0236.3650403 (221)

PHÊ CHUẨN TPP CHẬM SẼ CẦN SỰ ĐỒNG Ý CỦA CÁC NƯỚC KHÁC MỚI CÓ HIỆU LỰC


Theo quy định trong chương cuối cùng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), bất kỳ bên nào trong 12 quốc gia tham gia đàm phán và ký kết ban đầu của TPP nếu không thể phê chuẩn Hiệp định trước khi Hiệp định có hiệu lực theo quy định, thì bên đó sẽ cần phải được sự chấp thuận của các thành viên đã phê chuẩn Hiệp định nếu muốn Hiệp định có hiệu lực với họ sau đó.

Cụ thể, theo quy định của TPP, có 03 cách để TPP có hiệu lực:

i) TPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi tất cả các nước thành viên thông qua

ii) Sau 2 năm kể từ khi ký Hiệp định, nếu không có tất cả các thành viên TPP thông qua nhưng có ít nhất 6 thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực trong năm 2013 thông qua, thì Hiệp định cũng sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn 2 năm đó.

iii) Nếu cả hai trường hợp trên không xảy ra, thì Hiệp định sẽ có hiệu lực sau 60 ngày kể từ bất kỳ khi nào có ít nhất 6 thành viên chiếm ít nhất 85% tổng GDP của khu vực trong năm 2013 thông qua Hiệp định

Trong các trường hợp ii) và iii), các nước còn lại chưa thông qua Hiệp định sau đó muốn Hiệp định có hiệu lực với mình sẽ phải thông báo với các nước đã thông qua về việc mình đã hoàn thành các thủ tục phê chuẩn nội bộ và ý định muốn là một thành viên của Hiệp định. Trong vòng 30 ngày kể từ khi nhận được thông báo, một Ủy ban TPP sẽ quyết định xem Hiệp định có hiệu lực với nước thông báo đó không.

Ủy ban TPP này được thành lập theo Chương 27 của Hiệp định với trách nhiệm giám sát việc thực thi TPP của các nước. Ủy ban này được tạo thành từ các Bộ trưởng và các quan chức cấp cao khác từ các nước mà Hiệp định đã có hiệu lực.

Tuy nhiên, văn bản TPP đã không đưa ra hướng dẫn về việc làm thế nào để xác định một nước ký kết TPP mà chưa thông qua Hiệp định đã hoàn thành đầy đủ các thủ tục cần thiết cho việc Hiệp định thông qua với nước này, mà chỉ yêu cầu rằng tất cả các quyết định của Ủy ban TPP sẽ được thực hiện dựa trên nguyên tắc đồng thuận, trừ khi tất cả các bên đồng ý một quy trình ra quyết định khác.

Thủ tục này sẽ tạo điều kiện cho các bên đã phê chuẩn để Hiệp định có hiệu lực trong “đợt 1” có thể trì hoãn việc thông qua để Hiệp định có hiệu lực trong các “đợt sau” đối với một thành viên chưa phê chuẩn Hiệp định trong “đợt 1” cho đến khi xét thấy thành viên đó đã thực hiện đầy đủ các thủ tục cần thiết.

Hoa Kỳ và Nhật Bản, hai nước có GDP lớn nhất trong TPP, chiếm lần lượt là 60,27% và 17,68% năm 2013, và vì vậy nếu không có hai nước này thì ngưỡng 85% sẽ không thể đáp ứng được, đồng nghĩa với việc TPP muốn có hiệu lực trong “đợt 1” sẽ không thể thiếu một trong hai nước này. Nếu như vậy, hai nước này sẽ có ảnh hưởng đến việc TPP có hiệu lực với các nước khác trong các “đợt sau”, bởi các nước đó sẽ phải đáp ứng các yêu cầu mà hai nước này cho là phù hợp để TPP có thể có hiệu lực với họ.

( Theo Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI)

LÊ HOÀNG THIÊN TÂN