PHÂN BIỆT BÁN HÀNG ĐA CẤP VÀ KINH DOANH THEO MÔ HÌNH KIM TỰ THÁP (PHẦN 1)
Bán hàng đa cấp là một mô hình phát triển đã khá lâu trên thế giới. Tại Việt Nam, đã có khá nhiều công ty bán hàng đa cấp được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, trong thực tế, bán hàng đa cấp tại Việt Nam đang có sự nhập nhằng lẫn lộn giữa bán hàng đa cấp và hoạt động kinh doanh theo mô hình kim tự tháp.
Ngày 08/11/2005, Bộ Thương mại ban hành thông tư số 19/2005/TT-BTM hướng dẫn một số nội dung quy định tại Nghị định số 110/2005/NĐ-CP ngày 24/08/2005 của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Sở Thương mại căn cứ vào quy định của pháp luật và hướng dẫn của Thông tư này giúp UBND cấp Tỉnh tổ chức thực hiện việc cấp Giấy đăng ký tổ chức bán hàng đa cấp trên địa bàn.
Về góc độ kinh tế, có thể phân biệt bán hàng đa cấp và kinh doanh theo mô hình kim tự tháp trên một số điểm chính như sau:
Ø Về góc độ lý thuyết:
Bán hàng đa cấp là một hệ thống bán lẻ trong đó sản phẩm, dịch vụ được bán thông qua những “nhà phân phối”, thường được bán tại nhà. Một công ty bán hàng đa cấp cũng khuyến khích các nhà phân phối thiết lập và quản lý lực lượng bán hàng của mình thông qua tuyển dụng, tạo động lực và đào tạo người khác bán sản phẩm, dịch vụ. Bên cạnh doanh thu bán hàng cá nhân, nhà phân phối sẽ dược hưởng % doanh thu do lực lượng bán hàng của mình tạo thành. Nói cách khác, nhà phân phối sẽ được hưởng hoa hồng từ doanh thu bán hàng của mình và của những người do anh ta tuyển vào mạng lưới của mình. Bán hàng đa cấp nhằm vào việc “kiếm tiền” cùng với những nhà phân phối khi xây dựng công việc kinh doanh thông qua việc bán các sản phẩm tiêu dùng.
Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp là một hệ thống trong đó những người ở cấp dưới cùng phải trả tiền cho một số ít người ở cấp trên cùng. Khi tham gia vào kinh doanh theo mô hình kim tự tháp, bạn phải chi trả cho cơ hội để leo được lên cấp trên và hưởng lợi nhuận từ những người tham gia muộn hơn. Trong mô hình kinh doanh kim tự tháp, hàng hoá, dịch vụ hoàn toàn bị phớt lờ, có rất ít những lời đề cập về thị trường của sản phẩm. Kinh doanh theo mô hình kim tự tháp tập trung vào việc kiếm lợi nhuận nhanh thông qua bán “quyền tuyển dụng”, “quyền tham gia”. Tức là, kinh doanh theo mô hình kim tự tháp “kiếm tiền” từ chính những người tham gia.
SÁI THỊ LỆ THUỶ (KHOA QTKD)