0236.3650403 (221)

NHỮNG NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA TỶ GIÁ HỐI ĐOÁI


Dưới tác động của xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế như hiện nay, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng ngắn hạn cũng như dài hạn đến tỷ giá, bao gồm các yếu tố sau đây:

a/ Cán cân thanh toán quốc tế

Cán cân thanh toán quốc tế phản ánh tình hình thu – chi thực tế bằng ngoại tệ của một nước so với các nước khác trong quan hệ giao dịch quốc tế lẫn nhau, cán cân thanh toán quốc tế thể hiện vị thế tài chính của quốc gia bội chi hoặc bội thu:

- Nếu cán cân thanh toán quốc tế bội chi: (chi > chi), thì quốc gia đó phải xuất ngoại tệ trả nợ, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ gia tăng, cầu > cung, tỷ giá cho xu hướng tăng lên.

- Ngược lại nếu cán cân thanh toán quốc tế bội thu (thu > chi), nước ngoài trả nợ bằng ngoại tệ, dẫn đến cung ngoại tệ gia tăng, tỷ giá có xu hướng giảm.

- Tuy nhiên sự biến động tăng giảm tỷ giá hối đoái nói trên chỉ xảy ra trong trường hợp điều kiện môi trường kinh tế ổn định không xảy ra những biến cố kinh tế - chính trị trọng đại, vì những biến động và chính trị, xã hội sẽ tác động nhanh chóng đến sự thay đổi của tỷ giá.

b/ Lãi suất

Phần lớn các nhà đầu tư với quy mô lớn trên thị trường như các tập đoàn, các công ty đa quốc gia có thể chuyển đổi đầu tư một cách dễ dàng giữa các đồng tiền khác nhau khi tỷ giá và lãi suất của các đồng tiền này có chiều hướng thay đổi. Vấn đề quan trọng được đặt ra là cần phải so sánh đối chiếu thu thập đầu tư từ các đồng tiền khác nhau để có thể chắc chắn rằng họ có thể thu được kết quả đầu tư tốt nhất. Thông thường các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào đồng tiền có lãi suất cao, được thể hiện bằng cách khá phổ biến là đi vay đồng tiền có lãi suất thấp chuyển đổi sang đồng tiền có lãi suất cao, sau đó đầu tư đồng tiền lãi suất cao bằng nhiều hình thức nhằm hưởng lợi nhuận do chênh lệch lãi suất của hai đồng tiền. Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi cung cầu ngoại tệ trên thị trường,từ đó ảnh hưởng đến tỷ giá.

Tuy nhiên trong suốt thời gian đầu tư hay cho vay,… tỷ giá biến động tăng hoặc giảm sẽ tác động đến gia tăng thu nhập hoặc lỗ, nhà đầu tư bị rủi ro do sự gia tăng tỷ giá lớn hơn thu nhập do chênh lệch lãi suất của hai đồng tiền. Thực tế, thông thường đồng tiền có lãi suất cao có khuynh hướng lên giá, bởi vì sẽ có nhiều nhà đầu tư mua đồng tiền có lãi suất cao để cho vay nhằm thu lãi nhiều hơn

c/ Ngang giá sức mua:

Ngang giá sức mua chính là sự so sánh và đo lường sức mua tương đối của hai đồng tiền, được tính toán bằng cách so sánh giá cả của cùng một số mặt hàng ở hai nước khác nhau được tính theo đồng tiền của hai nước.

Nếu cùng một số tiền ngang nhau người ta mua được một lượng hàng ngang nhau ở mọi nước thì như vậy mậu dịch quốc tế sẽ không có lãi và không kích thích ngoại thương phát triển, điều đó có nghĩa là, các đồng tiền đều ở trong tình trạng ngang nhau về sức mua.

Vì vậy cần phải hiểu nền tảng của ngang giá sức mua được thể hiện: nếu như một mặt hàng ở trong quốc gia này rẻ hơn thì xuất khẩu mặt hàng đó sang một nước khác giá đắt hơn thì sẽ có lời hơn, và ngược lại nếu một mặt hàng trong quốc gia sản xuất đắt hơn so với giá thị trường nước ngoài thì tốt hơn hết nên nhập khẩu mặt hàng đó sẽ có lợi hơn. Vấn đề này lý giải sự chênh lệch về giá cả của cùng một mặt hàng ở các nước khác nhau trên thế giới, nước nào có lợi thế kinh tế tốt hơn sẽ có điều kiện thuận lợi sản xuất ra hàng hóa với chi phí thấp, sẽ là cơ hội để các nước này đẩy mạnh xuất khẩu và ngược lại kích thích nhập khẩu khi mặt hàng đó sản xuất trong nước giá cao hơn. Sự gia tăng thương mại mậu dịch thế giới dẫn đến thực hiện các khoản thu chi ngoại tệ, từ đó làm ảnh hưởng đến cung cầu ngoại tệ trên thị trường và tác động đến tỷ giá hối đoái.

d/ Các điều kiện kinh tế:

Về ngắn hạn, các hoạt động kinh doanh và đầu tư hàng ngày đều tác động trực tiếp đến cung và cầu vốn đặc biệt là các khoản giao dịch với quy mô lớn trên thị trường. Những yếu tố kinh tế chính trị tác động tức thời đã làm thay đổi đáng kể các khoảng cách chênh lệch giữa tỷ giá bán và tỷ giá mua,… Mức cung, cầu ngoại tệ biến động trên thị trường thay đổi sẽ ảnh hưởng đến các luồng thu chi ngoại tệ, từ đó tác động đến tỷ giá hối đoái.

Về dài hạn, tỷ giá hối đoái bị ảnh hưởng bởi tình hình và xu hướng phát triển kinh tế quốc gia cũng như các biến động trên thị trường thế giới, được thể hiện qua những yếu tố cơ bản như sau: cán cân thanh toán, tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, thuế suất, cung và cầu vốn,… Tất cả những nhân tố trên tạo nên áp lực cung và cầu vốn trên thị trường, vốn ngoại tệ sẽ chảy vào một nước khi các nhà đầu tư thấy có cơ hội kinh doanh và một số nước cần vốn và đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn, còn các nước khác thừa tiền thì có khả năng đầu tư sang các nước khác, dẫn đến làm dịch chuyển luồng vốn đầu tư giữa các nước. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không phải luôn luôn lúc nào cũng đầu tư chỉ vì lãi suất cao mà còn phải tính đến các yếu tố chiến lược khác như: môi trường kinh tế - chính trị ổn định, chính sách thuế quan,…

e/ Những yếu tố chính trị:

Sự biến động của tỷ giá trong ngắn hạn cũng như dài hạn đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, mức độ bất ổn trong tình hình chính trị và các chính sách điều tiết của nhà nước. Có thể nói sự ổn định về chính trị được xem như là điều kiện hấp dẫn thu hút vốn đầu tư, và làm dịch chuyển vốn đầu tư nhanh chóng. Tình hình chính trị bất ổn sẽ dẫn đến hiện tượng tháo chạy vốn, đảo ngược dòng vốn,… là nguyên nhân nguy cơ khủng hoảng tài chính.

f/ Các yếu tố khác:

Tỷ giá còn chịu tác động của các yếu tố khác như: tâm lý, chính sách kinh tế, môi trường đầu tư,…

Tóm lại, những biến động các nhân tố nêu trên đã tác động làm thay đổi cung cầu ngoại tệ, giá trị đồng tiền sẽ tăng hoặc giảm trên thị trường.

                                                                                                            Lê Phúc Minh Chuyên