Nợ công của Việt Nam có an toàn?
Nợ công bao nhiêu là đủ và an toàn đối với Việt Nam còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta có thể thấy từ cuộc khủng hoảng nợ công thế giời thời gian qua (nợ công khoảng 100% GDP là đủ để một nước như Hy Lạp rơi vào tình trạng phá sản, trong khi đó nợ công lên tới hơn 200% như Nhật Bản vẫn được coi là an toàn). Như vậy, mức độ “an toàn” hay “không an toàn” của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ công/GDP mà quan trong hơn là phụ thuộc vào sức khỏe của nền kinh tế.
Tốc độ tăng GDP cao là điều kiện cần để tăng nguồn thu và đạt thặng dư ngân sách. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tăng trưởng GDP chủ yếu là do tăng các yếu tố đầu vào vật chất (vốn và lao động) mà không đi kèm với tăng hiệu quả, bằng chứng cho thấy là hệ số ICOR không ngừng tăng lên.
Một nguyên nhân khác cũng gây ảnh hưởng cho nền kinh tế của bất cứ quốc gia nào có ngưỡng nợ công cao chứ không riêng Việt Nam đó chính là sự biến động của tỷ giá.Trong cơ cấu của nợ công, phần nợ nước ngoài chiếm một tỷ lệ lớn. Với xu hướng tăng nhanh của tỷ giá USD/VND như thời gian quasẽ gây áp lực dẫn đến nợ công ở mức cao sẽ kéo theo mức bội chi ngân sách lớn và dần dần sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Thêm vào đó, mức lãi suất cao khiến việc vay mới và tài trợ nợ công trở nên đắt đỏ hơn, do vậy, ảnh hưởng tới tính bền vững của nợ công. Bên cạnh đó, với việc Việt Nam gia nhập nhóm nước thu nhập trung bình, các khoản vay quốc tế ưu đãi sẽ dần không còn nữa mà thay vào đó là các khoản vay thương mại với lãi suất cao hơn nhiều.
Sau những chấn động từ cuộc khủng hoảng nợ công thế giới đang có xu hướng lan rộng sang một số quốc gia khác khiến các nước, nhất là những nước có nợ công lớn và thâm hụt ngân sách kinh niên, mỗi quốc gia cần phải thường xuyên đánh giá lại tình trạng tài khóa của đất nước mình để có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm tránh những hậu quả nặng nề như một số các nước châu Âu và Mỹ đang phải đối mặt.
Huỳnh Lê Bảo Như