0236.3650403 (221)

"Quản" và "Lý" - Phần 1


Ở đời có những khái niệm rất quen thuộc, hàng này ai cũng dùng, tưởng như ai cũng đã rõ, thế nhưng trong thực tiễn lại thường có sự nhầm lẫn hoặc lệch lạc. Một trong những khái niệm như vậy là “Quản lý”

Quản lý là một từ Việt gốc Hán, được dùng để chỉ cùng loại hoạt động chăm sóc, điều hành đối với các lĩnh vực có tổ chức trong xã hội, từ kinh doanh đến hành chính sự nghiệp, từ tầm vi mô đến tầm vĩ mô. Khi cần phân biệt các loại quản lý khác nhau, ta thường thêm các bổ ngữ như quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh…Bên cạnh từ “quản lý” còn có từ “quản trị”, “cai trị”. 

Có người am hiểu chữ Hán đã tách từ “quản lý” thành 2 thành tố là “quản” và “lý” có nghĩa riêng, được kết hợp với nhau để mang nội hàm đầy đủ. Theo đó, “quản” là quá trình trông coi, giữ gì, duy trì nề nếp quy củ để tạo ra trạng thái tồn tại ổn định, bền vững (chẳng hạn bảo quản, quản chế, quản tài…) không để xảy ra xáo trộn, thất thoát, hư hỏng, rối loạn, đổ vỡ. Còn “lý” là quá trình tạo ra sự vận động ở thế phát triển về cả phương hướng, số lượng, chất lượng, cả về hiệu quả (dường như được diễn nôm là lái liên quan đến lái tàu, lái xe, lái buôn).  

Không rõ về ngôn ngữ học điều đó có đúng không, nhưng xem ra cũng thú vị. Tuy nhiên, đó không chỉ là bàn chuyện chữ nghĩa. Nó giúp ta hình dung quá trình quản lý có 2 mặt tĩnh và động với trạng thái cần có là sự cân bằng động. Qua đó, có thể thấy mục tiêu đầy đủ thể hiện thực chất của quản lý là phải đồng thời đảm bảo tính ổn định (có nề nếp, kỷ cương) và tạo được sử phát triển (ngày càng tốt hơn). Trong đó chính sự phát triển bền vững mới là mục tiêu thực sự.

Sái Thị Lệ Thuỷ (QTKD)