tác động được đến hành vi của đối tượng song không tác động đến được thái độ của đối tượng. Đối với những nhiệm vụ đơn gian thì kết quả này sẽ cho phép hoàn thành nhiệm vụ. Song, đối với những nhiệm vụ phức tạp và những nhiệm vụ đòi hỏi một sự nỗ lực lớn hơn và sự tự chủ, sáng tạo cao của người dưới quyền thì kết cục này khó dẫn đến việc hoàn thành nhiệm vụ.
Sự kháng cự, chống lại (Resistance):Đây là kết cục tồi tệ nhất của một sự nỗ lực ảnh hưởng. Đối tượng không những không thực hiện yêu cầu của chủ thể mà còn chống lại các yêu cầu đó. Đối tượng sẽ cố gắng một cách chủ động trong việc không thực hiện các đòi hỏi của chủ thể. Sự kháng cự có thể biểu hiện ở những hình thức nhẹ nhàng nhất cho đến căng thẳng như: Buồn rầu, chán nản, trì hoãn việc thực hiện công việc với hy vọng chủ thể sẽ quên đi đòi hỏi của mình, đề nghị lãnh đạo cấp cao hơn vô hiệu hóa đòi hỏi của chủ thể, từ chối việc thực hiện nhiệm vụ, bề ngoài thì làm ra vẻ chấp hành nhưng thực chất thì ngấm ngầm phá hủy việc thực hiện nhiệm vụ, đình công phản đối...
Sự tích cực nhiệt tình tham gia là kết cục được xem là tốt nhất và mong đợi nhất nên những lãnh đạo và các nhà nghiên cứu theo đuổi việc đạt đến kết cục này. Mong đợi này đã dẫn các nhà nghiên cứu đến việc nghiên cứu về quyền lực bởi họ cho rằng những người lãnh đạo có quyền lực mạnh sẽ có ảnh hưởng to lớn và thành công đến những người khác.
LÊ HOÀNG THIÊN TÂN