0236.3650403 (221)

QUẢN TRỊ RỦI RO TÀI CHÍNH TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM


Đỗ Văn Tính

Cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam phải thường xuyên đối diện với rủi ro tài chính. Thế nhưng, quản trị rủi ro tài chính của các doanh nghiệp vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Tác động của rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp

Trên thực tế, phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh trên thị trường đều ngại rủi ro, vì thế khi xem xét tác động của rủi ro tài chính, mặt tác động tiêu cực của rủi ro thường được các doanh nghiệp quan tâm xem xét, đánh giá đầy đủ hơn. Những tác động của rủi ro tài chính đối với doanh nghiệp có thể được xem xét trên các khía cạnh cơ bản sau:

Thứ nhất, tác động rủi ro tài chính đến chi phí của doanh nghiệp: Tác động rủi ro tài chính đến chi phí của doanh nghiệp thể hiện ở 3 khía cạnh: Chi phí huy động vốn (hay chi phí sử dụng vốn), chi phí kinh doanh và chi phí khó khăn tài chính của doanh nghiệp. Đối với chi phí huy động vốn, nếu doanh nghiệp có rủi ro tài chính cao, các nhà tài trợ hay đầu tư vốn vào doanh nghiệp bao giờ cũng tính toán phần bù đắp rủi ro. Điều này sẽ làm tăng chi phí sử dụng vốn kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với chi phí kinh doanh, khi rủi ro xảy ra dẫn tới việc gia tăng các khoản chi phí kinh doanh của doanh nghiệp. Những khoản chi phí kinh doanh phát sinh do có rủi ro tài chính như: Chi phí tăng thêm từ giá cả nguyên vật liệu, lãi vay, từ chênh lệch tỷ giá hối đoái trong kinh doanh; các chi phí thiệt hại về tài sản có rủi ro; các chi phí để khắc phục, bồi thường hay xử lý những tổn thất do rủi ro mang lại.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp lâm vào tình trạng suy thoái, phá sản còn xuất hiện các chi phí khó khăn tài chính, bao gồm: Các chi phí khó khăn tài chính trực tiếp liên quan đến thực hiện phá sản doanh nghiệp và các chi phí khó khăn tài chính gián tiếp như mất thị trường, mất khách hàng, chảy máu chất xám, mất thương hiệu… làm cho giá trị doanh nghiệp sẽ bị sụt giảm.

Thứ hai, tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của doanh nghiệp: Xét về lý thuyết, với những dự án mang lại lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn, do đó khi đưa ra quyết định đầu tư thì doanh nghiệp thường xem xét lợi nhuận mà dự án mang lại có tương xứng với những rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải.

Tuy nhiên, khi xét trong dài hạn, những tác động theo chiều hướng xấu của rủi ro tài chính sẽ dẫn tới việc xói mòn lợi nhuận, nếu doanh nghiệp không đưa ra được các biện pháp quản trị rủi ro tài chính hiệu quả. Do đó, khi rủi ro xảy ra sẽ dẫn tới việc gia tăng các khoản chi phí cho doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận của doanh nghiệp có thể xem xét ở nhiều góc độ khác nhau. Trước hết, những rủi ro về giảm giá hàng hóa, dịch vụ đầu ra của doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận thực hiện của doanh nghiệp. Nếu giá bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ biến động bất lợi, giảm thấp dưới giá thành sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, thậm chí thua lỗ và ngược lại.

Tác động của rủi ro tài chính đến lợi nhuận doanh nghiệp còn có thể xem xét từ góc độ tác động của đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận trước thuế, lãi vay và lợi nhuận vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Lý thuyết tài chính đã chỉ ra rằng, nếu doanh nghiệp có đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính cao nhưng quản lý sử dụng chi phí kinh doanh, vốn kinh doanh kém hiệu quả sẽ không tận dụng được tác động tích cực của đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính trong việc gia tăng lợi nhuận, ngược lại làm cho lợi nhuận doanh nghiệp, lợi nhuận vốn chủ sở hữu ngày càng giảm sút. Đây chính là những tác động tiêu cực của rủi ro đòn bẩy kinh doanh, đòn bẩy tài chính đến lợi nhuận doanh nghiệp và lợi nhuận vốn chủ sở hữu.

Rủi ro tài chính cũng tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp từ góc độ rủi ro tín dụng thương mại, rủi ro thanh khoản của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp để khách hàng chiếm dụng vốn quá hạn từ bán chịu hàng hóa, hoặc quản trị dòng tiền không tốt sẽ gây nên tình trạng thiếu vốn kinh doanh, vốn luân chuyển chậm, không bảo toàn được vốn, mất khả năng thanh toán nợ… Điều này cũng ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn và khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Thứ ba, tác động của rủi ro tài chính đến hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Tác động của rủi ro tài chính đến chi phí kinh doanh, lợi nhuận của doanh nghiệp suy cho cùng là tác động tới hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả cao thì tình hình tài chính doanh nghiệp sẽ càng lành mạnh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ càng cao. Điều này giúp doanh nghiệp tránh được các rủi ro trong thanh toán nợ phải trả đến hạn, ngăn ngừa nguy cơ vỡ nợ và rủi ro phá sản trong kinh doanh.

Thứ tư, tác động của rủi ro tài chính đến giá trị doanh nghiệp.

Rủi ro tài chính theo chiều hướng xấu sẽ kéo theo sự sụt giảm dòng tiền mà doanh nghiệp nhận được trong tương lai, trong khi đó do rủi ro gia tăng nên tỷ suất sinh lời đòi hỏi của nhà đầu tư sẽ lớn để bù đắp. Từ đó dẫn tới sự sụt giảm của giá trị doanh nghiệp.

Rủi ro tài chính đã tăng lên đáng kể những năm gần đây. Kết quả của nền kinh tế toàn cầu hoá là rủi ro có thể bắt nguồn từ những sự kiện xảy ra tại các nước cách xa hàng ngàn dặm sang phản ứng của thị trường lại cập nhật và xảy ra hết sức nhanh nhạy. Tình hình kinh tế thị trường có thể bị ảnh hưởng nhanh chóng bởi những thay đổi trong tỷ giá hối đoái, lãi suất, giá cả hàng hoá... Do đó, điều quan trọng là rủi ro tài chính phải được nhận diện, xác định và quản trị thích hợp.

Để hạn chế các loại quản trị rủi ro tài chính, các doanh nghiệp cần triển khai các giải pháp sau:

Thứ nhất, thiết lập bộ phận quản trị rủi ro tài chính. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc những lựa chọn gồm: (i) Thành lập bộ phận quản trị quản trị rủi ro tài chính thuộc phòng quản trị rủi ro; (ii) Thành lập bộ phận quản trị quản trị rủi ro tài chính thuộc phòng quản trị tài chính; (iii) Bổ sung chức năng quản trị quản trị rủi ro tài chính cho các bộ phận quản trị hiện có; (iv) Sử dụng dịch vụ tư vấn quản trị quản trị rủi ro tài chính. Việc lựa chọn mô hình quản trị quản trị rủi ro tài chính nào là tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, năng lực và phong cách của nhà quản trị. Đồng thời, cần tăng cường hoạt động của các câu lạc bộ, các hiệp hội, diễn đàn các nhà quản trị để tăng cường hiệu quả truyền thông phương pháp, kỹ năng và kinh nghiệm quản trị quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp.

Thứ hai, về tiến trình quản trị quản trị rủi ro tài chính, nhà quản trị cần tuân thủ 05 bước, bao gồm: Xác định mục tiêu của doanh nghiệp; Đánh giá quản trị rủi ro tài chính toàn diện; Kiểm soát quản trị rủi ro tài chính; Tài trợ tổn thất; Quản trị chương trình hành động.

Từ các bước về quản trị quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp nêu trên có thể thấy, không tạo ra một quy trình cứng nhắc, mà trên thực tế thứ tự các nội dung có thể thay đổi, xen kẽ, thậm chí hợp nhất tùy theo điều kiện của doanh nghiệp và các diễn biến về nguồn rủi ro.

Thứ ba, về nhận dạng quản trị rủi ro tài chính, các nhà quản trị doanh nghiệp có thể sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau như: Sử dụng bảng liệt kê; Phân tích báo cáo tài chính; Giao tiếp trong nội bộ tổ chức; Giao tiếp với các tổ chức chuyên nghiệp; Phân tích hợp đồng; Nghiên cứu số liệu tổn thất quá khứ. Tuy nhiên, trước hết, cần quan tâm tới các dấu hiệu nhận dạng quản trị rủi ro tài chính cơ bản (rủi ro thanh khoản, phá sản, rủi ro hối đoái...)

Thứ tư, để kiểm soát quản trị rủi ro tài chính, nhà quản trị trước hết cần xác định “khẩu vị rủi ro” của doanh nghiệp mình, thấu hiểu môi trường kinh doanh và nguồn hiểm họa, thấu hiểu cấu trúc tài trợ, cấu trúc dòng tiền và đặc trưng kinh doanh của doanh nghiệp mình. Từ đó, có chính sách chủ động né tránh các giao dịch vi phạm “khẩu vị rủi ro”, ngăn ngừa tổn thất thông qua các thỏa thuận bảo lãnh hoặc chia sẻ rủi ro và tổn thất, quản trị thông tin liên quan tới quản trị rủi ro tài chính, chuyển giao quản trị rủi ro tài chính bằng các thỏa thuận chia sẻ rủi ro hoặc bằng cách sử dụng các công cụ trên thị trường tài chính nhằm giảm thiểu quản trị rủi ro tài chính tổ hợp.

Thứ năm, để tài trợ tổn thất do quản trị rủi ro tài chính, nhà quản trị trước hết cần quan tâm tới các giải pháp, các công cụ giúp tìm kiếm nguồn tài trợ cho các tổn thất gây nên bởi quản trị rủi ro tài chính. Trong đó, cần chú trọng việc sử dụng hài hòa các biện pháp tự tài trợ tổn thất của doanh nghiệp với việc thiết lập các quỹ dự phòng và chia sẻ tổn thất ở cấp độ tập đoàn, hiệp hội, liên minh doanh nghiệp, hoặc tài trợ tổn thất thông qua việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh. Đồng thời, các nhà quản trị cũng phải tính tới việc tài trợ cho các hoạt động quản trị quản trị rủi ro tài chính, tài trợ cho các phương tiện nhận dạng, phân tích và kiểm soát quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp cũng như trong trường hợp doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tư vấn quản trị quản trị rủi ro tài chính.

Bên cạnh các giải pháp đối với doanh nghiệp để tăng cường hiệu lực quản trị quản trị rủi ro tài chính, cần có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như: (i) Tổ chức các khóa đào tạo nâng cao năng lực quản trị quản trị rủi ro tài chính; (ii) Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông chính sách tài chính đối với các doanh nghiệp; (iii) Tiếp tục đẩy mạnh việc minh bạch hóa thông tin tài chính doanh nghiệp, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính doanh nghiệp; (iv) Tổ chức các hoạt động truyền thông về quản trị quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp; (v) Tài trợ cho các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa quản trị quản trị rủi ro tài chính doanh nghiệp với việc gia tăng giá trị doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính, Thông tư số 210/TT-2009/BTC Hướng dẫn áp dụng Chuẩn mực kế toán quốc tế về trình bày báo cáo tài chính và thuyết minh thông tin đối với công cụ tài chính, ban hành ngày 6/11/2009.

2. E&Y và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Báo cáo khảo sát về tình hình thực tiễn hoạt động quản trị rủi ro ở các doanh nghiệp Việt Nam (2012, 2013), Hà Nội.

3. Trịnh Thị Phan Lan, Quản trị rủi ro tài chính trong các doanh nghiệp Việt Nam, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: Kinh tế và Kinh doanh, Tập 32, Số 3 (2016) tr51-59.

4. Vũ Thị Hậu, “Rủi ro tài chính các doanh nghiệp công nghiệp”, Luận án Tiến sĩ, 2014.

5. http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/quan-tri-rui-ro-tai-chinh-trong-cac-doanh-nghiep-viet-nam-129530.html