0236.3650403 (221)

Ổn định thị trường tài chính - tiền tệ trong thời gian Coronavirus lây lan


Sự lây lan coronavirus trên khắp thế giới như hiện nay là một thảm kịch của loài người. Đo lường tác động của bệnh dịch đến nền kinh tế toàn cầu là vô cùng phức tạp, vì vậy sẽ không có sự chắc chắn nào đối với những triển vọng kinh tế trong tương lai. Do đó, các chính sách nhằm mục tiêu ổn định thị trường tài chính - tiền tệ sẽ rất quan trọng để giúp củng cố nền kinh tế toàn cầu.

 

Điều kiện tài chính thắt chặt hơn và rủi ro cao hơn

 

Thị trường chứng khoán tại các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, các nước châu Âu và Nhật Bản đều có sự sụt giảm mạnh mẽ trong thời gian vừa qua. Các nhà đầu tư đã phân bổ lại danh mục đầu tư của họ, từ các tài sản rủi ro sang các tài sản an toàn hơn. Trái phiếu lợi suất cao là một trong những ưu tiên hàng đầu. Điều này cũng có nghĩa là các công ty phải đối mặt với chi phí vay vốn cao hơn khi họ khai thác thị trường vốn và trái phiếu. Việc thay đổi đột ngột, mạnh mẽ trong điều kiện tài chính sẽ trở thành lực cản đối với nền kinh tế bởi vì các công ty hoãn quyết định đầu tư và người dân trì hoãn tiêu dùng vì họ cảm thấy không an toàn về vấn đề tài chính.

 

Phản ứng của chính sách tiền tệ

 

Việc thắt chặt điều kiện tài chính cùng với kỳ vọng về lạm phát thấp, có nghĩa là chính sách tiền tệ có vai trò rất lớn ở thời điểm hiện tại. Các ngân hàng trung ương có thể hỗ trợ nhanh chóng bằng cách tăng cường thanh khoản và cắt giảm lãi suất, từ đó ngăn chặn khủng hoảng tín dụng có thể xảy ra. Trên thực tế, hầu hết các ngân hàng trung ương đã thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng, thông qua sự sụt giảm mạnh về lợi suất trái phiếu chính phủ của nhiều quốc gia.

 

Hành động đồng bộ giữa các quốc gia làm tăng sức mạnh của chính sách tiền tệ. Việc thanh khoản dồi dào là điều kiện tiên quyết giải quyết những khó khăn do điều kiện tài chính thắt chặt. Trong những trường hợp bất thường này, nếu áp lực thanh khoản đe dọa hoạt động của thị trường, các ngân hàng trung ương có thể cần phải cung cấp thanh khoản khẩn cấp.

 

Chính sách ổn định tài chính

 

Lãi suất giảm mạnh kết hợp với sự lo lắng ngày càng tăng về triển vọng kinh tế cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại về sức khỏe của các ngân hàng. Giá cổ phiếu của các ngân hàng đã giảm mạnh và giá trái phiếu cũng phải chịu áp lực do có khả năng phản ánh nỗi sợ thua lỗ tiềm năng.

 

Tin tốt là các ngân hàng thường kiên cường hơn trước các cuộc khủng hoảng tài chính bởi vì họ có vốn và thanh khoản lớn hơn. Điều này có nghĩa là rủi ro xuất phát từ lĩnh vực ngân hàng thấp hơn nhiều, mặc dù giá cổ phiếu giảm.

 

Nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách phải hành động quyết đoán và hợp tác ở cấp độ toàn cầu để bảo vệ sự ổn định của thị trường tài chính - tiền tệ trong thời gian tới. IMF sẽ hành động khi cần thiết để giúp các thành viên của mình đối mặt với cuộc khủng hoảng này.

 

Theo IMF

ThS. Lê Thị Hoài Trinh