PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Đỗ Văn Tính-Khoa QTKD
Kinh tế xanh và các chỉ tiêu đo lường
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Kinh tế Xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cảithiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nền Kinh tế Xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội.
Trong nền kinh tế xanh, sự tăng trưởng về thu nhập và việc làm thông qua việc đầu tư của nhà nước và tư nhân cho nền kinh tế làm giảm phát thải cacbon, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái.
Kinh tế Xanh phải là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm, trong đó chính sách tạo ra các nguồn lực mới về tăng trưởng kinh tế bền vững và bình đẳng. Thúc đẩy nền Kinh tế Xanh và cải tổ quản lý môi trường là hai nhân tố căn bản bảo đảm tiến trình phát triển bền vững của mỗi quốc gia nói riêng và trên phạm vi toàn cầu nói chung.
UNEP phối hợp với các đối tác như Tổ chức Hợp tác & Phát triển Kinh tế (OECD) và Ngân hàng Thế giới (WB) để phát triển một bộ các chỉ tiêu mà từ đó các chính phủ có thể lựa chọn các chỉ tiêu phù hợp tùy thuộc vào tình hình của mỗi quốc gia, chẳng hạn như cấu trúc của nền kinh tế hay nguồn vốn tự nhiên. Các chỉ số đang được phát triển này có thể được tạm chia thành ba nhóm sau đây:
Các chỉ số kinh tế: chỉ số về tỉ lệ đầu tư, tỉ lệ sản lượng và việc làm trong các lĩnh vực đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững, chẳng hạn như tổng sản phẩm quốc nội (GDP) xanh.
Các chỉ số môi trường: chỉ số sử dụng hiệu quả tài nguyên, về ô nhiễm ở mức độ ngành hoặc toàn nền kinh tế (ví dụ như hệ số sử dụng năng lượng/GDP, hoặc hệ số sử dụng nước/GDP).
Các chỉ số tổng hợp về tiến bộ và phúc lợi xã hội: ví dụ như các chỉ số tổng hợp về kinh tế vĩ mô, bao gồm ngân sách quốc gia về kinh tế và môi trường, hoặc những chỉ số đem lại cái nhìn toàn diện hơn về phúc lợi, ngoài định nghĩa hẹp của GDP bình quân đầu người.
Kinh tế xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững
Phát triển bền vững là sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Phát triển bền vững đòi hỏi sự tiến bộ và tăng cường sức mạnh của cả ba yếu tố có tính chất phụ thuộc và tương hỗ: Kinh tế - xã hội - môi trường.
Chuyển đổi sang nền kinh tế xanh có thể là một động lực quan trọng trong nỗ lực này. Thay vì bị coi như là nơi hấp thụ chất thải tạo ra bởi các hoạt động kinh tế một cách thụ động, thì trong nền kinh tế xanh môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài. Nói cách khác, nhân tố môi trường thực sự đóng vai trò như là chất xúc tác cho tăng trưởng và đổi mới trong nền kinh tế xanh.
Kinh tế Xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững.Sự phát triển ấy có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng hay làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai. Trong nền Kinh tế Xanh, môi trường được xem là nhân tố có tính quyết định đến tăng trưởng kinh tế, cải thiện chuỗi giá trị, đem lại sự ổn định và thịnh vượng lâu dài.
Kinh tế Xanh góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn được sử dụng như là cách thức phổ biến nhất để đánh giá về một nền kinh tế. Nhưng có một hiện thực là, sự tăng trưởng đó thường được tạo ra thông qua việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên là loại tài sản “chung” như tài nguyên nước, rừng, không khí... là nguồn cung cấp tối cần thiết cho sự sống. Để có tăng trưởng, chúng ta phải trả giá rất đắt trên cả hai phương diện kinh tế và xã hội, đặc biệt là một bộ phận những người mà sinh kế của họ phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác các nguồn lực môi trường. Suy giảm đa dạng sinh học và suy thoái các hệ sinh thái đang ảnh hưởng rất lớn đến các ngành nông nghiệp, chăn nuôi, đánh bắt cá, lâm nghiệp...
Kinh tế Xanh tạo ra hàng loạt việc làm mới nổi và có nhiều tiềm năng. Một công việc tốt được hiểu như là công việc có năng suất lao động cao, cùng với hiệu quả về cải thiện môi trường sinh thái và ổn định lượng khí thải ra ở mức thấp sẽ góp phần tăng thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng và giúp bảo vệ môi trường - khí hậu. Đã có rất nhiều những việc làm xanh như vậy được tạo ra, đặc biệt là trong ngành năng lượng tái tạo, nông nghiệp hữu cơ, giao thông công cộng, cải tạo các khu công nghiệp, tái chế sản phẩm phụ và rảc thải...
Kinh tế Xanh bảo vệ sự đa dạng sinh học. Suy giảm đa dạng sinh học làm giảm phúc lợi của một bộ phận dân số thế giới, trong khi một bộ phận dân số khác gặp phải những vấn đề trầm trọng hơn vì đói nghèo. Nếu tình trạng này tiếp tục, nó có thể gây ảnh hưởng đến sự hoạt động của các hệ sinh thái điều hòa khí hậu trong dài hạn và có thể dẫn đến những biến đổi không thể lường trước và có thể dẫn đến sự đảo ngược trong hệ thống trái đất và những thay đổi trong các dịch vụ hệ sinh thái là nguồn cung các nguyên liệu chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế. Bởi những lý do này mà việc gìn giữvà bảo vệ các hệ sinh thái là trọng tâm của Chương trình nghị sự Kinh tế Xanh. Ngoài ra, đầu tư xanh cũng nhằm giảm những hệ quả tiêu cực do các yếu tố bên ngoài gây ra bởi việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Kinh tế Xanh giúp các nước đang phát triển đạt được các lợi ích kinh tế và xã hội về nhiều mặt. Thông qua việc triển khai các công nghệ năng lượng sạch và cải thiện tiếp cận với các dịch vụ năng lượng; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thông qua đầu tư và áp dụng sản xuất sạch hơn; bảo đảm an ninh lương thực thông qua việc sử dụng nhiều phương pháp nông nghiệp bền vững và tiếp cận với các thị trường mới nổi nhờ các hàng hóa và dịch vụ “xanh” của họ. Những tiến bộ trong khai thác hiệu quả tài nguyên và đa dạng hóa các nguồn năng lượng sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu và bảo đảm an ninh năng lượng cho các quốc gia, tránh những biến động của giá cả thị trường; đồng thời hạn chế các ảnh hưởng môi trường và chi phí liên quan đến sức khỏe từ những hoạt động sản xuất. Tất nhiên, mỗi quốc gia phải tự đánh giá các nguồn cung cấp vốn của mình và xem xét khả năng để có thể tối ưu hóa cơ hội cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
Cách thức để áp dụng mô hình kinh tế xanh đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể khác so với các quốc gia khác, điều đó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chắng hạn như đặc điểm địa lý, tài nguyên thiên nhiên, tiềm lực con người - xã hội và giai đoạn phát triển kinh tế. Tuy nhiên, những nguyên tắc quan trọng bao gồm đảm bảo phúc lợi cao nhất, đạt mục tiêu công bằng về mặt xã hội và hạn chế tối đa những rủi ro cho môi trường và hệ sinh thái thì vẫn luôn luôn không thay đổi.
Tài liệu tham khảo:
Kinh tế học môi trường: http://vi.wikipedia.org/wiki
Tổng Cục Môi Trường: http://vea.gov.vn/vn/truyenthong/sachvaanpham
Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường: http://isponre.gov.vn/home/dien-dan/761-tang-truong-xanh-va-mot-so-dinh-huong-uu-tien-cho-viet-nam
Thư Viện Quốc Gia Việt Nam: http://nlv.gov.vn/