0236.3650403 (221)

Sự ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô đến công tác quản trị chất lượng của doanh nghiệp


a.Các chính sách kinh tế :

Quản trị chất lượng chịu tác động chặt chẽ bởi các chính sách kinh tế của Nhà nước : Chính sách đầu tư, chính sách phát triển các ngành, chính sách phát triển chủng loại sản phẩm, chính sách thuế, chính sách giá cả, chính sách đối ngoại trong từng thời kỳ, các quy định liên quan đến hoạt  động xuất nhập khẩu ….

Việc kế hoạch hóa phát triển kinh tế cho phép xác định trình độ chất lượng và mức chất lượng tối ưu, xác định cơ cấu mặt hàng, cũng như việc xây dựng chiến lược con người trong tổ chức phù hợp với đường lối phát triển chung của xã hội.

Ví dụ như chính sách đầu tư quyết định quy mô và hướng phát triển của sản xuất. Dựa vào chính sách đầu tư , nhà sản xuất mới có kế hoạch đầu tư cho công nghệ, cho huấn luyện, đào tạo, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm.

Hay chính sách giá cả cho phép doanh nghiệp xác định đúng giá trị sản phẩm của mình trên thương trường. Dựa vào hệ thống giá cả, doanh nghiệp có thể xây dựng các chiến lược cạnh tranh và tìm mọi cách nâng cao chất lượng sản phẩm mà không sợ bị chèn ép về giá.

Có thể nói chính sách kinh tế đóng một vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng những chiến lược sản xuất kinh doanh dài hạn, việc bình ổn và phát triển sản xuất cũng như hiệu quả chung của toàn bộ nền kinh tế.

 

b.Các điều kiện kinh tế - xã hội

-  Trình độ phát triển của nền kinh tế

Chất lượng sản phẩm là nhu cầu nội tại của bản thân sản xuất, cho nên trình độ chất lượng sản phẩm phải phù hợp với khả năng cho phép và sự phát triển chung của toàn bộ nền kinh tế. Logic của vấn đề ở đây là : Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phải phát triển kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, trình độ sản xuất.

-  Những yếu tố văn hóa, truyền thống , thói quen tiêu dùng :

Chất lượng sản phẩm là sự đáp ứng, thỏa mãn những nhu cầu xác định trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Do đó quan niệm về chất lượng của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia cũng khác nhau.

Một sản phẩm ở nơi này được xem là có chất lượng nhưng ở nơi khác lại có thể không chấp nhận được do sự khác nhau bởi tâm trị , truyền thống và thói quen tiêu dùng được hình thành bởi điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế xã hội …

Trình độ văn hóa, nghề nghiệp khác nhau thì những đòi hỏi về chất lượng cũng khác nhau. Do vậy, các doanh nghiệp phải điều tra, nghiên cứu nhu cầu, sở thích của từng khách hàng cụ thể nhằm thỏa mãn yêu cầu của khách hàng là điều kiện quan trọng cho sự thành công.

Chính vì vậy, đối với các doanh nhân nước ngoài, khi thâm nhập thị trường, việc mà họ quan tâm hàng đầu chính là tìm hiểu văn hóa, con người , truyền thống dân tộc nơi mà họ sẽ đến làm việc.

c.Những yêu cầu của thị trường

Đó chính là những đòi hỏi về đặc trưng kỹ thuật, điều kiện cung ứng sản phẩm về mặt chất lượng và số lượng. Nghiên cứu, nhận biết, nhạy cảm thường xuyên với thị trường để định hướng cho các chính sách chất lượng trong hiện tại và tương lai là một trong những nhiệm vụ quan trọng, khi xây dựng những chiến lược phát triển sản xuất trong nền kinh tế thị trường.

d. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật

Ngày nay với sự phát triển nhanh và mạnh mẽ, khoa học kỹ thuật đã và đang trở thành một lực lượng sản xuất trực tiếp. Do đó, chất lượng của bất kỳ sản phẩm nào cũng gắn liền và bị chi phối bởi sự phát triển của khoa học kỹ thuật.

Việc ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất một cách nhanh chóng đã làm cho sản phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều hơn, có khả năng cung cấp được nhiều tiện ích và những điều kiện tối ưu hơn. Nhưng cũng chính vì vậy mà chu kỳ sống của sản phẩm , của công nghệ ngày một ngắn đi, những chuẩn mực về chất lượng cũng thường xuyên trở nên lạc hậu.

Vì vậy, làm chủ được khoa học kỹ thuật, ứng dụng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất những thành tựu của khoa học kỹ thuật vào sản xuất là vấn đề quyết định đối với việc nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời cần phải thường xuyên theo dõi sự đổi mới về khoa học kỹ thuật  nhằm nâng cao chất lượng.

e. Hiệu lực của cơ chế quản trị

Hiệu lực của cơ chế quản trị ảnh hưởng đến chất lượng chủ yếu ở các mặt sau :

- Trên cơ sở một hệ thống luật pháp chặt chẽ quy định những hành vi, thái độ và trách nhiệm pháp trị của nhà sản xuất đối với việc cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng, nhà nước tiến hành kiểm tra theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của người sản xuất nhằm bảo vệ người tiêu dùng.

Căn cứ vào những mục tiêu cụ thể trong từng thời kỳ , nhà nước cho phép xuất nhập khẩu các chủng loại sản phẩm khác nhau. Đây cũng là điều làm cho các nhà sản xuất phải quan tâm khi xây dựng các kế hoạch sản xuất kinh doanh.

-Về chức năng quản trị của Nhà nước đối với chất lượng sản phẩm, việc xây dựng các chính sách thưởng phạt về chất lượng sản phẩm cũng ảnh hưởng đến tinh thần của các doanh nghiệp trong những cố gắng cải tiến chất lượng . Việc khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp thông qua các chính sách về thuế, tài chính là những điều kiện cần thiết để đảm bảo chất lượng.

Giảng viên: Mai Thị Hồng Nhung