PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG PHÂN PHỐI HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG NỘI ĐỊA
ĐỖ VĂN TÍNH – KHOA QTKD
Muốn lưu thông hàng hóa thông suốt, ổn định và lành mạnh, Nhà nước phải quản lý và kiểm soát được tình hình, kiềm chế hiệu quả những cơn biến động về giá cả, cung - cầu, ổn định vĩ mô, giữ vững các cân đối lớn, đáp ứng các nhu cầu của sản xuất và đời sống,... Thực hiện có hiệu quả những vấn đề đó sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, làm chủ thị trường trong nước đồng thời còn tạo tiền đề cho sự thành công của tiến trình hội nhập sâu vào WTO.
Về thực chất, đây là quá trình đổi mới và tổ chức lại thị trường trong nước theo hướng hình thành và phát triển mạnh các hệ thống phân phối nòng cốt và chủ lực, đồng thời nâng cao hiệu quả và hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hệ thống này nhằm mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn dài hơn. Qua đó, tạo ra cơ sở kinh tế và tiền đề tổ chức để đổi mới quản lý nhà nước về lưu thông hàng hóa và thị trường trong nước, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam, vừa bắt kịp với xu hướng phát triển có tính thời đại của kinh tế và thương mại toàn cầu. Trong giai đoạn hiện nay, khi phát triển kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn (nhất là hoạt động xuất khẩu) do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, việc mở rộng lưu thông hàng hóa và phát triển mạnh hệ thống phân phối còn góp phần kích cầu tiêu dùng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa của các ngành sản xuất trong nước, nhờ vậy, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng GDP hợp lý và bền vững.
Các hệ thống phân phối trên thị trường Việt Nam hiện nay
1 - Hệ thống phân phối vật tư chiến lược, gồm có:
- Hệ thống phân phối xăng dầu.
- Hệ thống phân phối phân bón.
- Hệ thống phân phối xi-măng.
- Hệ thống phân phối thép.
2 - Hệ thống phân phối lương thực
3 - Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùnggồm rất nhiều loại hình như:
- Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng qua chợ và các loại hình cửa hàng bán lẻ nhỏ, độc lập của hộ kinh doanh.
- Hệ thống phân phối tổng hợp hàng hóa tiêu dùng qua các loại hình tổ chức bán lẻ hiện đại
Đánh giá khái quát sự phát triển của các hệ thống phân phối trên thị trường
Trong hơn 20 năm qua, lưu thông hàng hóa và thị trường trong nước nói chung, các hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường bán lẻ nói riêng, đã có bước phát triển khá rõ, đạt được những thành tựu quan trọng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa liên tục tăng khoảng 20%/ năm; tiêu thụ hầu hết sản phẩm hàng hóa do sản xuất trong nước làm ra; đáp ứng đủ nhu cầu của sản xuất và đời sống. Thành phần kinh tế và chế độ sở hữu của thương nhân tham gia thị trường ngày càng đa dạng và phong phú. Phương thức hoạt động, công nghệ quản lý và điều hành kinh doanh đang trên đà phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất kỹ thuật và kết cấu hạ tầng thương mại được chăm lo đầu tư, củng cố và nâng cấp một bước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ đạt được, trong lĩnh vực này còn tồn tại những mặt hạn chế. Đó là, thị trường phát triển không bền vững, các hệ thống phân phối còn mỏng, dễ bị tổn thương trước các tác động của giá cả thị trường thế giới và những đột biến về quan hệ cung - cầu trong nước. Tồn tại và yếu kém cơ bản nhất là về tổ chức, phát triển và quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối bán lẻ, cụ thể:
- Còn quá ít những doanh nghiệp và những hệ thống phân phối đủ mạnh, có khả năng tài chính, mạng lưới kinh doanh, lực lượng con người, công nghệ, quản lý, điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa, tương xứng với các đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường trong nước với bên ngoài.
- Có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ (chợ, cửa hàng độc lập, hộ kinh doanh cá thể) không được định hình phát triển, không được tổ chức thành đối tượng của quản lý nhà nước, hoạt động tự do và độc lập ngoài vòng kiểm soát, làm cho thị trường trở nên manh mún, tản mạn, lộn xộn và rối loạn, pháp luật của Nhà nước, cũng như lợi ích của người tiêu dùng không được tôn trọng. Mô hình quản lý chợ còn nửa vời, hiệu lực và hiệu quả quản lý thấp. Bên trên các cửa hàng độc lập và các hộ cá thể không có một đơn vị hoặc chủ thể nào làm đầu mối tổ chức và kinh doanh.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do lâu nay nhận thức, quan điểm về lưu thông hàng hóa và thị trường chưa đầy đủ, rõ ràng và thiếu nhất quán. Lâu nay, trong nhận thức và quan điểm luôn coi sản xuất là gốc, mọi vấn đề đều quy về sản xuất trong khi lẽ ra, trong thời đại hiện nay, lưu thông hàng hóa và thị trường phải là khâu năng động và linh hoạt nhất của chu trình tái sản xuất, là "điểm nút" xung yếu và có tác động chi phối sự vận hành trôi chảy của đời sống kinh tế - xã hội. Do nhận thức và quan điểm như vậy nên thị trường và thương mại trong nước ít được quan tâm đầu tư phát triển. Nhà nước chưa phát huy được chức năng tổ chức thị trường cũng như quy hoạch, thiết kế chính sách, định hướng phát triển và quản lý thị trường. Suốt quá trình đổi mới nền kinh tế, chúng ta hầu như không quan tâm nghiên cứu đổi mới cách tiếp cận về lưu thông hàng hóa. Cả trong tư duy kinh tế cũng như trong hành động thực tiễn đều có khuynh hướng để cho thị trường và thương mại phát triển tự do và thông thoáng một cách thái quá. Cũng vì thế mà dẫn đến tình trạng là Nhà nước không có công cụ và địa chỉ để tổ chức triển khai và kiểm tra, kiểm soát quá trình thực thi pháp luật, cơ chế và chính sách.
Hơn thế nữa, thị trường trong nước rộng lớn đòi hỏi phải có một thể chế phù hợp. Trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay mới chỉ điều chỉnh những khía cạnh riêng lẻ, chưa có căn cứ, thiếu đồng bộ và không có tính hệ thống, ý nghĩa và giá trị pháp lý thấp làm cho vai trò quản lý nhà nước về tổ chức phát triển hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ còn mờ nhạt, nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp chưa thực sự đi vào đời sống, tác dụng cũng như hiệu quả thực tế chưa thể hiện rõ.
Các giải pháp chủ yếu:Phát triển hệ thống phân phối của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn những hàng vật tư chiến lược và một số hàng tiêu dùng quan trọng, thiết yếu; phát triển hệ thống các doanh nghiệp phân phối lớn và phân phối tổng hợp hàng tiêu dùng; quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường cả nước, mà nội dung chính yếu là:
- Quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống phân phối (lập và trình phê duyệt các quy hoạch, đề xuất và vận dụng các cơ chế chính sách vào quá trình tổ chức thực hiện các quy hoạch...).
- Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện các chính sách, luật pháp và biện pháp điều hành vĩ mô của Nhà nước đối với các hệ thống phân phối hàng hóa trên thị trường.
- Xây dựng và thực hiện chế độ thông tin hai chiều giữa Bộ Công Thương với các hệ thống phân phối. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi để nắm bắt và phát hiện kịp thời diễn biến tình hình thị trường - giá cả và hoạt động của các hệ thống phân phối. Đánh giá và dự báo sát thực các xu hướng phát triển, chủ động kiến nghị đề xuất các biện pháp xử lý và công cụ điều hành thích hợp.
- Tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp và công cụ kinh tế vĩ mô của Nhà nước trong các hệ thống phân phối trên thị trường nhằm phòng, chống các đột biến bất thường về quan hệ cung cầu - giá cả, tái lập sự bình ổn và tiếp tục phát triển thị trường một cách lành mạnh, bền vững.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối vừa và nhỏ trên thị trường các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết và chủ yếu là thị trường nông thôn và miền núi. Phát triển mô hình hợp tác xã (HTX) hoạt động đa năng, kinh doanh dịch vụ tổng hợp ở nông thôn và miền núi, trong đó mô hình chủ yếu là HTX nông nghiệp - thương mại hoặc HTX dịch vụ tổng hợp nhằm phục vụ sản xuất của kinh tế hộ, kinh tế trang trại; nhân rộng mô hình HTX quản lý và kinh doanh chợ. Phát triển và quản lý có hiệu quả các loại hình chợ, trọng tâm là chợ dân sinh bán lẻ nông sản, thực phẩm.
Đồng thời với những giải pháp trên sẽ phát triển mô hình công ty bán lẻ hiện đại và chuyên nghiệp, thu hút đông đảo các hộ kinh doanh với các cửa hàng bán lẻ độc lập trở thành mạng lưới các đơn vị "chân rết" trực thuộc, ứng dụng những mô hình tổ chức và phương thức hoạt động kinh doanh hiện đại như chuỗi phân phối bán lẻ, nhượng quyền thương mại, cửa hàng tiện lợi...
Tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường ở các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó sở công thương, phòng kinh tế tại các quận và phòng công thương tại các huyện, cùng lực lượng quản lý thị trường là những đầu mối và có trách nhiệm quản lý./.