QÚA TRÌNH KINH DOANH VÀ CHU KỲ KINH DOANH CỦA DOANH NGHIỆP
Kinh doanh là việc thực hiện một số hay toàn bộ các giai đoạn của quá trình đầu tư nhằm mục đích kiếm lời.
Quá trình kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, kỹ thuật, xã hội của từng loại doanh nghiệp, nó gồm có các bước sau:
- Nghiên cứu nhu cầu thị trường về hàng hoá và dịch vụ để quyết định nên sản xuất cái gì.
- Chuẩn bị đồng bộ các yếu tố đầu vào để thực hiện quyết định sản xuất như: lao động, đất đai, thiết bị, vật tư, kỹ thuật, công nghệ.
- Tổ chức tốt quá trình kết hợp chặt chẽ, khéo léo giữa các yếu tố của đầu vào để tạo ra hàng hoá và dịch vụ trong đó lao động là yếu tố quyết định.
- Tổ chức tốt quá trình tiêu thụ hàng hoá và dịch vụ, để thu tiền về.
Chu kỳ kinh doanh là khoảng thời gian từ khi doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu thị trường, đến tiêu thụ sản phẩm thu tiền về lại cho doanh nghiệp. Một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả của kinh doanh là rút ngắn chu kỳ kinh doanh .
Chu kỳ kinh doanh bao gồm các loại thời gian chủ yếu sau:
- Thời gian nghiên cứu nhu cầu thị trường và quyết định sản xuất
- Thời gian chuẩn bị cho các đầu vào cho sản xuất hoặc mua bán các hàng hoá và dịch vụ
- Thời gian tổ chức quá trình sản xuất hoặc bao gói, chế biến
- Thời gian tổ chức việc tiêu thụ sản phẩm
Như vậy, chu kỳ kinh doanh phụ thuộc vào quá trình kinh doanh. Trong chu kỳ kinh doanh, thời gian sản xuất hàng hoá và dịch vụ là lớn nhất. Trong thời gian sản xuất hàng hoá và dịch vụ thì thời gian công nghệ (chế tạo, chế biến) có vị trí quyết định. Muốn giảm chu kỳ kinh doanh cần áp dụng nhiều biện pháp để đẩy nhanh quá trình kinh doanh, trong đó hết sức coi trọng các biện pháp kinh tế, tổ chức kỹ thuật và quản lý. Việc rút ngắn chu kỳ kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng đến tăng nhanh kết quả kinh doanh và giảm các chi phí kinh doanh. Đó là điều kiện tăng hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.
Những vấn đề cơ bản của doanh nghiệp
Một doanh nghiệp muốn phát triển đều phải giải quyết ba vấn đề cơ bản sau:
Sản xuất cái gì: tức là nên sản xuất hàng hoá, dịch vụ nào? với số lượng bao nhiêu, chất lượng như thế nào? và lúc nào thì sản xuất ?. Để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu thị trường thông qua sự biến động của giá cả, vì giá cả phản ảnh mối quan hệ cung - cầu.
Sản xuất như thế nào: tức là nguồn lực nào được huy động vào sản xuất, gồm: vốn, công nghệ, lao động với mục tiêu chi phí sản xuất là thấp nhất.
Phân phối cho ai:tức là thu nhập tạo ra trong quá trình sản xuất được phân phối cho ai là có hiệu quả nhất. Phân phối phải dựa trên quyền sở hữu về giá trị của các yếu tố đầu vào, phân phối đảm bảo khuyến kích người lao động để thúc đẩy họ nâng cao, cải tiến năng suất lao động, thực hiện công bằng.
Trương Hoàng Hoa Duyên