RỦI RO CỦA HOẠT ĐỘNG KINH DOANH PHÁI SINH TIỀN TỆ Ở NHTM
1. Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là tình trạng khách hàng hay đối tác của ngân hàng cố tình hoặc rơi vào tình trạng bất khả kháng, không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ cam kết trong hợp đồng giao dịch mua bán ngoại tệ vào thời điểm phát sinh các nghĩa vụ cam kết đó. Rủi ro tín dụng bao gồm rủi ro đối tác và rủi ro do các nguyên nhân về chính trị.
- Rủi ro đối tác
Với mỗi nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối do ngân hàng ký kết với khách hàng sẽ xuất hiện rủi ro do bên đối tác không chịu hay không thể thực hiện trách nhiệm của họ do nguyên nhân khách quan và kết quả là dẫn đến sự thua lỗ.
- Rủi ro chính trị
Là rủi ro xảy ra khi đối tác giao dịch ở nước ngoài (có thể là chính phủ, ngân hàng hay khách hàng) không thể hoặc có thể không thực hiện được các nghĩa vụ cam kết trong mua bán ngoại tệ vào thời điểm phát sinh các nghĩa vụ cam kết mà nguyên nhân dẫn đến rủi ro bất khả kháng này là do chiến tranh, bạo động, cách mạng hay tuyên bố ngừng hoạt động hệ thống thanh toán ra nước ngoài của chính phủ quốc gia đó.
2. Rủi ro thị trường
Rủi ro thị trường được định nghĩa là rủi ro giá trị của các trạng thái nội hoặc ngoại bảng cân đối kế toán chịu ảnh hưởng bất lợi bởi những biến động trong các thị trường chứng khoán, lãi suất, tỷ giá hối đoái hay giá cả hàng hoá.
- Rủi ro về sự thay đổi giá của tài sản cơ sở
Bất kỳ ngân hàng nào kinh doanh các phái sinh cũng chịu những rủi ro trên thị trường, dù chúng được mua bán trên thị trường chính thức hay các công cụ trên thị trường OTC, khi có một sự thay đổi bất lợi trong giá của tài sản cơ sở. Cụ thể, đối với hoạt động kinh doanh ngoại tệ thì sự thay đổi về giá của tài sản cơ sở biểu hiện rõ nét thông qua rủi ro tỷ giá hối đoái. Rủi ro tỷ giá hối đoái là rủi ro đặc thù nhất khi tỷ giá hối đoái biến động, làm ảnh hưởng tới doanh số, giá cả và lợi nhuận của các nhà kinh doanh xuất nhập khẩu cũng như các ngân hàng có tham gia kinh doanh ngoại tệ. Giá trị tài sản và nguồn vốn tính theo đồng nội tệ của nhà đầu tư trở nên bất định. Sự biến động liên tục của tỷ giá tác động trực tiếp đến hoạt động ngoại thương và đầu tư nước ngoài.
- Rủi ro về sự thay đổi giá trị của một phái sinh theo lãi suất
Rủi ro lãi suất còn được gọi là rủi ro tỷ lệ SWAP thường xảy ra trong trạng thái kỳ hạn. Trạng thái kỳ hạn không cân bằng có thể dẫn đến rủi ro lãi suất. Ngay cả trong trạng thái kỳ hạn cân bằng cũng có thể gặp rủi ro lãi suất nếu như thời điểm đáo hạn của các hợp đồng mua và bán không khớp nhau. Sở dĩ như vậy là vì rủi ro đối với trạng thái kỳ hạn nằm ở lãi suất của ngoại tệ mua bán có mặt trong giao dịch đó. Nếu trước thời điểm đáo hạn mà có sự biến động về lãi suất không như mong muốn của một trong hai đồng tiền thì sẽ xảy ra rủi ro lãi suất. Giao dịch SWAP không tác động đến trạng thái ngoại hối mở, do đó trạng thái lãi hay lỗ chỉ chịu tác động của hai đồng tiền có liên quan.
- Rủi ro về sự thay đổi theo thời gian của công cụ phái sinh
Yếu tố này có tác động rõ ràng hơn đến quyền chọn kiểu Mỹ (cả mua và bán), nếu như thời gian còn lại cho đến lúc đáo hạn càng dài thì giá của quyền chọn sẽ càng cao. Xét với hai quyền chọn giống nhau về các yếu tố khác ngoại trừ thời gian cho đến ngày đáo hạn. Người sở hữu quyền chọn có thời gian dài hơn rõ ràng có nhiều thời gian để lựa chọn thực hiện quyền hơn người sở hữu quyền chọn ngắn hơn.
Với quyền chọn kiểu Châu Âu, thời gian đến ngày đáo hạn không thực sự có ảnh hưởng đến giá quyền chọn do cả hai quyền nói trên đều chỉ có thể thực hiện ở thời cùng một thời điểm là ngày đáo hạn.
CH. Nguyễn Thị Thùy Trang – Khoa QTKD